Đến Hải Sơn thăm đâu? Ăn gì?

08/05/2022 21:51
Mùa du lịch này, đến Hải Sơn du khách sẽ tới thăm những điểm nào? Được thưởng thức những món ăn đặc biệt ra sao? Sự khác biệt, độc đáo, riêng có của vùng đất biên cương này sẽ trả lời du khách tại Lễ hội hoa sim biên giới lần thứ nhất, năm 2022, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 14, 15/5 tới!

Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34 km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh; diện tích tự nhiên 8.308,41 ha. Địa hình chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa thớt. Đơn vị hành chính có 03 thôn. Dân số có 349 hộ, với 1.533 nhân khẩu, gồm 03 thành phần dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86,8%. Nhân dân trên địa bàn chủ yếu là dân tái định cư (chuyển từ lòng hồ Tràng Vinh ra) và dân đi xây dựng kinh tế mới (từ các tỉnh Hưng Yên, Nam Định; huyện Tiên Yên, Bình Liêu đến); thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông – lâm nghiệp. Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã từng bước được TP Móng Cái và xã Hải Sơn định hướng, đầu tư, phát huy nhằm giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, tiềm năng lợi thế và khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thành phố Móng Cái nói chung và xã Hải Sơn nói riêng; thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Mùa du lịch này, đến Hải Sơn du khách sẽ tới thăm những điểm nào? Được thưởng thức những món ăn đặc biệt ra sao? Sự khác biệt, độc đáo, riêng có của vùng đất biên cương này sẽ trả lời du khách tại Lễ hội hoa sim biên giới lần thứ nhất, năm 2022, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 14, 15/5 tới!

Điểm tham quan Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn

Điểm dừng chân đầu tiên của bất kỳ Đoàn thăm quan nào khi đến với Hải Sơn, thành phố Móng Cái chính là Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn.

Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn

Nổi bật Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau vừa là tượng trưng cho ba dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống tại nơi này, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa những bàn tay ấy tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc. Ở hai bên phía trước có 2 nhà bia trong đó đặt 2 tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979, còn tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979.

Tháng 3/2014, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc.

Điểm tham quan cột mốc 1347 (2); 1348 (2)

Cột mốc 1347 (2): Diện tích khuôn viên là khoảng 200m2, xung quanh trồng hoa dâm bụt, phía trước là nhà điều hành liên ngành lối mở Pò Hèn, ngoài cùng là cây cau dừa sát kè biên giới. Nơi đây thường xuyên diễn ra hoạt động qua lại, trao đổi, giao thương giữa cư dân biên giới của của xã Hải Sơn - Móng Cái (Việt Nam) với Trấn Na Lương- Cảng Phòng Thành (Trung Quốc), đặc biệt là các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Thôn Pò Hèn- Hải Sơn với Thôn Thán Sản-Trấn Na Lương.

Những cột mốc chủ quyền thiêng liêng nơi địa đầu Tổ Quốc

Cột mốc 1348 (2): Là cồn nổi ở giữa dòng sông Ka Long, thuộc thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, có xây dựng bờ kè bằng bê tông chắc chắn bảo vệ chân của cột mốc diện tích khoảng 0,5ha, xung quanh là dòng nước chảy.

Điểm tham quan làng bích họa xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn

Xóm họ Đặng có chiều dài 600m, mặt đường 3m bằng bê tông, diện tích khoảng 10ha. Xóm có 20 hộ, với 19 ngôi nhà đều vẽ tranh tường gọi là làng Bích họa, xung quanh cổng chính vào xóm được bố trí trồng các cụm cây sim, đường vào xóm trồng hoa. Tại các hộ có các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm nông sản địa phương (Trà Hoa Vàng, Mật ong rừng, Trám muối riềng, măng rừng muối, Rượu sim, cá suối...)

Làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa đất trời Đông Bắc

Điểm tham quan xóm 26 hộ Sán Chỉ, thôn Thán Phún xã, xã Hải Sơn

Xóm 26 hộ Sán Chỉ có chiều dài tuyến đường gần 1,8km, mặt đường vào xóm được đổ bê tông, diện tích mặt đường rộng 5m, tổng diện tích xóm 50ha, với trên 100 nhân khẩu sinh sống, người dân rất đoàn kết, chăm chỉ, chịu khó hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, an ninh trật tự đảm bảo; được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan kỳ vỹ,không khí trong lành (xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Mã Thầu Sơn cao 660m so với mực nước biển, Thác, Suối Mã Thầu Sơn cách xóm 600m...); đất đai rất màu mỡ, nông, lập nghiệp phát triển (trồng lúa, sắn, ngô, cây ăn quả..., nuôi gà, ngan đen, rượu sim...) nhà ở trong xóm đa phần là nhà biệt thự 2 tầng và nhà 1 gian kiên cố, đặc biệt vẫn giữ nguyên nét văn hóa của người dân tộc Sán Chỉ, hiện có xây mới 01 nhà sàn mang nét đặc trưng văn hóa dân tộc sán chỉ (phù hợp xây dựng dịch vụ lưu trú homestay); có hệ thống nước máy và nước suối đảm bảo, vệ sinh môi trường sạch sẽ, người dân đồng bào có ý thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường.

Điểm tham quan thác 72 gian - Hồ Tràng Vinh

Có độ cao khoảng 4m so mật nước hồ Tràng Vinh, cách trung tâm xã khoảng 15km, có đường bê tông nối từ xã Hải Tiến lên Hải Sơn, du khách đến thác 72 gian có thể tắm thác ngắm cảnh xung quanh là những đồi sim, trên thác là những cây rừng tự nhiên, du khách có thể đi bộ theo thượng nguồn nhặt ốc suối, hái trái cây ngọt.


Điểm tham qua đỉnh Mã Thàu Sán (Sơn)

Cách trung tâm xã khoảng 5km, đỉnh có độ cao 660m so với mực nước biển, đỉnh núi có hình hài như 1 con ngựa đang hiên ngang tiến về phía trước, trên đỉnh còn giữ được vẻ hoang sơ nhiều cây to cổ thụ, có ao nước tự nhiên, diện tích khoảng 20m2, du khách có thể leo lên đỉnh núi mất khoảng 3 giờ đồng hồ đi bộ theo đường rừng….

Đồi sim tự nhiên

Cách trung tâm xã khoảng 3km, nằm trên tuyến đường bê tông nối từ Hải Sơn đến Hải Tiến, nơi đây có rất nhiều cây sim tự nhiên cao khoảng 2m, vào mùa hoa sim nở rộ như một bức tranh màu tím đầy hương sắc núi rừng đặc trưng miền biên cương tổ quốc. Chụp ảnh giữa rừng sim với trang phục đời thường, hay thú vị hơn là khoác lên mình trang phục của đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ… Những bức hình giữa mênh mông khoáng đạt của đất trời biên giới sẽ khiến mỗi người thêm yêu quê hương, thêm gắn bó nghĩa đồng bào.


Nghệ thuật ẩm thực vùng đồng bào

Ở nơi đây, du khách sẽ vô cùng kích thích khẩu vị với món xôi ngũ sắc, lợn bản chế biến thành các món được bày lên từng chiếc mẹt dân dã, ngan đen luộc chấm với xì dầu, măng rừng, gà đồi nướng củi, cá suối cuộn lá lốt… Rời Hải Sơn, muốn đem thức quà từ vùng cao về với gia đình, du khách có thể chọn lựa những hộp măng rừng được muối với móc mật, hay những búp trà hoa vàng, hoặc ngọt ngào với mật ong khoái, bánh cốc mò chấm mật mía…


Đến với Hải Sơn là đến với trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ. Đặc biệt hơn, mỗi cán bộ xã, mỗi đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ Hải Sơn không chỉ là người đồng bào, có trình đô chuyên môn cao mà còn là những hướng dẫn viên du lịch nhiệt thành, trách nhiệm, sẵn sàng chào đón, hướng dẫn, giới thiệu cho mỗi du khách về truyền thống, vẻ đẹp của quê hương.


Hãy đến và cảm nhận. Chắc chắn, vùng đất và con người nơi đây sẽ chạm đến trái tim mỗi du khách.

Trong bài trân trọng sử dụng tư liệu hình ảnh của tác giả Nguyễn Quốc Toàn (BĐBP Quảng Ninh), các đồng nghiệp, quý du khách, nhân dân và các cộng tác viên).

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...