Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 52.584 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình; thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhập khẩu từ các nước. Bởi vậy, việc kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được các cấp, các ngành quan tâm.
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tiếp tục chỉ đạo các ngành, các đơn vị chức năng quán triệt, thực hiện đầy đủ, trách nhiệm việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xác định rõ công tác ATTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Các sở chuyên ngành, lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương đã tổ chức giám sát, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành trong công tác ATTP. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 13.785 cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được giám sát, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua đó có 1.173 tổ chức, cá nhân, vụ vi phạm quy định về ATTP. Các cơ sở này bị phạt vi phạm với tổng số tiền lên tới hơn 8,5 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm quy định về ATTP được phát hiện chủ yếu là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về điều kiện ATTP, vi phạm quy định về nhãn thực phẩm... Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn tịch thu hàng hóa bán phát mại và buộc tiêu hủy hàng tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm với giá trị ước đạt xấp xỉ 14 tỷ đồng.
Các ngành, địa phương còn tăng cường quản lý bảo đảm ATTP đối với các chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Trên địa bàn hiện có 133 chợ gồm: 22 chợ hạng 1, 23 chợ hạng 2 và 98 chợ hạng 3. Sở Công Thương đã in, phát 2.700 sổ ghi chép nhập hàng hóa thực phẩm tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ đăng ký xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP, đáp ứng tiêu chí quy định tại TCVN 11856:2017 về Chợ kinh doanh thực phẩm. Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, hướng dẫn ghi chép sổ mua, bán hàng hóa phục vụ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với chủ phương tiện từ các tỉnh khác vận chuyển thực phẩm vào các chợ. BQL chợ phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tổ chức ký cam kết đạt 100% đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ hạng I…
Cùng với đó, các sở, cơ quan chuyên ngành lĩnh vực an toàn thực phẩm tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thông tin tuyên truyền, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo lĩnh vực, ngành quản lý. Đồng thời vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nhằm bảo đảm ATTP một cách tốt nhất. Trong đó, Sở NN&PTNN tiếp tục duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, qua đó đã hỗ trợ cấp 916 tài khoản vận hành cho các cơ sở tham gia Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản và thủy sản an toàn, cấp 1.222 mã Qr-code cho 1.222 sản phẩm nông sản, thủy sản…
Toàn tỉnh đã có 63 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; 9 cơ sở đóng gói. Các địa phương tiếp tục duy trì sản xuất an toàn với diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP 322,35ha cho 27 cơ sở; 1 cơ sở NTTS được chứng nhận VietGAP với diện tích 0,405ha; 1 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ với 329ha quế; 2 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP; 39 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các chứng nhận khác tương đương.
Hầu hết các cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và đã tự xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), Quy trình vận hành tiêu chuẩn vệ sinh (SSOP), Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP)...
Công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP luôn được đẩy mạnh, triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với đa dạng các hình thức với sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội. Đặc biệt năm 2024, tỉnh đã tổ chức diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc với mục đích chuẩn hóa quy trình xử lý, điều tra, khắc phục, giảm thiểu kịp thời những hậu quả gây ra bởi vụ ngộ độc thực phẩm tập thể có nhiều người mắc; nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp xử lý, điều tra vụ ngộ độc thực phẩm của các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền và nâng cao kiến thức về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm… nhằm rút kinh nghiệm phục vụ cho kiểm soát, xử lý hiệu quả khi có tình huống thật xảy ra.
Với việc đồng bộ các giải pháp, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo tốt công tác ATTP; không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra; không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.