Sau sự việc công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP HCM đình công để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Nguyễn Văn Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và cộng sự, thuộc đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, Luật BHXH mới có nhiều điểm ưu việt. Nếu nghĩ sâu xa và đánh giá khách quan thì quy định này chính là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không phải yếu tố mang tính “thụt lùi”.
Công nhân đình công có thể liên quan đến tâm lý
PV: Luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, tuy nhiên nhiều công nhân không đồng tình về điều 60 của Luật này, đỉnh điểm là sự việc đình công của công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Theo đánh giá của luật sư, điểm “hơn, thiệt” của Luật BHXH tại điều này là gì?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 đã liệt kê rất cụ thể những trường hợp khi nào được hưởng chế độ trợ cấp xã hội một lần cho cả thời gian đó. Việc đưa các nội dung này vào khiến Luật BHXH mới bảo đảm rất nhiều quyền lợi của người lao động. Vấn đề người lao động đình công có thể liên quan đến tác động về mặt tâm lý. Họ suy nghĩ đơn giản là trước đây, khi người lao động nghỉ việc, không tiếp tục đóng BHXH, có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần mà thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm, thì họ được BHXH chi trả một lần đối với trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Khi so sánh giữa luật cũ và luật mới, người lao động thấy rằng trong điều 60 luật mới không có điểm đó. Cho nên người lao động cho rằng, quyền lợi của họ bị xâm phạm. Luật BHXH năm 2014 quy định những người thuộc 1 trong 4 trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 60 mới được BHXH chi trả một lần, ngoài những trường hợp này ra thì không được.
Ở đây giữa luật mới và luật cũ có sự chênh lệch về đối tượng này. Nếu so sánh thì luật mới đã thu hẹp trong trường hợp nghỉ 1 năm mà không tiếp tục đóng BHXH nữa, có nhu cầu nhận tiền BHXH 1 lần thì sẽ được BHXH chi trả.
Chính từ điểm này, nhiều ý kiến cho rằng trong Luật BHXH năm 2014 “thụt lùi” hơn so với luật cũ. Nhưng thực chất chúng ta cần phân tích ở góc độ khác. Các nhà làm luật và đại biểu Quốc hội khi ấn nút thông qua Luật BHXH năm 2014 nghĩ rằng, thời gian lao động của chúng ta là 20 – 30 năm. Trong thời gian đó có những người nghỉ việc, hay có lý do nào đó mà không tham gia làm việc nữa. Nếu không thuộc 1 trong 4 đối tượng quy định ở khoản 1 điều 60 luật mới, họ sẽ tạm dừng không đóng bảo hiểm, khi nào có điều kiện thì tiếp tục đóng để sau này được hưởng chế độ hưu trí.
Nhà nước không muốn người lao động đóng 1 - 2 hay 3 năm, sau đó không đi làm 1 năm, có nguyện vọng nhận trợ cấp 1 lần, được Nhà nước chi trả. Biết đâu mai này khi người lao động già yếu, không có chế độ lương hưu nữa thì họ sống như thế nào? Ở đây chính là đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Chính vì vậy trong Luật BHXH mới đã hạn chế điểm này.
Thực tế là ai cũng mong muốn người lao động, nếu trong trường hợp vì lý do khách quan mà không có công việc ổn định, thì được quyền bảo lưu thời gian đóng BHXH, để sau này nếu tìm được công việc mới thì tiếp tục đóng bảo hiểm. Hiện nay, việc tham gia đóng BHXH của người lao động rất dễ dàng. Chính vì vậy tạo cơ hội cho người lao động có thể hôm nay làm công việc này, ngày mai làm công việc khác, nhưng chế độ bảo hiểm được bảo lưu.
Nếu nghĩ sâu xa và đánh giá khách quan thì quy định này chính là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không phải yếu tố mang tính “thụt lùi”. Chỉ có điều khi mới ban hành luật, các cơ quan Nhà nước chưa dự liệu được hết. Công tác tuyên truyền đạo luật này đến với người dân, đặc biệt là người lao động, chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng người dân nhìn nhận phiến diện, chưa nhìn xoay quanh tất cả nội dung của văn bản luật. Để thấy được tính ưu việt, chúng ta cần nhìn cả đạo luật đó, vì luật được ban hành trên toàn thể công sức, trí óc của người dân Việt Nam, chứ không phải “thích thì nghĩ ra”.
Nếu những người làm công tác tuyên truyền luật đưa ra đầy đủ những điểm ưu việt của Luật BHXH năm 2014 thì chắc chắn người lao động sẽ hiểu và họ thấy rằng, đạo luật này ưu việt hơn rất nhiều đạo luật năm 2006. Sự việc đình công như vừa qua, tôi nghĩ một phần do công nhân bị kích động từ bên ngoài.
Sửa đổi luật phải bảo đảm quyền dân chủ
PV: Sau vụ đình công của công nhân, Bộ LĐ-TB-XH đã đồng ý đề xuất sửa Luật BHXH năm 2014 theo hướng “linh hoạt”, đáp ứng nguyện vọng của người lao động. Theo luật sư, việc sửa Luật này có phải vì áp lực do công nhân đình công?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Ở đây có khía cạnh rất quan trọng cần phân tích rõ. Về mặt pháp lý, dù chúng ta sửa như thế nào chăng nữa thì vẫn phải bám vào Hiến pháp năm 2013. Trong đó Hiến pháp đảm bảo quyền của công dân. Quyền dân chủ là đặc biệt quan trọng, tức là tôn trọng quyền con người.
Áp dụng ngay trong Luật BHXH năm 2014, thì khoản tiền đóng BHXH của người lao động là họ đóng hàng tháng. Mặc dù người lao động đóng một phần, người sử dụng lao động đóng một phần, nhưng kết quả cuối cùng là thực hiện chính sách an sinh xã hội, hướng đến người lao động.
Luật BHXH năm 2006 có quy định là sau 1 năm nghỉ việc, nếu người lao động không tiếp tục đóng BHXH nữa và có nhu cầu nhận BHXH 1 lần, mà chưa đủ điều kiện để nhận lương hưu, thì họ sẽ được nhận 1 lần. Như vậy luật cũ đã có quy định rất tiến bộ.
Đến Luật BHXH năm 2014, chúng ta lại bỏ nội dung này. Như vậy, hiểu nôm na là gần như tước đi quyền định đoạt của mỗi công dân. Ở đây, hiểu đơn giản là người lao động “đút tiền vào lọ”, để 20 – 30 năm họ nhận tiền trong lọ đó. Bây giờ do sa cơ lỡ vận, thì số tiền đó phải trả người lao động theo tỷ lệ mà luật quy định. Đây chính là tôn trọng quyền dân chủ, quyền con người.
Tôi nghĩ rằng, việc sửa này thể hiện một điều là nếu như đạo luật chưa đáp ứng được thực tế, thì phải sửa đổi sao cho phù hợp với nguyện vọng của người dân, xã hội, không thể nói là sai hay đúng ở đây cả. Chúng ta làm luật, nếu thấy chưa phù hợp thì phải sửa, thậm chí còn sửa đổi, thay thế, bãi bỏ. Do đó việc chúng ta ban hành ra, nhưng thấy chưa phù hợp với người dân và bản thân luật chưa phù hợp với đạo luật trên nó như Hiến pháp chẳng hạn, thì hoàn toàn vẫn có thể sửa bình thường.
Tôi vẫn khẳng định rằng, Luật BHXH năm 2014 có nhiều điểm ưu việt hơn so với luật cũ. Không phải tự dưng chúng ta sửa một điểm trong một điều của đạo luật đó. Chắc chắn là trong quy định của Luật BHXH năm 2014, có những cơ chế để dành cho Chính phủ là đặt vào những tình huống, trường hợp cụ thể để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động trong quá trình tham gia BHXH và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
PV: Thưa luật sư, để đòi quyền lợi (nếu chính đáng) của mình, việc đình công của công nhân giống như xảy ra tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là đúng hay sai? Công nhân cần làm gì nếu phát hiện những điểm chưa phù hợp trong chính sách dành cho họ?
Luật sư Nguyễn Văn Hà: Việc đình công, bãi công hoặc lãn công phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây vì hành lang pháp lý quan trọng nhất mà hiện Nhà nước đang thực thi, áp dụng cho phạm vi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Còn công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đình công có liên quan đến một chính sách, ở đây là phản đối lại một văn bản pháp luật.
Lý do người lao động đình công liên quan đến một văn bản pháp luật, nhưng thiệt hại lại gây ra cho chính người lao động và người sử dụng lao động. Trong khi đó, người sử dụng lao động hoàn toàn không có lỗi gì về vấn đề liên quan đến đạo luật này. Do đó việc đình công là hoàn toàn trái pháp luật.
Công ty này có sử dụng số lượng lớn lao động, do đó có tổ chức công đoàn cơ sở, trên công đoàn cơ sở còn có liên đoàn lao động cấp quận/huyện. Nếu trong trường hợp người lao động thấy chính sách Nhà nước ban hành ra chưa phù hợp với điều kiện, quyền lợi của họ, thì họ nên kiến nghị lên liên đoàn lao động cấp trên.
Từ đó Nhà nước xem xét nguyện vọng đó có phù hợp hay không. Nếu phù hợp, Nhà nước sẽ có văn bản để giải thích cho người dân. Còn chưa phù hợp thì sẽ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Nhà nước ta luôn luôn lắng nghe, chứ không bảo thủ bắt người lao động phải tuân theo một quyết định nào đó.
PV: Xin cảm ơn luật sư!./.
Điều 60 (Luật BHXH năm 2014). Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.