I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
Móng Cái là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và đã trải qua nhiều thay đổi về địa danh, địa giới hành chính. Dưới triều Nguyễn (thế kỷ XIX), Móng Cái thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Khi thực dân Pháp cai trị, năm 1891 đã tách phủ Hải Ninh ra khỏi tỉnh Quảng Yên. Ngày 01/12/1955, thị xã Móng Cái thuộc tỉnh Hải Ninh được thành lập. Ngày 30/10/1963, Quốc hội khoá II đã Quyết nghị "Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh". Ngày 01/7/1964, thị xã Móng Cái trở thành thị trấn Móng Cái thuộc huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 18/01/1979, huyện Móng Cái đổi tên thành huyện Hải Ninh. Ngày 20/7/1998, huyện Hải Ninh được nâng cấp, trở thành Thị xã Móng Cái. Ngày 24/9/2008, thành phố Móng Cái được thành lập theo Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 24/09/2008 của Chính phủ với diện tích tự nhiên 518,27 km2, có 78,4 km đường biên giới trên bộ và trên biển giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Dân số Thành phố có khoảng trên 105 nghìn người. Thành phố có 17 đơn vị hành chính gồm 08 phường và 09 xã. Móng Cái có cửa khẩu quốc tế, được xác định là Cửa khẩu quốc tế biên giới bộ quan trọng nhất của Việt Nam và là cửa ngõ quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN.
II. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT SAU 10 NĂM THÀNH LẬP THÀNH PHỐ
Sau 10 năm thành lập Thành phố (2008-2018), được sự quan tâm của Trung ương; sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh; với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Móng Cái với tinh thần đoàn kết, chủ động, linh hoạt đã quyết tâm, phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt.
(1)-Về kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt khá, năm 2017 tăng 14,64% (so năm 2016). Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước (năm 2008 thu đạt 1.678 tỷ đồng, năm 2017 thu đạt 1.886,1 tỷ đồng). Công tác chi ngân sách được điều hành và kiểm soát theo dự toán, đảm bảo thực hiện tiết kiệm theo quy định của Chính phủ. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng 1,5 lần (năm 2008 đạt 1.443 USD; năm 2017 đạt 3.680 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố: đến năm 2017, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu khu vực nông nghiệp giảm dần (chiếm 9,4%), khu vực công nghiệp, xây dựng tăng cao (chiếm 38,4%); khu vực dịch vụ chiếm 52,3% (năm 2008, các tỷ trọng tương ứng chiếm 16,8%; 15,6% và 67,6%).
- Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt 4.743 triệu USD (năm 2008 đạt 4.132 tỷ USD). Hoạt động du lịch có bước phát triển đột phá, khẳng định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế; tổng lượng khách du lịch đến Móng Cái tăng mạnh qua các năm (năm 2008 đạt 207 nghìn lượt khách; năm 2017 đạt hơn 2,2 triệu lượt khách; 06 tháng đầu năm 2018 đạt trên 1,5 triệu lượt khách). Các dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông... phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sản xuất, du lịch, đời sống và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Sản xuất công nghiệp có bước phát triển đột phá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 103,86 tỷ (năm 2008) tăng lên 7.314 tỷ (năm 2017).
- Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thành phố đã hoàn thành lập quy hoạch vùng sản xuất tập trung; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm có thương hiệu như: lợn Móng Cái, tôm chân trắng, ghẹ Trà Cổ... Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản cho năng suất và giá trị cao. Đa dạng hóa huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện theo phương châm “Người dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đến nay, đã có 06/09 xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân khu vực nông thôn được nâng lên.
(2)- Thu hút đầu tư được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện; thành phố đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp "Đồng hành cùng doanh nghiệp", chủ động xử lý, tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thành phố, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thuế,… Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt trên 590 triệu USD. Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động Thành phố và các địa phương lân cận, trong đó có các doanh nghiệp đang đầu tư hiệu quả tại Móng Cái như Lợi Lai, Texhong, Hồng Vận...
- Đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố gắn với việc triển khai thực hiện 02 quy hoạch chiến lược Khu KTCK Móng Cái (Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) đạt kết quả tích cực, đặc biệt là hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án, công trình động lực trong Khu KTCK như dự án cầu phao tạm Km3+4 phường Hải Yên, cảng ICD Thành Đạt; lối mở cặp chợ biên giới Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc); cầu Bắc Luân 2 và đường dẫn; mở rộng, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; dự án "Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 2" sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng châu Á (ADB)... Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị được tăng cường đầu tư.
(3)- Văn hóa xã hội có bước phát triển rõ nét
- Văn hóa - thông tin được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hệ thống phát thanh xã, phường, thôn, khu dân cư hoạt động hiệu quả. Hoạt động văn hóa - thể thao ngày càng đa dạng, phong phú; các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với Bộ quy tắc ứng xử "Người Móng Cái thân thiện", "Nụ cười Hạ Long"... được triển khai rộng khắp trong cộng đồng dân cư; đến năm 2017, toàn Thành phố có 06/17 xã, phường đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; 71/101 thôn, khu đạt danh hiệu "Thôn, khu phố văn hóa". Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản và di tích lịch sử được quan tâm, đã có 3 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia, 6 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh; Công tác dân tộc - tôn giáo được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện có hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.
- Giáo dục và đào tạo đã có những chuyển biến vượt bậc, toàn diện. Mạng lưới trường, lớp từ bậc học Mầm non đến Trung học phổ thông được đầu tư mở rộng; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao; đến hết năm 2017 có 49/51 trường được kiên cố hóa; 41/51 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trước một năm so với yêu cầu của Trung ương; tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Triển khai thực hiện sắp xếp hợp lý các trường, điểm trường, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng dạy và học theo Đề án 25; thực hiện hiệu quả hình thức hợp tác công - tư (trường mầm non Ka Long, Bông Sen, Hoa Hồng).
- Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng: Hệ thống y tế các tuyến được củng cố, phát triển và hoàn thiện; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại; chất lượng đội ngũ y, bác sỹ được nâng cao; ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong chuẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; 100% xã, phường đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đạt và vượt so mục tiêu đề ra; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh được đảm bảo. Các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ được triển khai tích cực.
- Tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, hàng năm đã giải quyết việc làm cho trên 3.600 lao động; các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo cải thiện nhà ở, chính sách với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội được đặc biệt quan tâm; đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố đến năm 2017 còn 0,89% (năm 2008 là 1,53%); Thực hiện đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(4)- Quốc phòng - an ninh được tăng cường; xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, toàn diện; tích cực, chủ động nắm chắc tình hình; xử lý kịp thời các tình huống phức tạp từ cơ sở, giữ vững ổn định chính trị; không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, quản lý tốt đường biên, mốc giới. Tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ Thành phố đến cơ sở; chú trọng công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh; hoàn thành chỉ tiêu tuyển gọi công dân nhập ngũ hàng năm. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm; tập trung giải quyết, xử lý nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả, đúng pháp luật các tình huống xảy ra trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm nhiều đơn tồn đọng. Tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, góp phần tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
(5)- Hoạt động đối ngoại được mở rộng và nâng cao hiệu quả: trọng tâm là hoạt động hợp tác, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch biên giới; công tác quản lý tàu thuyền trên sông biên giới, xây dựng kè biên giới, phòng chống tội phạm… mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các địa phương biên giới của Trung Quốc. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung biên bản ghi nhớ đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (Việt Nam) và đồng chí Bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết; duy trì thường xuyên các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các Ban Đảng, đoàn thể, giao lưu nhân dân kết nghĩa bản - bản, thôn-khu giữa các địa phương giáp biên hai nước Việt - Trung… góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
(6)- Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh:
- Công tác chính trị tư tưởng được quan tâm. Các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng được triển khai đầy đủ và nghiêm túc; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng được triển khai đảm bảo theo đúng kế hoạch, đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, trong tự phê bình và phê bình nghiêm túc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn kịp thời tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; làm tốt công tác định hướng tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực triển khai công tác định hướng báo chí, thông tin thời sự trong nước, quốc tế và ban hành các văn bản chỉ đạo, góp phần định hướng dư luận xã hội.
- Công tác tổ chức xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, nhất là khâu lựa chọn, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đột phá là khâu bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai, minh bạch, dân chủ; quyết liệt xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" của Thành phố (Đề án 25) có hiệu quả; thực hiện mạnh mẽ chủ trương nhất thể hóa chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các xã, phường, tính đến nay đã có 14/17 xã, phường Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, 03/17 xã, phường Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị (Trung tâm VHTT-TT với Đài Truyền thanh truyền hình; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với Thanh tra Thành phố; Ban Tổ Chức Thành ủy với Phòng Nội vụ Thành phố; Ban quản lý bến và phương tiện trên sông biên giới với Ban Quản lý cửa khẩu; chuyển chức năng bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Thành phố về Ban Tuyên giáo Thành ủy); thành lập cơ quan khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố... Chất lượng đội ngũ cán bộ và cán bộ dự nguồn được nâng cao; từng bước chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh. Công tác phát triển, quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm chỉ đạo; trong 10 năm đã bồi dưỡng, kết nạp được 1.375 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ Thành phố từ 2.447 đảng viên (năm 2008) tăng lên 3.822 đảng viên (tính đến tháng 6/2018).
- Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm chỉ đạo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác giám sát của cơ quan dân cử, công tác thanh tra nhà nước, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; góp phần giữ gìn sự trong sạch, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ.
- Đổi mới toàn diện công tác dân vận, chú trọng công tác dân vận chính quyền theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, đô thị, môi trường, an ninh trật tự, cải cách hành chính… Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của thành phố định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại với bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố và trưởng ban công tác mặt trận. Tăng cường nắm tình hình của các tầng lớp Nhân dân; kịp thời đề xuất, tham mưu cấp uỷ có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp với thực tiễn, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tích cực thực hiện các kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
- Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên: HĐND thành phố tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường chất vấn trong các kỳ họp; đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri; vai trò giám sát được tăng cường, ngày càng thực chất hơn, quan tâm tham gia giải quyết những kiến nghị của cử tri và nhân dân. UBND thành phố và các xã, phường đã tích cực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là đất đai, đô thị, an ninh trật tự,...; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, đột phá là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công và chính quyền điện tử; hoàn thành lập các quy hoạch chiến lược; đổi mới công tác điều hành thu - chi ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư công, từng bước khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy hợp tác công - tư.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự trị an, củng cố quốc phòng - an ninh; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.
Kỷ niệm 10 năm thành lập Thành phố (2008 - 2018) là dịp để chúng ta nhìn lại, phấn khởi và tự hào với những kết quả đạt được trong chặng đường đã qua; quảng bá thành tựu, hình ảnh, văn hoá, con người Thành phố. Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, với quyết tâm, ý trí, nghị lực, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thành phố sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới làm rạng rỡ truyền thống mảnh đất ba lần được phong tặng Anh hùng; xây dựng quê hương Móng Cái ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng tầm đô thị loại II, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường./.
BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY MÓNG CÁI