Đề cương tuyên truyền về Hội thảo “Định hướng phát triển và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để xây dựng Móng Cái trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại”

26/03/2012 23:44
Mục đích, yêu cầu của việc tổ chức Hội thảo: Nhằm tiếp tục khẳng định lợi thế, vị thế của Thành phố Móng Cái trong sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, những khó khăn, thách thức trong xây dựng Móng Cái trở thành Thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại; tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, các nhà quản lý, các diễn giả để đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện Kết luận 47-KL/TW; Quyết định 99/2009/QĐ-TTg ngày 29/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái; các cơ chế, chính sách đảm bảo tính tập trung, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với định hướng về phát triển thành phố Móng Cái; nghiên cứu đề xuất được định hướng, các giải pháp, cơ chế đảm bảo tính khả thi và hợp lý trên các phương diện: phương thức triển khai, thời gian, tiến độ triển khai; nguồn lực về con người, tài chính; tính trang trọng, an toàn, hiệu quả, có chất lượng...

 I - Giới thiệu chung về thành phố Móng Cái

- Thành phố Móng Cái nằm ở phía Đông bắc Tỉnh Quảng Ninh, diện tích tự nhiên là 520 km2, trong đó 85%  là đất liền, 15% là hải đảo. Dân số hơn 10 vạn người, có 17 đơn vị hành chính (8 phường, 9 xã); có trên 70km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, có 5 dân tộc anh em cùng chung sống: Kinh, Dao, Tày, Hoa, Sán Dìu.

- Thành phố Móng Cái được thành lập theo Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 24/9/2008 của Chính phủ. Từ trước đến nay Móng Cái luôn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của tỉnh Quảng Ninh; là cửa ngõ thông thương giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN trong tiến trình hình thành Khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN và chiến lược phát triển “hai hành lang, một vành đai”.

          - Hiện nay, Thành phố Đông Hưng - Quảng Tây - Trung Quốc (đối diện với Thành phố Móng Cái) đã được Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa phê duyệt là “Khu thí điểm khai phát trọng điểm Đông Hưng - Quảng Tây”  theo mô hình Đặc khu kinh tế với việc cho phép nghiên cứu đề xuất những cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi; là cửa khẩu lớn nhất, điểm đầu của các tuyến giao thương hàng hoá tạo thế và lực mới để tăng cường giao lưu hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN. Đồng thời, Trung Quốccũng đang triển khai thi công tuyến đường sắt cao tốc từ Thâm Quyến đến thành phố Cảng Phòng Thành - Đông Hưng với hành trình 3 giờ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thành phố Móng Cái mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.

- Bộ chính trị đã có Nghị quyết 54 NQ/TW ngày 14/9/2005 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến 2020, Kết luận số 47/KL/TW ngày 6/5/2009 của Bộ chính trị, Quyết định 99/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 19/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc xây dựng và phát triển Thành phố Móng Cái đến 2015, trong đó mục tiêu chung là xây dựng Thành phố Móng Cái trở thành Thành phố đô thị loại II biên giới hiện đại, là địa bàn đối trọng với Trung Quốc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Ngoài những chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Chính phủ dành cho địa phương, Móng Cái còn có tiềm năng lớn về hệ thống cảng biển nước sâu như: Cụm Cảng Hải Hà – Móng Cái, Vạn Gia, Dân Tiến; Khi cầu Bắc Luân II được khởi công và đưa vào sử dụng, nơi đây sẽ xây dựng Khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái (Việt Nam)- Đông Hưng (Trung Quốc) theo thoả thuận hai bên đã ký kết vào tháng 11/2007. Đó sẽ là những điều kiện thuận lợi trong việc trung chuyển hàng hoá giữa các nước ASEAN-Việt Nam-Trung Quốc.

II – Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Móng Cái:

Với lợi thế là một thành phố biên giới cửa khẩu, có điều kiện thuận lợi, lĩnh vực thương mại - du lịch - dịch vụ được quan tâm đầu tư. Chính vì vậy hoạt động thương mại - du lịch - dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động và đạt được những kết quả to lớn đóng góp vào sự phát triển của Thành phố.

- Thương mại XNK: Trước năm 1998, Móng Cái là một huyện nghèo, hưởng trợ cấp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ qua các cơ chế ưu đãi; sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND Tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của Tỉnh, đến nay Móng Cái đã phát triển trở thành một trong hai trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh, đã vươn lên tự chủ về tài chính với cơ cấu phát triển kinh tế hợp lý: Thương mại - dịch vụ (73%), công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (11,9%), nông lâm ngư nghiệp (14,9%). Cơ chế ưu đãi của Chính phủ đối với khu vực cửa khẩu quốc tế đã làm cho KT-XH của Móng Cái có sức bật mạnh mẽ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao (14,35%/năm), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.500 USD, gấp 1,5 lần năm 2005. Giá trị hàng hoá qua cửa khẩu trong 5 năm (2005 - 2010) đạt 15.875,7 triệu USD, tăng bình quân 25,25%/năm - chiếm 1/3 tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt - Trung. Đến nay trên địa bàn Thành phố có trên 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, 12 kho ngoại quan, 4 bãi đỗ xe chờ xuất với quy mô chứa trên 800 xe Container.

Hiện nay trên địa bàn Thành phố đã có gần 1000 doanh nghiệp, trên 20 HTX và gần 6000 hộ kinh doanh hoạt động trên các lĩnh vực, với nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú; Mạng lưới bưu chính viễn thông được quan tâm đầu tư phát triển: đến nay, 100% xã, phường được phủ sóng mạng điện thoại di động, tỷ lệ sử dụng điện thoại cố định và thuê bao di động trả sau đạt 73,85 máy/100 dân.

- Về du lịch: Móng Cái được xác định là 1 trong 2 trọng điểm du lịch của Quảng Ninh (sau Hạ Long). Hàng năm lượng khách du lịch đến Móng Cái đạt trên 2 triệu lượt (Trong đó du khách Trung Quốc chiếm 70 - 80%).Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch giai đoạn 2005-2010 đạt 912,597 tỷ đồng, tăng bình quân 21,6%/năm.

Văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, từng bước tương xứng với sự phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác “Xoá đói, giảm nghèo”, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại và công tác ngoại giao nhân dân được duy trì, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2011, tốc độ phát triển kinh tế của Thành phố đạt trên 15%, hoạt động thương mại - XNK diễn ra sôi động, tổng giá trị hàng hóa XNK đạt cao nhất từ trước tới nay (đạt 6,2 tỷ USD), tăng 32,6% so CK. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, tổng lượng khách du lịch xuất nhập cảnh tăng 30,1%; Sản xuất Công nghiệp - TTCN  vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định và tăng 14,1%.

III. Định hướng phát triển Thành phố Móng Cái đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 99/2009/QĐ-TTg ngày 29/7/2009 về phê duyệt Đề án Phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 với động lực phát triển chính của thành phố là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông quốc tế. Cụ thể là:

1. Quan điểm phát triển:

- Xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thành một trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và trở thành động lực phát triển mạnh của vùng Đông Bắc tổ quốc.

- Thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái - hạt nhân của khu kinh tế mở, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

- Phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, giao thông quốc tế là động lực phát triển chính của thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2020:

a) Xây dựng thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh trở thành đô thị loại II biên giới, hiện đại, trung tâm kinh tế, thương mại; là đô thị xanh, thân thiện với môi trường; thực hiện tốt chức năng đảm bảo quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội;

b) Phấn đấu đến năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 60 đến 65 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đến năm 2020 khoảng 11,0 - 12,0%/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 5,0 - 6,0%/năm, khu vực công nghiệp - xây dựng 14,0 - 16,0%/năm và khu vực dịch vụ 12,0 - 14,0%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 14,0%/năm;

c) Đến năm 2020 TP CK quốc tế Móng Cái đạt tiêu chí của đô thị loại II, Quy mô dân số năm 2015 khoảng 120 nghìn người; năm 2020 dân số khoảng 175 nghìn người; hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu; các Cơ sở sản xuất đều được sử dụng công nghệ sạch, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

IV. Một số nội dung về Hội thảo: “Định hướng phát triển và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để xây dựng Móng Cái trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại”

1. Căn cứ để tổ chức Hội thảo.

- Văn bản số 5165/UBND-TM3, ngày 14/12/2011 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh về việc tổ chức Hội thảo: “ Giải pháp, cơ chế chính sách để xây dựng và phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái”.

- Thông báo Kết luận số 544-TB/TU ngày 09/3/2012 của Thường trực Tỉnh ủy về việc “Tổ chức Hội thảo xây dựng và phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái”.

- Nhu cầu và tình hình thực tế của Thành phố, đặc biệt là việc xây dựng Thành phố đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2015 và trở thành Thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại.

2. Mục đích, yêu cầu của việc tổ chức Hội thảo:

- Nhằm tiếp tục khẳng định lợi thế, vị thế của Thành phố Móng Cái trong sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, những khó khăn, thách thức trong xây dựng Móng Cái trở thành Thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại.

- Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, các nhà quản lý, các diễn giả để đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện Kết luận 47-KL/TW; Quyết định 99/2009/QĐ-TTg ngày 29/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

- Các cơ chế, chính sách đảm bảo tính tập trung, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với định hướng về phát triển thành phố Móng Cái.

- Nghiên cứu đề xuất được định hướng, các giải pháp, cơ chế đảm bảo tính khả thi và hợp lý trên các phương diện: phương thức triển khai, thời gian, tiến độ triển khai; nguồn lực về con người, tài chính; tính trang trọng, an toàn, hiệu quả, có chất lượng.

3. Nội dung cơ bản của Hội thảo:

- Quan điểm của Tỉnh về định vị thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

- Các chuyên đề Hội thảo được tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính:

+ Mô hình phát triển; kinh nghiệm quốc tế và định hướng về phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế, hiện đại.

+ Cơ chế, chính sách ưu đãi về : thuế, đất đai, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp, đầu tư,….

+ Quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, thương mại, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu,….

4. Thời gian, địa điểm tổ chức hội thảo.

- Thời gian: 1 ngày, thứ bảy ngày 31/3/2012.

- Địa điểm: Tại Khách sạn MAJESTIC – VRG, phường Trần Phú, Thành phố Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh.

5. Đơn vị thực hiện:

- Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Cơ quan tổ chức: UBND thành phố Móng Cái và Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch Đầu tư.

          6. Thành phần tham dự Hội thảo: từ 150 -180 đại biểu gồm các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành, vụ, viện trung ương; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh; Đại biểu của một số huyện lân cận và Lãnh đạo thành phố./.

Loading...