Thành phố hiện có 4 tuyến, 15 điểm du lịch được tỉnh công nhận. Các tuyến, điểm này nằm trong sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến Quảng Ninh, Móng Cái. Là thành phố vùng biên, có nhiều mặt hàng độc và rẻ, Móng Cái đã tận dụng tối đa thế mạnh của 14 chợ, 4 trung tâm thương mại trên địa bàn để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Thành phố hiện có hơn 200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú với trên 3.000 phòng, trong đó có gần 30 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-5 sao. Các cơ sở lưu trú du lịch duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên, đáp ứng tốt chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuyến cao tốc dọc tỉnh đi vào khai thác, càng mở ra thêm nhiều điều kiện thuận lợi để Móng Cái đẩy mạnh phát triển du lịch. 2 tháng đầu năm 2023, thành phố đón trên 72.000 lượt du khách, dù mùa đông chưa phải là cao điểm du lịch. Đặc biệt, từ ngày 21/2, cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) hoạt động trở lại, cư dân hai bên biên giới và các thương nhân đã qua lại giao thương, buôn bán. Hoạt động thương mại nội địa tại Móng Cái bước đầu được khôi phục, dần ổn định. Ngày 15/3/2023, cặp cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - Đông Hưng chính thức mở cửa đón khách du lịch. Tính từ ngày 15/3 đến ngày 21/3 đã có 41.393 lượt người xuất, nhập cảnh qua cặp cửa khẩu này.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khách sạn trên địa bàn thành phố chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, chú trọng xây dựng sản phẩm đa trải nghiệm; tăng cường liên kết tạo chuỗi trải nghiệm đa dạng, như kết hợp nghỉ dưỡng với khám phá thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, kết nối nhiều điểm đến trong một hành trình; tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm du lịch, như: Hạ tầng du lịch đường dạo ven biển Trà Cổ - Bình Ngọc (giai đoạn II); Cụm biểu tượng du lịch TP Móng Cái tại nút giao đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và tỉnh lộ 335; xây dựng Cột cờ và chỉnh trang núi Tổ Sơn (phường Hòa Lạc); hạ tầng quảng trường gắn với biểu tượng Mẹ Âu Cơ và đền thờ Lạc Long Quân tại mũi Sa Vĩ (phường Trà Cổ); xây dựng Cột cờ Sa Vĩ tại mũi Sa Vĩ; chỉnh trang cảnh quan đô thị 2 bên bờ sông Ka Long (phát triển kinh tế đêm)…
Thành phố chỉ đạo mỗi xã, phường phát triển tối thiểu 1 sản phẩm du lịch mới, đưa vào hoạt động trong năm 2023; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch, triển khai hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch trọng tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch và tổ chức các sự kiện, hoạt động thu hút du lịch năm 2023; quản lý tốt môi trường kinh doanh du lịch; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, thực hiện tốt công tác đối ngoại...
Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2255/QĐ-UBND ngày 7/4/2022), với mục tiêu xây dựng Móng Cái trở thành “thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của tỉnh, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.