Điểm 9: Đình Bầu

21/10/2022 15:34
Đình Bầu, thuộc địa phận thôn I, xã Quảng Nghĩa là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị của thành phố Móng Cái. Đây là nơi ghi dấu những đóng góp, cống hiến và những hi sinh to lớn của cha ông ta trong quá trình đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Năm 2012, đình Bầu đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

      

 Theo những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được, gồm ba sắc phong thời vua Tự Đức (1853), Đồng Khánh (1887) và Thành Thái (1889), Đình Bầu trước kia còn có tên gọi khác là “Đình hạ Quất Đoài” và được được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII. Đây là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương Tôn Thần, Hưng Đạo Đại Vương và Thủy thần; Tại Đình còn phối thờ các cụ tổ của 05 dòng họ (Họ Đỗ, Họ Phạm, Họ Nguyễn, Họ Hoàng, Họ Bùi)… Khẳng định các vị tiền bối của 5 dòng họ trên đã  có công dựng làng, lập ấp. 

       Tên gọi đình Bầu được ra đời gắn liền với truyền thuyết về quá trình đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ chủ của ba gia đình người Việt. Để phân định ranh giới cư trú, họ đã đấu tranh với người Hoa. Cuối cùng, hai bên đã thống nhất thả một quả Bầu xuống sông, khi thủy triều lên đến đỉnh điểm, quả bầu dừng lại ở đâu thì ngư dân Việt được phép sinh sống ở đó. Sau này, để cảm tạ công ơn của các vị thần linh các cư dân Việt đã dành ra một mảnh đất nhỏ để lập nên một ngôi đình, ngày ngày hương khói thờ phụng. Từ đó, ngôi làng của người Việt được cấy tên là làng Bầu và tên làng được lấy đặt cho tên đình.

Nghi lễ rước bài kiệu

       Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay đình Bầu đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Ngôi đình hiện tại được trùng tu từ năm 1956; Hướng đình được giữ theo hướng Tây; Đình ngự trên một khu đất cao, thoáng mát với tổng diện tích khuôn viên là 2.241 m2, phía Nam giáp với núi Gianh, phía Bắc nhìn ra núi Tháp, trước mặt đình là đầm Rắn. Đình chính có diện tích là 79,19m2, được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”. Bao gồm ba gian tiền đường và một gian hậu cung. Móng của đình được xây bằng đá, tường bằng gạch đặc, mái lợp ngói âm dương. Do thời gian, chiến tranh nên hầu hết các hiện vật của đình Bầu đã bị hư hỏng. Tại đây chỉ còn lưu giữ được một bức hoành phi  đề “Linh khí viễn xuân – Mùa thu năm Quý Dậu triều Bảo Đại (1933)”.

        Đình Bầu là một công trình tín ngưỡng tâm linh, đình Bầu còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân làng xã. Hàng năm, lễ hội đình Bầu được tổ chức đều đặn trong ba ngày (từ 16 – 18 tháng Giêng ÂL) với nhiều nghi lễ độc đáo. Đây không chỉ là một hoạt động tập thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương mà ở đó con người được giao lưu, học hỏi, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Từ lễ hội, những kết tinh của văn hóa dân tộc được lưu truyền, gìn giữ và phát huy, tạo nên "sợi dây tinh thần" cố kết cộng đồng làng xã và con người trong quá trình xây dựng một nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, tại lễ hội đình Bầu còn biểu diễn Hát nhà tơ - Hát múa cửa đình – một hình thức hát dân gian tồn tại từ lâu đời, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Móng Cái.

Di tích đình Bầu là hình tượng tiêu biểu cho mảnh đất và con người sống vùng ven biển nói chung và đặc trưng cho người dân Quảng Nghĩa; Đình là nơi tôn thờ, gửi gắm ân tình, lòng tri ân sâu sắc của các thế hệ nhân dân Quảng Nghĩa đối với tổ tiên, những vị anh hùng dân tộc, những bậc tiền nhân, những người có công với làng, với nước từ ngàn xưa đến nay. Thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam”. Đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. Cùng với hệ thống di tích trên địa bàn thành phố Móng Cái, đình Bầu là một trong những biểu trưng cho nền văn hóa Việt Nam, là “cột mốc văn hóa” trường tồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc

Phòng VH-TT
Loading...