Quảng Ninh được đánh giá là một tỉnh có vị trí địa kinh tế hết sức đặc biệt ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, vẫn được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Logistics là một ngành dịch vụ tiềm năng mà Quảng Ninh có lợi thế đặc biệt để phát triển.
Bởi tỉnh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên tại “Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh” do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng cho rằng logistics Quảng Ninh hiện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) chỉ rõ, bên cạnh tiềm năng lợi thế, phát triển cảng biển logistics Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển còn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, không chủ động nguồn bên ngoài.
Nhóm các nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng biển và hạ tầng phụ trợ cảng biển cũng như hỗ trợ các chủ tàu, chủ hàng, chủ cảng mở các tuyến vận tải hàng hóa đến, đi tại cảng biển của Quảng Ninh vẫn chưa được triển khai.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp, xúc tiến đầu tư chưa có giải pháp đột phá, dẫn đến chưa thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn có thương hiệu về cảng biển và các hãng tàu uy tín đến Quảng Ninh để hợp tác kinh doanh.
Các giải pháp liên kết, tiêu thụ, giao nhận, vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về Quảng Ninh thông qua cảng biển chưa có nhiều đổi mới, một số cảng chưa phát huy được hết công suất.
Cơ cấu hạ tầng cảng biển logistics còn bất hợp lý. Hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp, còn bến container chiếm số lượng rất ít tại khu vực tỉnh. Chính vì sự bất hợp lí này mà tình trạng thừa, thiếu vẫn diễn ra.
Hơn nữa, các bến cảng tại khu vực Quảng Ninh do nhiều nhà đầu tư vận hành khai thác dẫn đến tình trạng khó quản lý, cạnh tranh gay gắt, khiến giá bốc xếp đang ở mức khá rẻ.
Khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác cũng là một yếu điểm của hệ thống cảng biển khu vực Quảng Ninh.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.
Để hoạt động logistics tại khu vực Quảng Ninh phát triển tương xứng và không bị tụt lùi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Trung, Quảng Ninh cần tập trung rà soát tổng thể các bến cảng hiện hữu, các bến phao neo tại khu vực Con Ong - Hòn Nét.
Hệ thống lại các bến cảng, luồng lạch để đánh giá, điều chỉnh quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển...
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh.
Thu hút, kêu gọi các tập đoàn tài chính, ngân hàng mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Quảng Ninh. Kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế.
Tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới.
Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh, Quảng Ninh cần có hành lang pháp lý đầy đủ để đảm bảo cho các mô hình kinh doanh logistics mới trong thời đại kinh tế số như hiện nay.
Bà Trần Thị Huyền, Quản lý kinh doanh cấp cao khu công nghiệp DEEP C, cho biết tại Quảng Ninh, các Khu công nghiệp DEEP C có thể cung cấp tới gần 550 ha đất phục vụ logistics và cảng biển, tương đương hơn 30% tổng quỹ đất của DEEP C trên địa bàn tỉnh.
Đáp ứng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, hạ tầng cảng biển tích hợp của DEEP C sẽ phục vụ tàu hàng tổng hợp và hàng lỏng có trọng tải lên đến 50.000 DWT.
Theo đó, dự án nạo vét sông Chanh đóng vai trò cốt lõi để phát triển thành công các hạ tầng này. DEEP C sẽ nạo vét toàn bộ chiều dài gần 13 km sông Chanh tới cao độ -11 m CD, đảm bảo giao thông nhanh chóng và an toàn giữa tổ hợp cảng của DEEP C và cảng nước sâu Lạch Huyện ở Hải Phòng.
Đây thực sự là các khoản đầu tư rất quan trọng, là chìa khóa để Quảng Ninh chuyển mình thành một trung tâm logistics lớn ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ liên tục của các cấp lãnh đạo địa phương, lãnh đạo tỉnh và Trung ương.
“Chúng tôi rất cần hỗ trợ của tỉnh về nguồn cung lao động, quỹ đất, thủ tục cấp phép, cải cách hành chính và đầu tư giao thông…”, bà Huyền nhấn mạnh.
Dưới góc độ là một doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, đại diện Công ty TNHH công nghiệp Jinko Solar Việt Nam cho rằng dịch vụ logistics Quảng Ninh hiện nay cần có những điểm cải thiện, thậm chí là cần có các bước đột phá mới.
Cụ thể, cần tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm bớt áp lực vận tải cho các tuyến đường nội thị, giảm tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.
Tốc độ hóa phản ứng logistics cần nhanh hơn nhằm rút ngắn chu kỳ và thời gian giao hàng, tốc độ giao hàng nhanh hơn, như vậy kim ngạch hàng hóa ngày càng tăng. Tích hợp chức năng logistics và các liên kết khác trong chuỗi cung ứng như các kênh thương mại, sản xuất…
Ông Đào Trọng Khoa Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA), đề xuất rằng Quảng Ninh cần bổ sung Quy hoạch phát triển logistics và xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của tỉnh đến năm 2030.
Định hướng, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động logistics, lưu thông, phân phối hàng hóa.
Chú trọng dịch vụ vận tải đa phương thức kết nối đường biển, đường bộ và đường thủy nội địa- là những thế mạnh của Quảng Ninh trong vùng kinh tế trọng điểm sông Hồng và kết nối với khu vực phía Nam Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.
Mặt khác, bên cạnh các chính sách chung của Trung ương cần có các chính sách cụ thể ưu đãi khuyến khích đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư phát triển dịch vụ logistics nhất là kết cấu hạ tầng logistics cứng và mềm…