Tỉnh Quảng Ninh được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Quảng Ninh cũng là tỉnh ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học - công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á. Đây chính là lực đẩy để Quảng Ninh thu hút hàng nghìn doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động. Với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, tỉnh Quảng Ninh cũng ngày càng có nhiều lợi thế để thu hút được những nguồn nhân lực dịch chuyển từ khắp các vùng. Ngoài ra, tỉnh đang nhanh chóng thúc đẩy các quy hoạch điều chỉnh của các khu kinh tế, khu đô thị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và cả nước gặp nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng GDP trên 10%, cao hơn mức trung bình cả nước, đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất (sau TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, thu ngân sách luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. Cũng trong giai đoạn này, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng bình quân 10,2%/năm; có 5.398 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, đạt 108% chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay lên hơn 17.200 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 381.000 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đã có 1.360 đơn vị (857 doanh nghiệp, 503 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 12.556 tỷ đồng; có 23 HTX thành lập mới.
Để đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên 3 trụ cột, gồm: Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công; và ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh.
Ông Phạm Tiến Hồng, Giám đốc HTX Đông Thành (TP Hạ Long), cho biết: Tôi đánh giá cao sự chung tay của chính quyền các cấp từ tỉnh đến địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp, nghị quyết của HĐND tỉnh. Doanh nghiệp được quan tâm, hỗ trợ kịp thời và hưởng lợi từ những quyết sách đó. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh có thêm nhiều cơ chế hơn nữa để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho doanh nghiệp, HTX vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, bắt kịp xu thế phát triển trong tình hình mới.
Đặc biệt, xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đóng vai trò tiên quyết, quyết định sự thành công trong việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, gắn công tác cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác định “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”.
Nổi bật là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn chủ động kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các nút thắt, điểm nghẽn để mở ra các cơ hội mới cho phát triển. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch hành động về triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bám sát mục tiêu chỉ đạo tại các nghị quyết liên quan của Chính phủ; đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đặc biệt, đối với các chỉ số thành phần PCI đều được giao cho sở, ban, ngành chủ trì thực hiện để nâng cao trách nhiệm, tạo sự vào cuộc thực chất của từng cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh.
Cùng với đó, để luôn theo sát, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, tỉnh Quảng Ninh không ngừng tìm kiếm, chủ động mở nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, các cơ quan sở, ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ với nhiều giải pháp thiết thực như: “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, thực hiện “chăm sóc, phục vụ doanh nghiệp” từ những việc nhỏ nhất, tạo niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của Quảng Ninh còn nằm ở việc nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, đồng thời thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, đoàn kết, gương mẫu...