Sau khi đi kiểm tra thực tế tại Đập Tràng Vinh và địa bàn các xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Sơn và nghe báo cáo của đơn vị Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Miền Đông và các xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến và Hải Sơn, đồng chí Hoàng Bá Nam - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái đã chỉ đạo các đồng chí trong Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ TP, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC Thành phố, các phòng ban cơ quan chức năng, các đơn vị, các xã, phường, các lực lượng đặc biệt là biên phòng, quân đội và Nhân dân trên địa bàn cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3, công văn số 2579/UBND-KTTC ngày 05/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh, Đồng thời, đồng chí Bí thư Thành ủy Móng Cái yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố, khẩn trương thực hiện một số nội dung đó là:
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, Thành phố: Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024; Công văn số 2254-CV/TU ngày 03/9/2023 “Về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3”; Công điện số 03/CCĐ-UBND ngày 03/9/2024 của UBND Tỉnh “Về chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI)”; công văn số 1869-CV/TU ngày 03/9/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về chủ động, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3 …, và các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố, Ban chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC Thành phố. Đặc biệt là Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác.
TP Móng Cái chủ động các biện pháp ứng phó theo phương châm 3 trước 4 tại chỗ và triển khai ngay các biện pháp chủ động nhất là cấp ủy – chính quyền các xã, phường nhằm chủ động trong các tình huống và ứng phó từ xa, từ sớm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Cùng với việc chủ động bám và nắm chắc địa bàn, lãnh đạo TP Móng Cái trực tiếp phân công bám nắm địa bàn, chỉ đạo các biện pháp ứng phó không để xảy ra trường hợp đột xuất bất ngờ, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu bão gây ra; Sẵn sàng các phương án, sẵn sàng huy động CBCS các lực lượng và phương tiện PCTT - TKCN, tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ từng đồng chí lãnh đạo TP chịu trách nhiệm phụ trách địa bàn. Đặc biệt, đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực UBND trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ. Đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, phường, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy nếu chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai các biện pháp, giải pháp ứng phó với bão, lũ trên địa bàn dẫn đến thiệt hại về tính mạng và thiệt hại lớn về tài sản; Thực hiện cấm biển từ 11h00 ngày 06/9/2024.
Bên cạnh đó, nắm chắc địa bàn khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ từ thượng nguồn đổ về và theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến của bão, tuyên truyền sâu rộng, liên tục về tình hình diễn biến của cơn bão số 3, hoàn lưu sau bão để Nhân dân biết, thực hiện công tác phòng, chống bão, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng tránh; tiếp tục khẩn trương thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền, ngư dân, người đang có hoạt động sản xuất trên biển, cửa sông, ven bờ biết tình hình diễn biến của cơn bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo tránh trú bão an toàn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Triển khai ngay và khẩn trương các biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân và du khách trên các đảo, khu vực ven biển, khu nuôi trồng thủy sản trên biển; sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các phương tiện, ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển ở các địa phương khác xin đăng ký vào tránh trú bão. Tổ chức di dời ngay người dân (ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ) và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn xong trước 15h00 ngày 06/9/2024; tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ. Rà soát phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, các vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, các công trình đang thi công, các bãi thải, các khu nhà tạm của các hộ dân trong vùng nuôi trồng thủy sản…; kiên quyết di dời dân ra khỏi các vị trí mất an toàn, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người” và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tổ chức canh gác, trực 24/24 tại các điểm xung yếu, ngập lụt, tại các vị trí ngầm tràn khi có lũ, khu vực sông suối, biên giới; không cho người và phương tiện qua lại, tại các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở…. xử lý sự cố, di dời dân cư, cưỡng chế khi cần thiết để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân. Tổ chức nạo vét, phát quang, khơi thông dòng chảy hệ thống mương, suối, cống thoát nước trên địa bàn để phòng, chống ngập úng. Tổ chức cắt tỉa cành, nhánh, chằng chống cây xanh, gia cố lại các biển quảng cáo, cột viễn thông, kiến trúc cao tầng... để đảm bảo an toàn. Tập trung chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh… xong trước 15h00 ngày 06/9/2024.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Móng Cái giao nhiệm vụ cho Đảng ủy Công an, Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố, các Đồn Biên phòng trên địa bàn Thành phố: Phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã phường liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát các tàu thuyền còn hoạt động, neo đậu trên sông, trên biển, thông tin, yêu cầu và hướng dẫn tàu thuyền về neo đậu tại nơi trú ẩn an toàn; chỉ đạo, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương án phối hợp, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai hỗ trợ các xã, phường, đơn vị khi có yêu cầu. Thành lập các tổ kiểm tra rà soát chặt địa bàn; Chủ động các phương án ứng cứu tại điểm trọng yếu, khu vực dễ xảy ra sạt lở đất, úng lụt, đắm tàu, thuyền trên biển, cửa sông biên giới, vùng núi đồi, biển đảo, các xã, phường có các dự án đang thi công các công trình quốc phòng: Hải Hòa, Hải Yên, Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Theo dõi sát tình hình lũ thượng nguồn trên sông Ka Long và các khu vực liên quan để phòng, chống lũ; phối hợp với các lực lượng chức năng phía nước bạn để chủ động phòng chống bão, lũ, cứu hộ cứu nạn ở khu vực biên giới, cửa sông biên giới. Phòng Kinh tế Thành phố, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông theo dõi sát diễn biến mưa, bão. Kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du đặc biệt là các hồ chứa xung yếu. Bố trí lực lượng trực canh để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; đảm bảo các công trình tiêu úng hoạt động hiệu quả khi có yêu cầu. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh. Thực hiện tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết và diễn biến của bão số 3 và mưa hoàn lưu sau bão, sẵn sàng các biện pháp ứng phó thích hợp; kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo thường xuyên và đột xuất khi có yêu cầu, phát sinh thực tiễn.
Bên cạnh đó, đồng chí Hoàng Bá Nam - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy cũng đã chỉ đạo rõ một số nhiệm vụ và các biện pháp thực hiện cụ thể cấp bách để chủ động ứng phó và phòng chống kíp thời cơn bão số 3 đối với các xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến và Hải Sơn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra./.