Đình Quất Đông là địa danh cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Quất Đông (thuộc xã Hải Đông ngày nay). Tên gọi xã Quất Đông được đổi tên thành xã Hải Đông, tên gọi này giống với tên gọi của Móng Cái ngày xưa và tồn tại cho tới nay. Trong các thiết chế văn hóa của làng xã cổ, đình làng là thiết chế quan trọng nhất, là nơi thờ các vị Thần bảo hộ của dân làng (Thành hoàng làng), là trung tâm chính, văn hóa của cả làng. Ở đó, ngôi đình được coi như bộ mặt của cộng đồng làng xã, vì thế dân gian thường gọi tên đình theo tên làng.
Theo các cụ cao niên trong thôn 2 thì Đình Quất Đông là nơi gắn liền với nhiều chứng tích lịch sử, đây là nơi thờ sáu vị Thần - Thành hoàng làng là: Cao Sơn Đại Vương Thượng Đẳng Thần, Huyền Quốc Lã Thái Úy Thượng Đẳng Thần, Hưng Nhượng Đông Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần, Thủy Tiên Long Vương Tôn Thần, Không Lộ Giác Hải Tôn Thần (tức Thiền sư Không Lộ và Thiền sư Giác Hải). Trước kia, đình gồm 3 gian, tường được trình bằng đất sét, mái lợp ngói âm dương, đình tồn tại đến những năm 60 của thế kỷ XX thì bị mai một. Sau đó, dân làng góp nhặt vật liệu xây dựng lại ngôi đình rộng khoảng 20m2 (thực chất quy mô chỉ bằng một ngôi miếu).
Năm 2002, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền của khôi phục lại ngôi đình ba gian trên nền đất cũ, đình được xây băng gạch chỉ, mái lợp ngói tây. Năm 2018, tôn tạo thêm ba gian Hậu cung nối thông với ba gian Bái đường (đại đình).
Năm 2023, Đình Quất Đông đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Hải Đông. Đình Quất Đông là công trình lịch sử văn hóa, cách mạng, qua đó góp phần phát huy truyền thống của xã Hải Đông cũng như nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân.
Để ghi nhớ công lao to lớn của các vị thần, các cấp chính quyền địa phương cùng toàn thể nhân dân xã Hải Đông sẽ quan tâm tôn tạo, nâng cấp khuôn viên Đình và khôi phục Lễ hội Đình Quất Đông (Lễ rước thần, Hát nhà tơ, một hình thức hát dân gian tồn tại từ lâu đời, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Móng Cái) và các trò chơi dân gian (bóng đá nam, bóng đá nữ, kéo co, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng…), đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức về nét đẹp truyền thống của xã Hải Đông nói riêng và thành phố Móng Cái nói chung cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.