Du lịch văn hoá: Tài nguyên quý của Móng Cái

12/06/2023 08:33
Bên cạnh những loại hình khác, du lịch trải nghiệm văn hóa ở Móng Cái đang ngày càng được coi trọng như là một cách biến di sản văn hóa thành tài sản du lịch.
Nghi lễ rước thần trong lễ hội đình Vạn Ninh.
Nghi lễ rước thần trong lễ hội đình Vạn Ninh.

Thời gian gần đây, TP Móng Cái đã đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch thương mại - biên mậu và du lịch biển đảo, du lịch Mice với các sự kiện văn hóa thể thao và du lịch tiêu biểu.

Để thu hút du khách về các điểm du lịch tâm linh và là điểm đến hấp dẫn an toàn của du khách trong và ngoài nước, TP Móng Cái đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Hiệu quả cho thấy du khách quan tâm nhiều đến việc vãn cảnh và chiêm bái tại các điểm du lịch tâm linh và danh thắng nổi tiếng trên địa bàn như: Đền Xã Tắc, chùa Linh Sơn, chùa Vạn Linh Khánh, chùa đá Xuân Lan, đình Trà Cổ, đình Vạn Ninh, đình Dân Tiến.

TP Móng Cái cũng triển khai hiệu quả sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với quảng bá các di sản văn hóa vật thể đã được xếp hạng. Móng Cái hiện có 5 di tích cấp quốc gia: Đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, chùa Xuân Lan, đền Xã Tắc, khu di tích lịch sử Pò Hèn và 9 di tích cấp tỉnh gồm: Đình Tràng Vĩ, đình Vạn Ninh, đình Bầu, đồi Trần Phú, đền Thác Mã, địa điểm lưu niệm Bác Hồ phường Trà Cổ, địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của TP Móng Cái, đình Bình Ngọc, đình Quất Đông. Hai di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia là Lễ hội đình Trà Cổ, Hát nhà tơ, hát - múa cửa đình...

Múa cửa đình là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo rất hấp dẫn khách du lịch.
Trình diễn hát múa cửa đình tại lễ hội đình Vạn Ninh.

Cùng với những lễ hội dân gian truyền thống, gần đây có thêm những lễ hội văn hoá mang màu sắc hiện đại như: Lễ hội Móng Cái chào hè, Lễ hội Hoa sim biên giới. Lễ hội Hoa sim biên giới gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hải Sơn. Hình ảnh những cô gái dân tộc Dao, Sán Chỉ giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nông sản do chính tay đồng bào vun trồng. Những người mẹ Dao Thanh Y hướng dẫn con thêu thùa, may vá… đã khiến du khách thêm thích thú trước bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của đồng bào. 

Những hoạt động của phố đi bộ Trần Phú, vườn sinh thái Hồng Vận, bắn pháo điện nghệ thuật trên cầu Ka Long, trình diễn áo dài và lễ hội đường phố, “Hội chợ quê” tại phố đi bộ Trần Phú, nghi thức chào cờ theo đội hình mô phỏng bản đồ Việt Nam và đồng diễn áo cờ đỏ sao vàng, đồng diễn với áo dài truyền thống ở Sa Vĩ, những liên hoan dân ca dân vũ, giao lưu các trò chơi dân gian... cũng thu hút nhiều du khách tham gia.

Người dân dẫn lễ lên đền trong lễ hội đền Xã Tắc.
Người dân dẫn lễ lên đền trong lễ hội đền Xã Tắc.

Móng Cái hiện có 4 tuyến, 15 điểm du lịch được tỉnh công nhận. Các tuyến, điểm này cũng nằm trong sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến Quảng Ninh. Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch ở Móng Cái đã chủ động chỉnh trang khuôn viên, đầu tư các không gian theo phong cách làng quê, vườn hoa, công viên, điểm checkin cho du khách tham quan, chụp ảnh.

Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch, triển khai hợp tác, đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý tốt môi trường kinh doanh du lịch; xây dựng văn hóa trong hoạt động du lịch, Móng Cái đang làm tất cả để hướng đến việc trở thành “Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, xây dựng con người Móng Cái “Văn minh - Thân thiện - Mến khách”. Khai thác loại hình du lịch này cũng là cách để Móng Cái vun đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

baoquangninh.vn
Loading...