"Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng" ở xã Hải Đông (Móng Cái)

23/09/2014 23:24
Đồng hành với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) về tiêu chí môi trường, phong trào “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” đã được Hội Nông dân tỉnh phát động rộng rãi tới các hội viên toàn tỉnh. Tại xã Hải Đông, một trong những xã điểm xây dựng NTM của TP Móng Cái, chúng tôi đã ghi nhận những kết quả tích cực mà phong trào này mang lại.

 Sôi nổi các phong trào bảo vệ môi trường

 Anh Phạm Văn Hồng, Bí thư Đoàn xã Hải Đông, cho biết: “Quét dọn vệ sinh các trục đường liên thôn trong xã là việc làm thường xuyên của tuổi trẻ xã Hải Đông vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, Đoàn xã cũng tổ chức các đợt ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, tham gia góp công giúp hơn 100 hộ dân trên địa bàn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và di chuyển chuồng trại ra xa khu vực nhà ở. Trong dịp này, chúng tôi phối hợp với các thôn và Hội Cựu chiến binh để triển khai lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các trục đường thôn trong chương trình “Thắp sáng đường quê”. Qua đó cũng mong muốn được đóng góp một phần sức trẻ để những con đường NTM của quê hương trở nên sạch và đẹp hơn”.

ĐVTN xã Hải Đông quét dọn, thu gom rác thải tại các trục đường NTM trên địa bàn

Cùng với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ xã triển khai phong trào “5 không 3 sạch”; Hội Nông dân vận động hội viên thực hiện tốt phong trào “đẹp nhà” với quan điểm cán bộ hội làm trước rồi nhân rộng cho hội viên. Đây là những phong trào có ý nghĩa thiết thực với đời sống do vậy được nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Theo đó, nhà ở và khu vực quanh nhà thường xuyên được quét dọn sạch sẽ; đồ đạc trong nhà sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Nhà ở được xây mới hoặc tu sửa có kiến trúc, mẫu nhà phù hợp với quy hoạch và phong tục, lối sống cũng như điều kiện kinh tế của từng gia đình. Đặc biệt, các công trình phụ như giếng, bể nước, bếp, nhà vệ sinh, khu vực chuồng trại chăn nuôi được bố trí phù hợp, cách xa khu vực sinh hoạt gia đình.

Đoàn viên thanh niên tham gia nạo vét kênh mương nội đồng

Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể địa phương cũng thường xuyên tổ chức hội viên khơi thông các cống, rãnh thoát nước ở những tuyến đường chưa được cứng hóa; tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh bóng mát trên vỉa hè đường làng và khuôn viên nhà văn hóa thôn. Đến nay, toàn bộ 11 thôn trên địa bàn xã đều đã có tổ tự quản thu gom rác thải. Theo đó, rác thải thu gom hàng ngày được chuyển về nơi tập trung xử lý rác tại thôn 11. Từ phong trào này, diện mạo NTM của Hải Đông không những thay đổi từ cơ sở hạ tầng mà còn trong chính nếp sống văn hóa và sinh hoạt hàng ngày của từng hộ dân. Đến nay, Hải Đông đã đạt 17/19 tiêu chí và 36/39 chỉ tiêu, cơ bản đạt xã nông thôn mới.

4 đúng trong sản xuất

Là một xã nông nghiệp, trước đây người dân Hải Đông nuôi trồng theo cách truyền thống nên phần nào ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, để tạo chuyển biến tư duy sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội nông dân đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động, tập huấn. Đến nay, một số hộ dân trên địa bàn đã đầu tư xây dựng hầm biogas thu gom chất thải, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để giảm thiểu những tác động về môi trường. Phần lớn các hộ trồng rau màu và trồng lúa biết cách sử dụng phân bón đảm bảo cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp, không lạm dụng phân vô cơ. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương châm “4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng. “Để tạo thuận lợi cho bà con thu gom các loại vỏ hộp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong, sắp tới Đoàn thanh niên xã sẽ huy động ĐVTN triển khai xây các bể chứa rác thải vô cơ trên cánh đồng”, đồng chí Bí thư Đoàn xã cho biết.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn giúp giảm thiểu những tác động về môi trường

Riêng đối với rác thải hữu cơ, một giải pháp hữu hiệu được Hội nông dân xã Hải Đông triển khai đó là mô hình nuôi giun quế. Chị Lê Thị Thúy Dung, Chủ tịch Hội nông dân xã, cho biết: “Năm 2013, tổ hợp tác chăn nuôi tổng hợp xã Hải Đông đã triển khai mô hình nuôi giun quế khá hiệu quả. Sau 6 tháng nuôi, giun quế sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt, cho thấy hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường. Bởi vì, để có thức ăn nuôi giun, người dân tích cực thu gom rác thải hữu cơ (rơm rạ, rau, cây trồng hỏng…) cũng như các loại phân gia súc, gia cầm, qua đó góp phần làm “sạch đường” và “sạch đồng ruộng”. Ngoài ra, kết quả thu về khi nuôi giun quế đó là nguồn phân bón vi sinh từ phân trùn quế giúp cải tạo đất bạc màu, nhiễm độc; bản thân giun quế cũng là nguồn thức ăn cho lợn, gà, tôm, cua…”.

Phương Thúy

Trung tâm TT và VH
Loading...