Đón chúng tôi trong một gian nhà nhỏ xây tạm bợ đã xuống cấp và lợp mái tôn cũ kỹ là một phụ nữ có khuôn mặt khá khắc khổ với ánh mắt đượm buồn che dấu những nét đẹp của một thời xuân sắc. Khi nghe chúng tôi giới thiệu là đoàn cán bộ Hội phụ nữ, chị luống cuống xen chút ngại ngùng mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà đơn sơ không có gì đáng giá quá một triệu đồng với một chiếc bàn nhỏ, một chiếc gường và vài vật dụng sinh hoạt đã cũ kỹ nhưng lại là tổ ấm luôn ấm áp tình yêu thương của người mẹ nuôi, nơi sinh sống và nuôi dưỡng hai cô con gái mà chị nhận nuôi từ thuở bé khi các cháu mới có mấy tháng tuổi đến khi khôn lớn.
Đã 13h chiều nhưng hai mẹ con chị Chu Thị Đạm mới ăn bữa trưa vì cô con gái bảo: “Cháu chờ mẹ đi làm về rồi mới ăn chứ ăn một mình thì buồn lắm”. Bữa ăn của hai mẹ con thật đầm ấm dù trên mâm chỉ có cơm và hai quả trứng rán nhưng nóng hổi được cháu Lan Anh chuẩn bị sẵn khi mẹ đi làm về. Nhìn cái cách hai mẹ con nhường nhau từng miếng trứng mà chúng tôi không khỏi xúc động nghẹn ngào.
Sau bữa cơm trưa nhưng đã sang chiều, chị Đạm mới có thời gian trò chuyện cùng chúng tôi, chị ngại ngần nói: Thực ra chị cũng không có ý định nhận nuôi đến 2 đứa con đâu vì nuôi một cháu đã vất vả lắm rồi, nhưng vì thấy tội nghiệp quá nên dù trước đó đã nuôi cháu Chu Thị Kiều Anh, chị vẫn quyết định nhận nuôi thêm cháu Mai Thị Lan Anh.
Chị chậm rãi kể về câu chuyện “nhặt” được cháu Chu Thị Kiều Anh vào năm 1996, khi đó chị đang đi bán vé số ở khu vực giáp biên giới thì chợt nghe thấy tiếng khóc yếu ớt của một đứa trẻ, lại gần chị thấy một cháu nhỏ còn đỏ hỏn đang khóc tím tái, bên cạnh không có một vật dụng gì kèm theo. Động lòng trắc ẩn chị mang về nuôi để bầu bạn, khi đó Kiều Anh chưa đầy một tháng tuổi.
Nước mắt rơm rớm chị kể: trước khi nuôi Kiều Anh, chị cũng đã có một gia đình nhỏ, nhưng khi sinh con thì con không may bị mất, chị bị người chồng hắt hủi đánh đập nên quyết định ly hôn, về tá túc ở nhà bố mẹ đẻ tại thôn 9, xã Hải Xuân và đi bán vé số, làm thuê làm mướn qua ngày. Khi gặp được Kiều Anh chị thương như chính con đẻ của mình. Nhà nghèo, công việc không ổn định, thu nhập thấp bấp bênh nên khi con 3 tháng tuổi thì số tiền chị dành dụm được cũng tiêu hết, chị không còn tiền mua sữa cho con mà đành nấu cháo và nghiền nát pha thêm đường cho con ăn.
Chị chia sẻ: “Nuôi Kiều Anh thật vất vả vì cháu hay đau ốm liên miên, nhiều đêm thức trắng, con sốt cao lại không có tiền, trong căn nhà nhỏ tạm bợ chị chỉ biết ôm con vào lòng và nước mắt mẹ tuôn rơi quện với nước mắt con; hay những đêm thức trắng vì mưa bão hai mẹ con phải dậy để hứng nước do mái nhà dột. Căn nhà nhỏ chỗ khô, chỗ ướt, nhưng chỗ khô con nằm, chỗ ướt mẹ ngồi canh giấc cho con, có khi cả đêm không chợp mắt”.
Muôn vàn khó khăn nhưng để nuôi con, chị đã không nề hà bất cứ việc gì dù nặng nhọc đến mấy, bất cứ ai gọi đi làm thuê làm mướn là chị lại lao đi làm để có tiền sinh sống đắp đổi qua ngày. Hai mẹ con cứ lần hồi rau cháo nuôi nhau qua ngày, chị lo cho con đi học và gả chồng cho con. Đến nay, Kiều Anh đã có gia đình nhỏ của riêng mình nhưng cũng không thể giúp đỡ và hỗ trợ mẹ được vì kinh tế quá eo hẹp, một mình chồng đi làm còn Kiều Anh ở nhà trông hai con còn quá nhỏ, hai vợ chồng trẻ và hai đứa con nhỏ vẫn ở nhờ một gian nhà chỉ hơn 10 mét vuông bên cạnh nhà mẹ Đạm.
Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má, chị tiếp tục chia sẻ: Sau những tháng ngày vất vả vừa làm cha vừa làm mẹ, Kiều Anh cũng đã lớn và giúp được mẹ việc nhà, hơn nữa sức khỏe kém chị không thể đi làm thuê, làm mướn được, do đó chị quyết định nhận trông trẻ tại nhà, đây cũng là cơ duyên đưa cô con gái nuôi thứ hai Mai Thị Lan Anh đến với chị.
Thời điểm đó, chị nhận trông Lan Anh cho một cô gái rất trẻ sinh năm 1985 với điều kiện trông giữ và chăm sóc cả ngày cả đêm để cô gái đi làm, lúc đó Lan Anh mới có hơn một tháng tuổi. Hai tháng đầu cô gái trẻ đều đặn trả tiền trông con, mua sữa đầy đủ và dù có muộn đến mấy khi cô con gái nhỏ đã ngủ cô đều đến thăm con, chị Đạm thấy thương cảm cho hoàn cảnh éo le của 2 mẹ con cô gái trẻ ấy nên còn giảm tiền thuê trông trẻ. Tuy nhiên đến hai tháng sau, cô gái không đưa tiền trông con đến cả sữa cho con cũng không đem đến thì chị bảo: “Nếu không trả tiền thuê trông trẻ cho cô thì thôi, nhưng tiền mua sữa cho con thì cháu cũng phải đưa cho cô chứ tội nghiệp trẻ con mới có hơn 5 tháng tuổi đã không cho uống sữa” (Chị chạnh lòng nhớ lại trước đây nuôi Kiều Anh mà không có tiền mua sữa cho con nên bé Kiều Anh ốm đau suốt). Thế nhưng cô gái ấy bỗng khóc nức nở và quỳ sụp xuống van xin chị: “Cháu giờ hoàn cảnh rất khó khăn không thể nuôi con được nữa cháu xin cô, cô thương và nuôi giúp con cháu với cô ơi!”. Thấy cô gái trẻ khóc lóc thảm thiết chị Đạm cũng òa khóc theo. Với bản tính nhân hậu thương người chị nhận lời nuôi giúp cô gái ấy một thời gian, không những không một đồng tiền công mà chị còn mua sữa miễn phí. Cô gái ấy cứ thưa dần, thưa dần những lần thăm con, đến tháng thứ 7 thì cô gái trẻ nói với chị Đạm trước đây do cháu lỡ dở có con nhưng giờ cháu không còn đủ điều kiện để nuôi con được nữa nên nhờ cô giúp đỡ nuôi bé Lan Anh nên người. Đến gần 2 năm sau mẹ ruột của Lan Anh có lần về gặp, nhìn ôm con lần cuối rồi đi luôn không lời từ biệt. Từ đó đến nay, giờ Lan Anh đã gần 14 tuổi cháu cũng không còn nhớ và hình dung ra được khuôn mặt người mẹ ruột mình nữa, cô bé ấy chỉ gắn bó và biết mẹ Đạm mà thôi.
Mặc dù đã có những lúc chị nghĩ tưởng như mình không vượt qua nổi phải buông tay và gửi con cho tổ chức từ thiện hoặc Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi bởi những ngày tháng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, đặc biệt là thời điểm giãn cách xã hội, chị không có việc làm và thu nhập, cuộc sống quá khó khăn; nhưng chị nghĩ mình phải cố gắng gượng vượt qua nuôi Lan Anh và ở tại ngôi nhà nhỏ này để nếu mẹ của Lan Anh có quay lại thăm con cũng còn có cơ hội được gặp con.
Chị Đạm tâm sự: “Khác với Kiều Anh cô con gái thứ hai Lan Anh thì ít ốm đau hơn và rất “biết thân biết phận”, bởi cô bé tự giác và ham học từ nhỏ”, chị bảo mình đã già sức khỏe yếu không thể kèm và lo cho con ăn học được như các bạn nhỏ cùng trang lứa khác, trong khi các bạn học cùng lớp cùng trường được học thêm thì Lan Anh toàn tự học, cháu đam mê ngoại ngữ và học rất giỏi tiếng Anh, Lan Anh đã đạt được rất nhiều giải thưởng IOE và năm học 2021 - 2022, cô bé đạt giải khuyến khích môn địa lý cấp Thành phố. Từ lớp 1 đến lớp 11, Lan Anh năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và được trao tặng rất nhiều giấy khen về thành tích học tập với các giải thưởng của lớp, của trường, của UBND xã Hải Xuân và của thành phố Móng Cái.
Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cô con gái nuôi thứ hai Lan Anh ánh mắt chị Đạm sáng lên, khuôn mặt cũng bớt nét u ám khắc khổ khi nói về thành tích học tập của con, đôi bàn tay nhăn nheo đen đúa run run đem tập giấy khen ra “khoe” với chúng tôi, chị tự hào nói đây chính là “gia tài” của hai mẹ con”.
Chúng tôi hỏi cô bé Lan Anh nếu bây giờ có người có điều kiện kinh tế đến đón cháu nuôi dưỡng hoặc mẹ ruột quay lại đón đi thì con sẽ chọn như thế nào, ngước ánh mắt trong veo đầy yêu thương nhìn mẹ, cô bé bảo với chúng tôi: “Cháu không đi đâu hết, cháu ở đây với mẹ cháu thôi. Cháu rất thương mẹ bởi hiếm có một người mẹ nào yêu thương con như mẹ cháu, cháu sẽ cố gắng học thật tốt sau này lớn lên cháu sẽ đi làm nuôi mẹ. Mẹ không phải là người sinh thành ra cháu, nhưng công dưỡng dục của mẹ cháu luôn khắc ghi trong lòng. Mẹ ruột cháu nếu thực sự thương cháu thì đã không bỏ rơi cháu, cuộc đời cháu nếu không có mẹ Đạm thì chắc không có cháu bây giờ”.
Nghe con nói, chị Đạm ứa nước mắt, một tay xoa đầu đứa con gái nuôi hiếu thảo, một tay gạt dòng nước mắt đang chực lăn trào. Khi nói với chúng tôi về tương lai sau này của các con, chị đau đáu một điều là khi chị già yếu và một mai mất đi các con không thể ở trong căn nhà nhỏ dựng tạm bợ này nữa vì căn nhà dựng tạm là ở nhờ trên đất của cha mẹ để lại cho tất cả các con. Chị mong ước có sức khỏe để lo cho hai chị em Kiều Anh và Lan Anh, chị luôn nhắn nhủ các con dù không phải ruột thịt nhưng sẽ mãi luôn yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Chào tạm biệt chị ra về đọng lại trong chúng tôi vẫn là ánh mắt đượm buồn khắc khoải của chị Đạm khi nói về tương lai của cô còn gái nhỏ Lan Anh, chị lo lắng nhất đó là con học rất giỏi nhưng chị sợ mình không có điều kiện và sức khỏe để lo cho Lan Anh được ăn học đến nơi đến chốn, bởi hiện nay thu nhập chính của chị là chăn lợn và nhặt ve chai.
Tấm lòng và tình cảm của “Mẹ đỡ đầu” Chu Thị Đạm khiến chúng tôi vô cùng cảm động và khâm phục. Dù không phải là người dứt ruột mang nặng đẻ đau nhưng chị đã nuôi nấng, lo lắng bảo bọc, chăm sóc và yêu thương các con hơn cả mẹ đẻ, không chỉ nhường cơm sẻ áo mà luôn dành cho các con những gì tốt đẹp nhất mình có từ trái tim nhân hậu, đó cũng chính là bản chất thuần khiết, cao đẹp, đặc trưng nhất của tâm hồn “Người Phụ nữ Việt Nam”.
Nghe câu chuyện của chị Đạm, chị Phạm Thị Huyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Móng Cái cũng rưng rưng nước mắt trao đổi với chúng tôi: “Đây là một hoàn cảnh hội viên phụ nữ đơn thân nhận nuôi 2 cháu nhỏ rất đáng thương và đáng cảm phục. Hội LHPN TP Móng Cái đã nhận đỡ đầu cháu đến năm 18 tuổi và cùng với cấp ủy - chính quyền địa phương đã kết nối, vận động sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm và cả cộng đồng cùng sẻ chia, động viên, giúp đỡ mẹ con chị Đạm vơi bớt khó khăn, thêm điều kiện ổn định cuộc sống và hỗ trợ cháu Lan Anh tiếp tục đến trường để có được một tương lai tươi sáng hơn”./.