Những năm qua, trong công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân, thành phố Móng Cái (Việt Nam) luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung.
Riêng trong tháng 12 năm 2024, sự kiện quan trọng nổi bật trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai địa phương hai nước là Tuần lễ hoạt động Triển lãm Thương mại - Du lịch và Hợp tác ngành nghề Việt - Trung (Móng Cái - Đông Hưng) năm 2024.
Đây là hoạt động nối tiếp và mở rộng của Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt -Trung (Móng Cái - Đông Hưng) được luân phiên tổ chức tại thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), có ý nghĩa hợp tác hữu nghị nổi bật giữa hai địa phương tổ chức từ năm 2006 đến nay và ngày càng nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Với chủ đề “Làm sâu sắc hợp tác ngành nghề, cùng xây dựng tương lai tốt đẹp”, quy mô khoảng 500 gian hàng của doanh nghiệp, doanh nhân hai nước, nhiều sản phẩm phong phú, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam, Trung Quốc và thế giới. Tuần lễ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực (triển lãm trưng bày thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; hội thảo hợp tác ngành nghề, quảng bá đầu tư phát triển; khảo sát khu ngành nghề, khu công nghiệp hai địa phương; hát đối trên sông biên giới; triển lãm ô tô năng lượng mới; lễ hội ẩm thực đặc sản Asean; lễ hội cà phê Quốc tế Đông Hưng; giải chạy giao lưu biên giới Việt - Trung lần thứ 2,…), tăng cường hợp tác, tìm kiếm đối tác, liên doanh liên kết mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa; là dịp để địa phương hai nước Việt - Trung quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh đầu tư, thương mại, du lịch và bản sắc văn hóa.
Thành phố Móng Cái là nơi hội tụ đầy đủ lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt, đang chuyển mình mạnh mẽ trở thành trung tâm động lực kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả Việt Nam nói chung; giữ vai trò chủ đạo, là địa bàn động lực, điểm giao thoa trong chiến lược phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc - Asean…
Đồng thời, Móng Cái là Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm Quốc gia, Trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của khu vực Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc); Trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” của tỉnh Quảng Ninh, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái nằm ở tuyến phía Tây của tỉnh, được xác định là một trong 2 mũi đột phá và là trung tâm của vùng động lực. Thành phố Móng Cái được biết đến là vùng đất rộng lớn, có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú, đa dạng với rừng vàng, biển bạc, có môi trường sống thanh bình, khí hậu trong lành, không gian khoáng đạt cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, quyến rũ với những địa danh du lịch nổi tiếng.
Về giao thông đường bộ: Cùng với các tuyến đường Quốc lộ, Móng Cái đã được kết nối trực tiếp với hệ thống cao tốc của cả nước trên cơ sở cao tốc Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội. Hiện thời gian đi từ cửa khẩu Bắc Luân II đến Hà Nội chỉ còn hơn 3 giờ. Quốc lộ 18C nối từ Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh được đầu tư nâng cấp sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy các hoạt động thương mại, logistic, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Về giao thông đường hàng không: Thành phố Móng Cái cách cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 70 km với thời gian di chuyển khoảng 01 giờ trên đường cao tốc; mở ra cánh cửa bầu trời từ Móng Cái đến với các nơi trên thể giới và ngược lại.
Về giao thông đường thủy nội địa và hàng hải: Đây là lợi thế quan trọng của thành phố Móng Cái với các bến cảng đang hoạt động và đầu tư xây dựng mới, có thể đón tàu với trọng tải 2 vạn tấn.
Cùng với đó, hạ tầng về các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nằm trong khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã và đang được tiếp tục đầu tư đồng bộ…
Về Quy hoạch tổng thể xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái, trong đó thành phố Móng Cái trở thành một địa bàn động lực quan trọng, một cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng đồng bằng Sông Hồng và Trung tâm kinh tế phát triển trên vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là Khu kinh tế tự do có dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững góp phần tích cực vào tiến trình mở cửa hội nhập Quốc tế. Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được được áp dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu và các chính sách hỗ trợ về thuế, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và các hỗ trợ khác khi doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Móng Cái.
Hiện nay, Móng Cái đang tập trung ưu tiên các ngành và sản phẩm đột phá thuộc 3 lĩnh vực: Logictis, thương mại điện tử (quỹ đất phục vụ phát triển dịch vụ Logistics với tổng diện tích khoảng 2.500ha để xây dựng kho, bãi, bến cảng); Du lịch (ưu tiên phát triển du lịch biên giới gắn với mua sắm tổng hợp dạng outlet); Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (ưu tiên phát triển ngành, sản xuất thực phẩm và đồ uống hay sản xuất linh kiện).
Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, Nhân dân có quan hệ truyền thống lâu đời; hợp tác, hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc. Tình hữu nghị đó luôn được Nhân dân hai nước kề thừa, phát triển, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - Tập Cận Bình năm 2023 và chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm năm 2024, quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện trên phương hướng “6 hơn” được nâng lên ở tầm cao mới, đã mở rộng, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) là điểm giao thoa của Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ và khu vực hợp tác "Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, là cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa khu vực Asean và khu vực Đông Bắc Á. Tiềm năng, không gian và dư địa hợp tác giữa hai địa phương, trong đó có hợp tác ngành nghề rất lớn. Với phương châm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng thắng và cùng có lợi”, hai Thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung; khẳng định “niềm tin chiến lược”, xây dựng biên giới kiểu mẫu, hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển.
Cùng với những hợp tác kinh tế qua biên giới bền chặt, phát triển, trong những năm qua, hai địa phương hai nước đã đẩy mạnh giao lưu hợp tác trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nâng cao chỉ số “hạnh phúc” cho Nhân dân, phát huy hiệu quả các mô hình kết nghĩa: bản - bản giữa thôn Pò Hèn - Việt Nam với thôn Thán Sản - Trấn La Lương - Khu Phòng Thành - Quảng Tây - Trung Quốc; Khu- thôn giữa khu Tràng Vĩ, phường Trà Cổ, Móng Cái với thôn Vạn Vĩ, thị trấn Giang Bình, TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; Phường- Trấn giữa phường Trần Phú, TP Móng Cái, Việt Nam và trấn Đông Hưng, TP Đông Hưng, Trung Quốc…
Thông qua những hoạt động được duy trì hiệu quả trong hơn 10 năm qua và tình kết nghĩa bền chặt đã góp phần tích cực tăng cường mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; thắt chặt hơn nữa mối đoàn kết hữu nghị dân tộc, thân tộc lâu đời giữa nhân dân hai bên biên giới để cùng nhau giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, vun đắp mối quan hệ truyền thống, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững.
Những thành tựu bền vững trong duy trì, phát huy mối quan hệ đối ngoại- hợp tác- ngoại giao nhân dân với thành phố Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc chính là nỗ lực vun đắp hành trình trở thành “hình mẫu” tuyến biên giới Việt – Trung.