Xưa kia, người dân đến đền Thánh Mẫu để cầu trời yên biển lặng, đi biển an toàn, mùa màng bội thu. Ngày nay, người dân và du khách đến đền không chỉ thực hiện các nghi lễ tâm linh mà còn ngắm cảnh, tìm sự bình an, thư thái cho tâm hồn.Đi qua cổng chính đưa quý khách vào một khoảng sân rộng có một cây gạo cổ thụ tán rộng, hàng năm cứ vào dịp tháng ba cây gạo lại đơm hoa thắp lửa một góc trời. Trước sân đền có am thờ Mẫu, phía trước là hồ cá, xa xa là bát ngát những rặng tre xanh mát soi bóng xuống những đầm nuôi tôm, thả cá của ngư dân.
Tương truyền ngôi đền đã có niên đại hàng ngàn năm, gắn bó với đất và người nơi biên cương Tổ quốc. Xưa kia đền chỉ là một am nhỏ trong rừng chay cổ thụ. Theo giai thoại, xưa kia có một pho tượng trôi từ biển vào, nhân dân trong vùng thấy kỳ lạ nên rước vào lập đền thờ. Ngoài thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, trong đền còn có ban thờ tứ mẫu. Trải qua biến thiên của thời gian, rừng chay giờ đã không còn, dấu tích rừng chay chỉ còn lại vài cây chay cổ thụ trên sân đền, trong đó có cây di sản đã 700 tuổi. Cũng qua thời gian, đền được tu bổ lại, khang trang và tọa lạc trên một khu đất bề thế như ngày nay. Cùng với cây chay cổ thụ gần ngàn năm tuổi, trong khuôn viên đền còn lưu giữ nhiều dấu tích xưa như Giếng Tiên quanh năm đầy ắp nước. Theo ông thủ từ trông giữ đền, khu vực đền là vùng cửa biển nên nước lợ, người dân không thể dùng nước giếng để ăn uống nhưng riêng nước giếng trong sân đền thì quanh năm ngọt, mát, không bao giờ cạn nên được gọi là Giếng Tiên. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xưa đến nay nhân dân thường đến Giếng Tiên lấy nước về dùng để pha trà, uống vào tinh thần minh mẫn, sảng khoái, khỏe mạnh. Nay những người đủ duyên uống nước Giếng Tiên vào sẽ gặp may mắn, bình an, tan hết mọi ưu tư phiền muộn.
Lễ hội đền Thánh Mẫu diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội chính của đền Thánh Mẫu diễn ra vào ngày 23 tháng 3 âm lịch với phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ rước mâm hoa quả, lễ dâng hương, lễ rước đồ lễ từ đình Đông Thịnh vào đền, lễ chuyển tượng; phần hội được tổ chức với hoạt động thể thao văn nghệ như giải bóng chuyền hơi và chương trình văn nghệ chào mừng lễ hội.
Vào những ngày diễn ra lễ hội, những người con của quê hương Trà Cổ từ khắp mọi miền và du khách thập phương đến tham dự đều thành kính sửa soạn mâm lễ vật dâng lên Thiên Hậu Thánh Mẫu; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ và lễ múa dâng hoa thập cúng đặc sắc mang đậm nét văn hóa của người dân Việt nơi miền biển. Đây là dịp để mọi người cầu sức khỏe, cầu trời yên biển lặng, mùa màng bội thu, đi biển an toàn và thu được nhiều kết quả. Cùng với các điểm du lịch tâm linh ở Thành phố Móng Cái, di tích Đền Thánh Mẫu là một điểm đến linh thiêng để chiêm bái và khám phá nét đặc sắc văn hóa Việt nơi địa đầu Tổ Quốc.