Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái:

Động lực phát triển của Quảng Ninh và vùng Đông Bắc

22/03/2016 14:50
Nằm ở cực địa đầu Đông Bắc đất nước, Móng Cái những năm gần đây nổi lên như một điểm sáng lấp lánh trên họa đồ kinh tế năng động. Đặc biệt, khi đất nước ta hội nhập rộng và sâu thì Móng Cái đã và đang ngày càng khẳng định vị trí của một “cửa ngõ mở ra thế giới”.Thứ trưởng Bộ xây dựng Việt Nam, Tiến sỹ- kiến trúc sư Nguyễn Đình Toàn cũng đã thừa nhận: “Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thực sự là động lực phát triển của Quảng Ninh và vùng Đông Bắc”.

Sự kiện 7/11/2015, tại TP Móng Cái, UBND tỉnh Quảng Ninh  tổ chức hội nghị Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Đây được đánh giá là một bước ngoặt to lớn và là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của một khu kinh tế cửa khẩu hiện đại tại miền Đông Bắc đất nước.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt to lớn của Khu KTCK Móng Cái

Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm toàn bộ TP Móng Cái và 9 xã, thị trấn của huyện Hải Hà, có tổng diện tích 121.197ha, trong đó diện tích đất liền 66.197ha, diện tích mặt biển 55.000ha. Phía Bắc giáp Đông Hưng (Trung Quốc); phía Tây giáp huyện Đầm Hà và Vân Đồn; phía Đông và Nam giáp biển Đông (Vịnh Bắc Bộ) được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: Khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác.

Theo định hướng, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phát triển sẽ trở thành một khu kinh tế cửa khẩu mang tầm vóc quốc tế, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao so với các khu kinh tế trong khu vực; tối ưu hóa việc sử dụng không gian và nguồn lực phát triển đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng.  Theo thứ trưởng Bộ xây dựng Việt Nam, tiến sỹ- kiến trúc sư Nguyễn Đình Toàn, “Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thực sự là động lực phát triển của Quảng Ninh và vùng Đông Bắc”.

Thứ trưởng Bộ xây dựng, TS.KTS Nguyễn Đình Toàn: "Khu KTCK Móng Cái là động lực phát triển của vùng Đông Bắc và Quảng Ninh"

Với thông điệp đầy sức mạnh và hướng tới tương lai, Móng Cái đang nỗ lực khẳng định vai trò chủ thể, hạt nhân trong hiện thực hóa các quy hoạch. Để hiện thực hóa từng phần việc cụ thể sau khi Quy hoạch khu kinh tế được phê duyệt, nhất là vấn đề cơ chế chính sách phù hợp đặc thù và mang tính chất tạo điều kiện để phát triển, theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, Quảng Ninh cần chủ động trong đề xuất với Chính Phủ các cơ chế cụ thể liên quan tới đầu tư cơ sở hạ tầng, về vấn đề sử dụng đất, khai thác mặt nước; vấn đề tài chính, thuế và cách thức sử dụng các nguồn vốn; cơ chế trong thu hút các nhà đầu tư và đặc biệt là vấn đề thu hút nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao. …nếu  hiện thực hóa những cơ chế cụ thể này sẽ là đòn bẩy để Quy hoạch đi vào thực tiễn.

Phối cảnh Trung tâm hành chính trong Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái giai đoạn 2030 - 2050

Hiện tại, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái là một trong hai điểm đột phá để Quảng Ninh phát triển nhanh bền vững, phấn đấu đến năm 2020 Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc tế, là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và cả nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống trên 2.258 tỷ đồng của Công ty TNHH Phú Lâm, tại xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái.

Chỉ còn 5 năm cho chặng đường nhiều gian nan, ngay từ đầu năm 2016, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã bắt đầu “chuyển động” với nhiều động thái vô cùng tích cực như: Móng Cái đã chào đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư về du lịch; trao quyết định dự án chăn nuôi bò với tổng giá trị hàng nghìn tỷ trên vùng cao Nga Bát (Quảng Nghĩa); nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cầu Bắc Luân II để tạo cơ sở hạ tầng cho thúc đẩy khu hợp tác kinh tế song phương... Và mới đây nhất là UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 11/3/2016 về việc thành lập KCN Texhong – Hải Hà thuộc KCN - Cảng biển Hải Hà, huyện Hải Hà… Đó là những động thái tích cực phát huy mạnh mẽ lợi thế từ giá trị pháp lý mà Quy hoạch khu kinh tế Móng Cái mang lại.

Sau lễ công bố quy hoạch, Khu KTCK Móng Cái đã đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới tìm hiểu cơ hội đầu tư

Đi lên từ nghèo nàn, lạc hậu, vốn được biết đến là vùng đất xa xôi nhất tỉnh Quảng Ninh, nay Móng Cái tự hào là điểm sáng lấp lánh trên bản đồ kinh tế năng động của Đất nước. Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với vai trò, vị trí của nơi “Cửa ngõ mở ra thế giới”, Móng Cái đã, đang và chắc chắn sẽ xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Trung ương và của Tỉnh nhà.

Thu Hằng
Đài TT- TH
Loading...