Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc

30/11/2023 18:11
Trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023 (Móng Cái, Việt Nam - Đông Hưng, Trung Quốc), chiều 30/11, tại TP Móng Cái, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND TP Móng Cái và Chính quyền TP Đông Hưng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc. Đồng chí Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Móng Cái; đồng chí Lý Kiện, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính quyền TP Đông Hưng (Trung Quốc) cùng chủ trì diễn đàn. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các sở, ban ngành trong nước và quốc tế; đại diện TP Cảng Phòng Thành, Ty Thương vụ Quảng Tây (Trung Quốc) cùng các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới, với sản phẩm chất lượng, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ra thị trường thế giới đạt trên 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Sản phẩm nông lâm, thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang khoảng 190 thị trường các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, trái cây và thủy sản. Tuy nhiên, hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa xâm nhập sâu được vào trong thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các Tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại, mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc

Đồng chí Lê Thanh Hòa nhấn mạnh: diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt - Trung lần thứ 15 năm 2023. Thông qua Diễn đàn, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, thương nhân, các Hiệp hội ngành hàng cả hai nước có cơ hội được cung cấp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện được các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, đồng thời đề xuất các giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy quảng bá, tăng cường tiêu thụ hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Đồng chí Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Móng Cái (Việt Nam), cho biết: Thành phố Móng Cái đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng cửa khẩu đường bộ, đường biển đảm bảo phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, nâng cao năng lực thông quan, cũng như lợi thế cạnh tranh so với địa phương khác, đáp ứng tốt nhu cầu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và hàng nông sản, thủy sản xuất nhập khẩu nói riêng giữa thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Trên địa bàn hiện có 01 cửa khẩu quốc tế với hai Lối thông quan (Cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II); 01 cảng khẩu Vạn Gia, 01 cửa khẩu phụ Ka Long, 01 Lối mở biên giới Km3+4 Hải Yên - Cặp chợ biên mậu Đông Hưng và 01 Lối mở Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc) sẽ sớm thống nhất thông quan trong thời gian tới, cùng một số dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai như: lắp đặt Phòng Lab kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa của Tập đoàn kiểm định và chứng nhận Trung Quốc chi nhánh Quảng Tây, xây dựng Trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản quốc tế; xây dựng cầu phao số 2 và cầu sắt thô sơ tại Lối mở Km3+4 Hải Yên/Cặp chợ biên mậu Đông Hưng, hoàn thiện Dự án Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu dịch vụ thương mại, xây dựng cầu Bắc Luân III,.... Đặc biệt, Thành phố đang tập trung thi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào Quý IV/2024; sau khi hoàn thành, cảng tổng hợp Vạn Ninh sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam Việt Nam ra phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc; từ đó sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai thành phố Móng Cái, Đông Hưng nói riêng và hai nước Việt Nam, Trung Quốc nói chung.

Đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Móng Cái phát biểu tại diễn đàn

Đồng chí Hồ Quang Huy khẳng định, trong nhiều năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, với truyền thống đoàn kết, hữu nghị sâu sắc giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), chính quyền và các lực lượng chức năng cửa khẩu hai bên đã thường xuyên trao đổi, hội đàm, thống nhất các giải pháp thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên. Có thể thấy, TP Móng Cái đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có một lượng lớn 3 hàng hóa nông, lâm, thủy sản của doanh nghiệp, của nông dân từ các địa phương trên cả nước sản xuất được xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng sang thị trường Trung Quốc. Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua Móng Cái liên tục tăng ở mức cao, trong đó các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ngày càng chiếm tỷ trọng cao, bền vững trong tổng kim ngạch. Tổng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái trong giai đoạn 2010-2023 đạt trên 45 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,5%/năm (giai đoạn 2018-2023, kim ngạch XNK đạt 21,33 tỷ USD). 09 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ 2022 (trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 800 triệu USD); thu hút 496 doanh nghiệp mới, nâng tổng số 925 doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa XNK trên địa bàn. 

Đồng chí Lý Kiện, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính quyền TP Đông Hưng (Trung Quốc) phát biểu tại diễn đàn

Năm 2023 là cột mốc đánh dấu sự phục hồi hoạt động thông quan hàng hóa sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) sẽ có nhiều thuận lợi, cơ hội mới song còn nhiều khó khăn, thách thức. TP Móng Cái cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hạ tầng kỹ thuật và hệ thống dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thông quan; hỗ trợ, trao đổi, kết nối, chia sẻ thông tin; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản nói riêng, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, với phương châm chính quyền và doanh nghiệp “Cùng đi - Cùng đến - Cùng chia sẻ lợi ích”. 

Đoàn chủ tọa chủ trì tọa đàm, đối thoại tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lý Kiện, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng Chính quyền TP Đông Hưng (Trung Quốc), cho biết: Thành phố Đông Hưng luôn coi trọng việc phát triển thương mại qua biên giới. Bằng cách liên tục tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị thương mại qua biên giới, đồng thời tích cực theo đuổi các chính sách hỗ trợ đầy đủ cho việc chuyển đổi, nâng cấp và phát triển đổi mới thương mại biên giới. Vào tháng 3 năm nay, địa điểm giám sát được chỉ định đối với Lương thực nhập khẩu Đông Hưng (Cầu Bắc Luân II) đã chính thức được phê duyệt đưa vào triển khai. Vào tháng 11 năm nay, 3 địa điểm giám sát được chỉ định đối với cây giống nhập khẩu, thủy sản ướp lạnh và động vật thủy sinh dùng cho chế biến thức ăn tại cửa khẩu Đông Hưng (Cầu Bắc Luân II) cũng đã được kiểm tra và có thể đưa vào sử dụng sau khi được phê duyệt. Điều này có nghĩa là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sẽ có thể nhập khẩu qua cửa khẩu Đông Hưng (Cầu Bắc Luân II) và Cặp chợ thương mại biên giới Cầu Phao. Việc này sẽ nâng cao tính đảm bảo thuận lợi trong lưu thông hàng hoá, nhằm thu hút tăng sản lượng thương mại qua biên giới về nông, lâm, thuỷ sản giữa hai bên. Hiện tại, Trung Quốc và Việt Nam có nền tảng vững chắc cho sự hợp tác hữu nghị, triển vọng phát triển thương mại song phương rộng lớn và lợi ích từ chính sách thương mại phong phú. Điều đó sẽ mang đến những cơ hội phát triển chưa từng có cho hoạt động xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tại Đông Hưng, Trung Quốc và Móng Cái, Việt Nam.

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, tham gia, trao đổi, đối thoại về những cơ hội, thách thức, các giải pháp cụ thể, thực tiễn nhằm kết nối mở rộng thị trường

Tại diễn đàn, đồng chí Phó Chính Hoa, Phó Thư ký trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thành ủy, Chính quyền nhân dân TP Phòng Thành Cảng, Trung Quốc chi sẻ: Là đặc khu kinh tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái có thị trường thương mại biên giới lớn nhất miền Bắc Việt Nam và là thành phố cửa khẩu có vị trí vô cùng chiến lược ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, với việc hoàn thành và đưa vào hoạt động của nhiều công trình trọng điểm như Đường cao tốc Vân Đồn- Móng Cái, Cầu sông Bắc Luân số 2, Cảng nội địa Thành Đạt và Cảng tổng hợp Vạn Ninh, vị trí, địa lý, giao thông và các lợi thế khác của cửa khẩu Móng Cái càng trở nên nổi bật, trở thành một trong những cửa ngõ quan trọng cho việc xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Để có thể tận dụng các lợi thế về năng lực sản xuất, cung ứng hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu thủy sản rất lớn của Trung Quốc cùng với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi của thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh (cả đường bộ, đường biển và đường hàng không), TP Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) hy vọng cả hai Bên sẽ phát huy tối đa lợi thế của mình, tăng cường hợp tác cửa khẩu, cùng tạo ra dịch vụ tốt hơn, hiệu suất cao hơn và môi trường thương mại cạnh tranh hơn, đồng thời cùng nhau xây dựng cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc - Móng Cái, Việt Nam thành kênh thương mại quốc tế hai chiều về nông, lâm, thủy sản Trung Quốc - Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đông Hưng và Móng Cái.

Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết thành công 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế …

Cũng tại diễn đàn, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn Việt Nam, các sở ngành, cơ quan đơn vị liên quan, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều ý kiến đóng góp, tham gia, trao đổi, đối thoại về những cơ hội, thách thức, các giải pháp cụ thể, thực tiễn nhằm kết nối mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo bước đột phá trong xây dựng môi trường kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản lành mạnh, phát triển bền vững. Từ đó, sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng và các mặt hàng tiềm năng nói chung qua các cặp cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

…về thúc đẩy hợp tác sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thương mại, logictics, nông nghiệp công nghệ cao

Sau thời gian nghiên cứu nắm bắt thị trường, trao đổi thống nhất và đi đến thỏa thuận hợp tác kinh doanh, tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết thành công 21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế về thúc đẩy hợp tác sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thương mại, logictics, nông nghiệp công nghệ cao… Đây là một trong những tiền đề góp phần nâng cao kim ngạch XNK hàng hóa trong những năm tới qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc). 

Thăm quan khu trưng bày, quảng bá sản phẩm, trao đổi giữa các doanh nghiệp
Vi Thu - Thiết Quân
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...