Độc đáo ẩm thực vùng cao Hải Sơn

18/05/2023 15:11
Đường lên Pò Hèn, xã Hải Sơn mùa này đẹp như bức tranh thủy mặc. Sim tím ngát triền đồi, thung lũng, hoang hoải trong tiết trời mùa hè nên vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, vương vấn đến nao lòng. Vùng cao Hải Sơn không chỉ làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ mà còn gây thương nhớ bởi những món ăn đặc sắc đậm chất núi rừng. Hãy cùng mongcai.gov.vn khám phá những món ăn nhất định bạn phải thử khi đến nơi đây nhé…
Đường lên Pò Hèn, xã Hải Sơn mùa này đẹp như bức tranh thủy mặc. Sim tím ngát triền đồi, thung lũng, hoang hoải trong tiết trời mùa hè nên vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết. Ảnh: Quê tôi Móng Cái

Món quà từ thiên nhiên

Xã vùng cao, miền núi Hải Sơn bây giờ, những con đường đất đã được thay bằng những con đường nhựa bên tông được đầu tư làm mới. Xã biên giới hoang sơ ngày nào nay đã dần thay đổi bằng những ngôi nhà kiên cố, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Từ đó, người dân yên tâm ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng giữ gìn chủ quyền biên cương của Tổ quốc.

Địa chỉ "đỏ" mà du khách không thể bỏ qua khi đến Hải Sơn là Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn

Đến với xã Hải Sơn, địa chỉ "đỏ" mà du khách không thể bỏ qua là Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, nơi ghi dấu sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm, kiên cường bất khuất của cán bộ chiến sĩ Đồn Công an Nhân dân vũ trang 209 Pò Hèn (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn trong cuộc chiến tranh chống xâm lược ngày 17-2-1979). Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những điểm đến khác như Cột mốc 1347 - là địa điểm thường xuyên diễn ra hoạt động qua lại, trao đổi, giao thương giữa cư dân biên giới của của xã Hải Sơn - Móng Cái (Việt Nam) với Trấn Na Lương - Cảng Phòng Thành (Trung Quốc), là các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Thôn Pò Hèn - Hải Sơn với Thôn Thán Sản - Trấn Na Lương; cùng nhiều điểm tham quan khác như: Thác 72 gian - Hồ Tràng Vinh; Xóm họ Đặng; Mã Thầu Sơn; Đồi sim tự nhiên...

Đến với Hải Sơn, du khách còn được tham quan xóm 26 hộ Sán Chỉ với trên 100 nhân khẩu sinh sống. Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hấp dẫn, không khí trong lành (xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Mã Thầu Sơn cao 660m so với mực nước biển, Thác, Suối Mã Thầu Sơn cách xóm 600m...); nhà của người dân ở trong xóm vẫn giữ nguyên nét văn hóa của người Sán Chỉ. 

 

Xóm họ Đặng
Đồi sim tự nhiên

Cùng với đó, sự độc đáo của ẩm thực vùng cao Hải Sơn được kết tinh từ chính thiên nhiên ban tặng, tạo nên những món ăn dân dã, mang đậm văn hóa vùng miền. Chắc hẳn thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất Hải Sơn có một môi trường sống trong lành với hệ thống sông, suối, núi, đồi hùng vỹ. Những sản vật đến từ thiên nhiên tuy được chế biến đơn giản nhưng vẫn đủ sức để lại trong lòng thực khách những ấn tượng khó phai. Đơn giản chỉ là những con cá suối được chiên giòn quấn lá lốt hay những con gà đồi nướng lá quế, thịt ngan đen hoặc cà sáy (vịt lai ngan)… cũng đủ thực khách hồi sức sau một ngày vất vả. Hay là món xôi 3 màu, xôi ngũ sắc, cá chép om dưa, ngan một nồi, bánh lưng gù, bánh vắt vai, trà hoa vàng, khau nhục (thịt hầm với vị thuốc), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm, mật ong rừng, trám muối riềng, măng rừng muối, rượu sim,..… ai cũng phải tìm mua làm quà mỗi khi đến với vùng cao Hải Sơn.

Khai mạc Lễ hội Hoa Sim biên giới lần thứ Nhất năm 2022.
Ngày 20 và 21/5 sẽ diễn ra Lễ hội Hoa sim biên giới năm 2023 tại xã Hải Sơn với chủ đề “Hương sắc biên cương”

Đặc biệt, tiếp nối thành công của Lễ hội Hoa Sim biên giới lần thứ Nhất năm 2022. Ngày 20 và 21/5/2023 tới đây, TP Móng Cái sẽ tổ chức Lễ hội Hoa sim biên giới năm 2023 tại Hải Sơn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, thăm quan, mua sắm… đặc sắc và hấp dẫn. Đây là sự kiện kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023) và hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023, kích cầu, phục hồi, phát triển ngành du lịch Móng Cái, Quảng Ninh.

Bản hòa ca sắc màu ẩm thực Hải Sơn

Bản hòa ca sắc màu

Khi nói đến ẩm thực vùng cao Hải Sơn sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến ẩm thực mẹt đầy màu sắc. Thường, mỗi mẹt cơm sẽ có đủ các món luộc, nướng, chiên, xào như: xôi 3 màu, gà nướng, ngan bản và thịt lợn bản, cá suối chao quấn lá lốt, rau luộc, đậu phụ chao… mang nét đặc trưng của núi rừng và đặc sản của địa phương.… Nếu như bạn đã quá quen thuộc với món gà luộc, gà rán ở chốn phố thị thì lên vùng cao Hải Sơn bạn sẽ được thưởng thức món gà nướng lá quế, với cách chế biến rất đơn giản nhưng đậm mùi vị riêng, gà bản kết hợp với lá quế, màu vàng đậm của gà và mùi thơm của lá quê có thể ăn kết hợp cùng phở cuộn hoặc xôi màu; hoặc đổi gió với món ngan một nồi, được phỏng theo cách nấu thịt chó một nồi, thịt ngan thơm ngọt thêm chút rau răm, húng rừng hay đơn giản là món thịt lợn bản luộc và quay chấm xì dầu; … Tất cả hòa quyện tạo nên sức hút kỳ lạ cho mỗi món ăn. Những món ăn được bày biện gọn gàng trên chiếc mẹt tre, lót lá chuối, lá rong, đan xen hài hòa về màu sắc tạo sự mộc mạc, gần gũi.

AArm thực mẹt đầy màu sắc

Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc ở xã vùng cao Hải Sơn có một món ăn ngon độc đáo, từ lâu đã được nhiều người biết đến đó là đặc sản xôi ba màu và xôi ngũ sắc. Để nấu được xôi ba màu thơm, ngon, dẻo, người dân đã thực hiện quy trình rất công phu và cẩn thận. Trước tiên phải chọn gạo nếp tốt, đó là gạo nếp nương đẹp, hạt mảy đều không lẫn gạo tẻ, đồ xôi mới dẻo ngon. Tiếp đó, họ lựa chọn các sản phẩm 100% từ tự nhiên như quả gấc hoặc lá cẩm, lá cây sau sau, củ nghệ già để tạo ra ba màu khác nhau gồm: đỏ, đen, vàng.

Trước khi nấu, vo sạch gạo nếp. Rửa sạch các loại lá cây sau sau, lá cẩm, bổ quả gấc lấy lòng đỏ, nghệ tươi rửa sạch, bỏ vỏ, giã nhuyễn. Đối với từng loại mầu thì cách chế biến cũng khác nhau, người dân hái những loại cây này, rửa sạch, nấu chín, lọc lấy phần nước, ngâm với gạo để có được gạo màu đỏ, đen và vàng. Điển hình như màu đỏ được làm từ quả gấc hoặc lá cẩm vò ra lọc lấy nước, đem nước này đun sôi, sau đó đổ gạo nếp đã vo sạch vào ngâm trong khoảng từ 8 - 10 tiếng (hoặc ngâm qua đêm), xong rồi vớt gạo lên đồ thành xôi màu đỏ. Màu đen được tạo ra từ lá cây sau sau trên rừng đem về giã nhuyễn ra rồi mang ngâm nước khoảng 2 đến 3 tiếng, vò lọc lấy nước, đem nước này đun sôi rồi đổ gạo vào ngâm trong khoảng 8 -10 tiếng (hoặc ngâm qua đêm) xong rồi vớt gạo lên đồ thành xôi màu đen; Màu vàng được làm từ củ nghệ đem về giã  ra, vắt lấy nước đem nước đun sôi, rồi đổ gạo vào ngâm trong khoảng 8-10 tiếng (hoặc ngâm qua đêm) xong vớt gạo lên rồi đồ thành xôi màu vàng. Quá trình đồ xôi bằng chõ cũng phải tiến hành cẩn thận để làm sao cho gạo chín đều, không bị nhão ở đáy, khi chõ xôi lên hơi, mùi thơm tỏa ra là xôi chín. Người ta có thể đồ riêng từng loại gạo đã được nhuộm màu hoặc đồ chung một chõ, nhưng khi đồ chung thì lưu ý các lớp gạo màu phải đổ lần lượt hết lớp màu này mới đến màu khác. Sau khi xôi chín, họ có thể để ba màu xôi riêng lẻ hoặc cũng có thể đổ ra mâm trộn đều với nhau thành sôi 3 màu. Nét độc đáo của xôi ba màu là dù xôi đã nguội nhưng người ăn vẫn cảm thấy rất dẻo và thơm, ngon.

Gà nướng lá quế

Xôi ngũ sắc món ăn ngon mang nhiều triết lý. Đây là món xôi có đủ 5 màu gồm: đỏ, vàng, xanh, đen, trắng, tượng trưng cho triết lý âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Xôi được nấu từ các loại lá cây tự nhiên như cẩm tím, cẩm đỏ, quả giành giành, lá sau sau ….. Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này. Xôi ngũ sắc thường được người dân Hải Sơn bày trang trí thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu.

Một món ăn khác không thể thiếu trong ẩm thực của vùng cao Hải Sơn đó là món Cá chép om dưa, được chế biến từ cá chép tự nhiên, được bắt tại lòng Hồ Tràng Vinh, với cách chế biến riêng có nên thịt dai, săn chắc, mang đậm bản sắc ẩm thực dân tộc nơi đây.

Mỗi món ăn vùng cao Hải Sơn chứa đựng hành trình bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc đến với khách du lịch. 

Mỗi món ăn vùng cao Hải Sơn chứa đựng hành trình bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc đến với khách du lịch. Vậy nên, ai chưa từng được thưởng thức những món ăn dân dã của vùng cao Hải Sơn, thì hãy đến với Lễ hội Hoa sim biên giới năm 2023 được tổ chức trong 2 ngày 20 và 21/5 để trải nghiệm văn hóa ẩm thực Hải Sơn với cách chế biến truyền thống, trong chính không gian văn hóa, đời sống của cộng đồng bản địa là một trong những nét hấp dẫn du khách đến với vùng cao.

 

* DANH SÁCH NHÀ HÀNG, QUÁN ĂN TẠI HẢI SƠN, MÓNG CÁI

1️⃣ Quán Nhà Sàn Dân Tộc - Thôn Thán Phún SĐT: 0384961166 hoặc 0965188717( Chuyên mẹt)
2️⃣ Quán Ngọc Mải - Thôn Lục Chắn  SĐT: 0347924188 (Chuyên mẹt)
3️⃣ Quán Lý Mai - Thôn Pò Hèn SĐT: 0963581833
4️⃣ Quán Phùn thanh - Thôn Pò Hèn SĐT: 0979895866
5️⃣ Quán Phùn Bình - Thôn Pò Hèn SĐT: 0396976198
6️⃣ Quán Đặng Hùng - Thôn Pò Hèn SDT: 0978056776 

7️⃣ Quán Thúy Vượng - Thôn Lục Chắn SDT: 0377743828
8️⃣ Quán Điệp Hằng - Thôn Lục Chắn SDT: 0328863133
9️⃣ Quán Thanh Xi - Thôn Thán Phún SDT: 0329180758 

Vi Thu
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...