Di tích kiến trúc - nghệ thuật Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ: Gìn giữ cho muôn đời sau.

24/10/2023 22:09
Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, TP Móng Cái luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc biệt là đình Trà Cổ - một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo tiêu biểu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1974. Mới đây nhất, ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1225/QĐ - TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với đình Trà Cổ. Quyết định nêu rõ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ - TP Móng Cái - Tỉnh Quảng Ninh. Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Quyết định cũng nêu Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

Theo truyền thuyết và các sắc phong hiện đang lưu giữ tại đình, đình Trà Cổ thờ các vị Thần Thành hoàng làng là: Ngọc Sơn Trấn Hải Đại Vương Tôn Thần, Huyền Quốc Lã Thái Uý Tôn Thần (Thái uý Lý Thường Kiệt), Không Lộ Giác Hải Đại Vương Tôn Thần (Thiền sư Không Lộ và Thiền sư Giác Hải), Bạch Điểm Tước Đại Vương Tôn Thần, Quảng Trạch Đại Vương Tôn Thần, Nhân Minh Đại Vương Tôn Thần. Bên cạnh việc thờ các vị Thành hoàng trong Hậu cung, ngoài Đại đình ở hai hồi còn phối thờ các vị Tiên công có công khai hoang lập làng. Về niên đại của đình Trà Cổ, đến  nay chưa tìm thấy các căn cứ lịch sử, khoa học khẳng định niên đại chính xác của đình Trà Cổ, có nhiều ý kiến được đưa ra, sớm nhất là vào khoảng thế kỷ thứ XV. Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm kiến trúc còn lưu giữ được, đình Trà Cổ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Di tích được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ, có bề dày lịch sử, văn hóa, có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đã kế thừa được những tinh hoa nghệ thuật của cả một giai đoạn lịch sử. Năm 2014, di tích được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là 1 trong các điểm đến thăm quan du lịch của Thành phố Móng Cái, đến nay đình Trà Cổ đã được Thủ tướng cấp Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ. 

Mới đây nhất, ngày 24/10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1225/QĐ - TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với đình Trà Cổ. Quyết định nêu rõ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ - TP Móng Cái - Tỉnh Quảng Ninh. Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Quyết định cũng nêu Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá. Cùng ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ, đây là dấu ấn và là niềm vui của cán bộ, quân và nhân dân các dân tộc TP Móng Cái ngay trong những ngày chào mừng sự kiện 60 năm ngày thành lập Tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023)

Đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, xong vị trí và kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Số lần trùng tu được ghi nhận vào năm 1921, thay ván xung quanh bằng tường gạch, thay ngói mũi vảy bằng ngói mũi bằng, thay một số hoành, cột; năm 1964, tu sửa một số hoành, cột, cánh cửa... Lần trùng tu, tôn tạo gần nhất là năm 2012, dự án trùng tu, tôn tạo được phê duyệt tại Quyết định số 2786/QĐ-UBND ngày 31/8/2011 của ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích đình Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) được giao làm chủ đầu tư dự án, với tổng kinh phí được phê duyệt 22,343 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo Đại đình (nâng cốt nền; gia công phục chế, thay thế các cấu kiện gỗ bị hư hỏng; phục chế các con rồng, hoa văn trên mái; ngâm tẩm hóa chất chống mối mọt tất cả các cấu kiện gỗ…); tu bổ, tôn tạo nhà thủ từ; xây mới nhà vệ sinh; xây một số công trình phụ trợ ngoài nhà...Ngôi đình hiện nay có diện tích khuôn viên rộng khoảng 1.200m, thuộc phường Trà Cổ, gồm các hạng mục: cổng, đình, sân vườn, nhà thủ từ, am hóa sớ, nhà vệ sinh, tường bao. Đình quay hướng Nam ghé Đông tầm nhìn hướng phía biển.

Lễ hội đình Trà Cổ

Lễ hội Đình Trà Cổ là một hoạt động văn hóa truyền thống được phục dựng và duy trì tổ chức thường niên từ năm 1993. Việc tổ chức lễ hội truyền thống đình Trà Cổ nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, các vị anh hùng dân tộc đã có công dựng làng, lập ấp, đánh đuổi giặc ngoại xâm; giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá các giá trị của di tích và lễ hội đình Trà Cổ nói riêng và các nét đẹp văn hóa của thành phố Móng Cái nói chung đến du khách trong và ngoài nước. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4590/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, theo đó, vinh danh lễ hội đình Trà Cổ là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội đình Trà Cổ; để di sản tiếp tục được tỏa sáng và mang hồn cốt tinh hoa của dân tộc Việt. 

Đình Trà Cổ được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt 

Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đình Trà Cổ, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích gắn với việc phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch văn hóa đã được Thành phố Móng Cái tập trung thực hiện. Từ năm 2014, Đình Trà Cổ được UBND Tỉnh công nhận là 01 trong 15 điểm du lịch của Thành phố Móng Cái; năm 2015 lễ hội đình Trà Cổ đã được nâng cấp tổ chức với quy mô cấp Thành phố. Cùng với đó, Ban quản lý di tích đình Trà Cổ được thành lập và thường xuyên được kiện toàn đã góp phần đưa các hoạt động tại đình Trà Cổ đi vào nền nếp; công tác chỉnh trang khuôn viên, bảo vệ cảnh quan, môi trường, việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh được Ban quản lý di tích chú trọng thực hiện và cụ thể bằng các nội quy, hướng dẫn nhân dân và du khách. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình Trà Cổ gắn với phát triển điểm đến du lịch đã được khẳng định thương hiệu, đình Trà Cổ đã trở thành điêm đến thu hút du khách trong nước và Quốc tế trong hành trình du lịch thành phố Móng Cái. 

Theo đồng chí Phạm Thị Oanh - Thành uỷ viên, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Móng Cái để giữ gìn, bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cần quan tâm, xác định tập trung thực hiện một số giải pháp đó là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng - Chính quyền, sự vào cuộc của toàn xã hội tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị đình Trà Cổ. Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát và định hướng hoạt động bảo tồn, khai thác giá trị di tích gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; Nghị quyết số 11 - NQ/TU ngày 09/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; triển khai lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật đình Trà Cổ trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Móng Cái; ưu tiên việc giải phóng mặt bằng, dành quỹ đất cho việc đầu tư, hoàn thiện các hạng mục công trình đảm bảo kiến trúc đình làng truyền thống và xây dựng một số hạng mục phụ trợ phục vụ nhu cầu của du khách, tạo cảnh quan, không gian cho di tích; hoàn thành công tác cắm mốc giới, khoanh vùng bảo vệ di tích trên thực địa theo ranh giới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý di tích đình Trà Cổ đảm bảo rõ người, rõ việc, phân công rõ trách nhiệm và thực hiện đúng các nội dung được phân cấp; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng các nguồn thu tại di tích đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả trên nguyên tắc tập thể quản lý, cá nhân phụ trách; các nguồn thu từ công đức, từ thiện, tài trợ… cần được sử dụng có hiệu quả, đảm bảo qui định. Quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về di tích, các thành viên BQL di tích và đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại di tích; phát huy giá trị sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội đình Trà Cổ góp phần thu hút nhân dân và du khách đến tham quan thành phố Móng Cái; nâng cao chất lượng công tác tổ chức lễ hội theo hướng giữ gìn tối đa các nghi lễ truyền thống và tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian; xây dựng và phát huy lễ hội đình Trà Cổ trở thành một sản phẩm du lịch tâm linh thế mạnh, một sản phẩm văn hóa, tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đổi mới nội dung và hình thức các hoạt động tuyên truyền quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về văn hóa cũng như về yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị di tích đình Trà Cổ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thay đổi từ nhận thức tác động đến hành động, tạo sự đồng thuận, để các tầng lớp nhân dân – chủ thể của di sản văn hóa từng bước thực hiện được sứ mệnh bảo vệ và quảng bá rộng rãi hình ảnh di sản, “cột mốc” văn hóa của quê hương đến bạn bè và du khách trong và ngoài nước. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu giá trị của di tích đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin, đại chúng, các trang mạng xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện để các đoàn viên, thanh niên, học sinh có điều kiện tìm hiểu về các di sản văn hóa của địa phương, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc chung tay bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa của địa phương; nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về các di sản văn hóa của thành phố Móng Cái”. 

Đồng chí Phạm Thị Oanh - Thành uỷ viên, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Móng Cái cho biết thêm: “Cần huy động các nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư nhất là nhân dân địa phương để triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật. Nghiên cứu xây dựng cơ chế nhằm phát huy hơn nữa sáng kiến và tinh thần làm chủ của nhân dân trong việc quản lý di tích. Khuyến khích, huy động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp kinh phí, vật chất, nhân công cho việc bảo tồn tu bổ di tích, công đức những hiện vật, trang thiết bị phù hợp để sử dụng trong di tích... Hàng năm, có kế hoạch rà soát, chống mối mọt cho các cấu kiện gỗ. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong hoạt động kiểm tra, giám sát gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt. Gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình Trà Cổ với việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch; phát huy, tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc Móng Cái - Vân Đồn trong việc kết nối, đưa khách đến tham quan, du lịch tại thành phố Móng Cái. Bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình Trà Cổ trở thành nguồn tài nguyên du lịch bền vững với quan điểm phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích. Đưa đình Trà Cổ vào chương trình tour, tuyến của các đơn vị lữ hành để khai thác, phát huy giá trị di tích, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; kết nối Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật đình Trà Cổ với các di tích, danh thắng trên địa bàn để tạo thành tuyến tham quan du lịch hấp dẫn không những với du khách trong nước mà thu hút cả khách du lịch nước ngoài, góp phần giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và dân trí cho nhân dân. Phát huy vai trò của cộng đồng, nhân dân với bảo tồn di sản, vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển du lịch; Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế và ứng dụng thành tựu khoa học trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa thành phố Móng Cái nói chung và di tích Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ nói riêng; chủ động tăng cường hợp tác với các địa phương trong và ngoài tỉnh nhất để phát triển nguồn lực văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại vào việc quản lý, bảo tồn di tích nhằm giữ gìn các yếu tố nguyên gốc, bản sắc, đặc trưng riêng và nâng tầm các giá trị nổi bật của di tích; quan tâm thực hiện việc số hóa di sản văn hóa tại di tích”.

Đình Trà Cổ được in trên biểu tượng bưu chính Việt Nam

Với ý nghĩa “Cột mốc văn hóa nơi địa đầu Tổ Quốc” di tích Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ sẽ còn trường tồn mãi với thời gian và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đây không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, mà còn là nơi ghi dấu những công lao của các thế hệ cha ông trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các di tích lịch sử văn hóa còn là địa chỉ đỏ nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống tại di tích Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ là để gìn giữ cho ngày nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau./.

Ảnh trong bài có sử dụng ảnh do Phòng VH - TT TP Móng Cái cung cấp

Trần Tương
Trung tâm TT và VH
Loading...