Đình Dân Tiến thuộc địa phận xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái, có niên đại gần 100 năm. Đây là ngôi đình thờ ba vị tướng đã từng có nhiều công lao trong việc chỉ huy binh sĩ dẹp giặc, gìn giữ, bảo tồn nòi giống người Việt …Bọn giặc từ phương Bắc tới, cấu kết với một số phần tử xấu cư trú tại Hải Tiến ngày đêm xâm nhập lén lút cướp của, giết người, phá phách nhà cửa, mùa màng của nhân dân, chúng thường hăm dọa sẽ giết mất giống người Việt (đất Giống Mó) tức Hải Tiến; đặc biệt là công lao to lớn tham gia vào cuộc chiến khốc liệt; dẫn quân chi viện cho đội quân Trần Khánh Dư đánh chặn quân xâm lược Nguyên - Mông ba lần vào xâm lược nước ta tại khu vực từ Đầu Tán (xã Vĩnh Thực đến Vân Đồn).
Ngày 11 tháng Giêng năm Đinh Hợi (1287): thuyền chiến của quân (Nguyên - Mông) từ Khâm Châu (Trung Quốc) tiến vào đến Vạn Ninh (Móng Cái). Tướng của ta là Nhân Đức Hầu -Trần Đa mai phục ở núi Lạng Sơn (núi giáp miền Móng Cái) định đánh chèn phía sau giặc; giặc biết được tin này, ngay đêm ấy xuất toàn đội vây quân ta; gần sáng quân ta bị đánh lui, vài trăm quân bị chết đuối và thuyền bị bắt vài chục chiếc.Từ bến tàu Dân Tiến thuyền chiến của “TAM VỊ ĐẠI VƯƠNG” dẫn quân ra chi viện cho đội quân thủy Trần Đa; gặp thuyền chiến quân Ô Mã Nhi; quân ta thuyền bé nên thua trận; quân tướng đã dũng cảm chiến đấu vừa đánh vừa rút quân chạy sâu vào ngọn sông Hồ Thín Coóng để bảo toàn lực lượng; Vào ngày Nhâm tuất (12 tháng Chạp năm Đinh Hợi - 1287), cánh quân thủy của quân Nguyên - Mông vận chuyển lương thực từ Lai Tân đến Khâm Châu Trung Quốc tiến theo đường biển vào nước ta, khi đi qua cửa Vạn Ninh (Móng Cái) bị quan quân nhà Trần do Nhân đức hầu Trần Toàn chỉ huy phục kích trên núi, chặn đánh thuyền chiến chuyên chở lương thực của Ô Mã Nhi, gây cho địch thiệt hại, bắt sống 40 tù binh và thu nhiều khí giới, lương thực, dâng lên vua Trần (ngày mồng 2 tháng Giêng năm Mậu Tý - 1288) để báo công chiến thắng. Cũng từ bến tàu Dân Tiến thuyền chiến của “TAM VỊ ĐẠI VƯƠNG” dẫn quân ra chi viện cho đội quân thủy Trần Toàn; trận thủy chiến diễn ra ác liệt; quân ta giáp trận với quân giặc; (TAM VỊ ĐẠI VƯƠNG) cùng một số binh sĩ tử trận:
Để ghi nhớ công lao to lớn của các vị Đại Vương dân tình đã lập Đền thờ và dấu tên thật mà chỉ gọi với sự khâm phục và tôn kính là: Đền thờ “TAM VỊ ĐẠI VƯƠNG” ; đồng thời lập một ngôi đền ngoài cửa biển (Hốc Khem: nơi thuyền chiến của quân ta tập kết) nơi quân thủy của ông Lý Đình Trương-Lê Duy Đức-Đặng Thống Nhất Lang đóng quân ở đó. Năm 2013, lễ hội Đình Dân Tiến được phục dựng và tổ chức với quy mô cấp xã, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây là dịp để nhân dân, du khách thập phương được bày tỏ lòng thành kính đối với “TAM VỊ ĐẠI VƯƠNG” và cầu mong các vị phù hộ sức khỏe, tài lộc, mùa màng bội thu… Năm 2022, xã Hải Tiến đã tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình Dân Tiến, với tổng diện tích trên 3.100 m2. Lễ hội Đình Dân Tiến được tổ chức từ 15 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động trong khuôn khổ lễ hội như: hát nhà tơ, hát đối, hát ghẹo truyền thống. Trong đó, phần Lễ được tổ chức với lễ rước thần từ đình đến Miếu Tam vị đại vương (gần khu vực Bến tàu); lễ dâng hương, lễ nhập tịch, lễ tế thần và tống thần. Phần Hội gồm nhiều trò chơi dân gian, truyền thống như: kéo co nam - nữ, đẩy gậy nam - nữ, cờ tướng…
Thông qua việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của các vị anh hùng, các vị tiền bối; thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đồng thời nâng cao nhận thức của nhân dân địa phương trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống. Qua đó, tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa của di tích Đình Dân Tiến, tiến tới đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh "Đình Dân Tiến.