Về mục đích, giáo dục, rèn luyện đảng viên nhằm nâng cao giác ngộ cách mạng, nhận thức sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, hình thành thế giới quan, niềm tin cộng sản, nâng cao ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng cho đội ngũ đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Vì sao phải học tập đường lối của Đảng? Vì có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay"[1]. Tính nhất quán trong mục đích giáo dục, rèn luyện đảng viên thể hiện ở chỗ: vừa xây dựng ý chí quyết tâm cho đảng viên, vừa giúp đảng viên biến quyết tâm thành hành động trên thực tế, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đảng viên là thước đo trình độ giác ngộ cách mạng, phẩm chất chính trị và năng lực công tác của họ, đồng thời là tiêu chí cơ bản để đánh giá kết quả giáo dục, rèn luyện đảng viên.
Về nội dung, giáo dục, rèn luyện đảng viên trước hết là bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, quan điểm lập trường, bản lĩnh chính trị của người đảng viên cộng sản trên cơ sở tăng cường giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: "Mọi đảng viên đều phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, cần kiệm xây dựng nước nhà, liên hệ chặt chẽ với quần chúng lao động, một lòng, một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc"[2].
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi vì: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"[3]. Cùng với việc chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, Người rất quan tâm bồi dưỡng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ đảng viên. Đội ngũ đảng viên phải vừa "hồng" vừa "chuyên" mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân. Người nhấn mạnh: "Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui"[4].
Về phương châm, giáo dục và rèn luyện đảng viên cần tuân theo các vấn đề có tính nguyên tắc như: lý luận gắn liền với thực tiễn; học đi đôi với hành; nâng cao kiến thức gắn liền với củng cố, phát triển bản lĩnh, quyết tâm. Đồng thời, cần quán triệt sâu sắc phương châm kết hợp giữa xây và chống trong giáo dục, rèn luyện đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong mỗi con người hay một tập thể đều tồn tại cả mặt tốt và xấu, cái thiện và cái ác, tính lành và tính dữ. Vì vậy, phải dựa chắc vào những mặt tốt, những nhân tố tích cực để từng bước đấu tranh, khắc phục những mặt chưa tốt trong mỗi tổ chức, mỗi con người: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ, bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời"[5]. Giáo dục, rèn luyện đảng viên phải đi đôi với kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, là nguồn gốc, nguyên nhân sinh ra quan liêu, cửa quyền công thần, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí và bao điều xấu xa khác.
Về phương pháp, cần phải sử dụng tổng hợp các cách thức, biện pháp khoa học và hiệu quả trong giáo dục, rèn luyện đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Phương pháp giáo dục thì theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó"[6]. Người rất chú trọng phương pháp nêu gương điển hình tiên tiến, bởi "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"[7]. Người luôn yêu cầu các cơ quan, đoàn thể phải làm tốt công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt. Theo Người, “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[8]. Tích cực tự phê bình và phê bình trong Đảng, thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn Đảng cũng là một trong những biện pháp quan trọng để giáo dục, rèn luyện đảng viên, xây dựng đội ngũ đảng viên đủ "đức" và "tài" đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng.
Về lực lượng giáo dục, rèn luyện đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải phát huy tốt vai trò hệ thống tổ chức, đề cao trách nhiệm các cấp ủy, chi bộ. Người nhắc nhở: "Các cấp ủy phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên. Từ nay trở đi công tác giáo dục đảng viên phải là một điều quan trọng trong chương trình công tác của cấp ủy"[9]. Mọi đảng viên ở bất cứ cương vị nào đều nằm trong một tổ chức nhất định, đều phải chịu sự quản lý, giáo dục của cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đó sinh hoạt. Với tư cách là chủ thể, các cấp ủy, chi bộ phải chủ động trong việc đề ra kế hoạch, nội dung, chương trình giáo dục, rèn luyện đảng viên; có các hình thức, biện pháp giáo dục, quản lý chặt chẽ, toàn diện đội ngũ đảng viên, chú trọng các mối quan hệ xã hội và điều kiện thực tế nơi đảng viên công tác, chiến đấu, lao động và học tập. Mặt khác, đảng viên đồng thời là chủ thể tham gia xây dựng củng cố tổ chức đảng, cho nên phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi đảng viên trong rèn luyện, phấn đấu. Cuộc đấu tranh khắc phục những mặt xấu, xây dựng những mặt tốt của mỗi cán bộ, đảng viên không tách rời sự giáo dục của Đảng, của tổ chức, của đoàn thể, nhưng trực tiếp quyết định vẫn là nhân tố chủ quan của từng con người cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được"[10]. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên phải tích cực, chủ động, nghiêm khắc đối với chính mình, nhận thức rõ những điểm hạn chế bất cập để tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu vươn lên.
Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đảng viên trong giai đoạn hiện nay, trước hết, các cấp ủy, chi bộ phải nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, trên cơ sở đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện đảng viên. Cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, để các chế độ sinh hoạt Đảng vào nền nếp được quản lý chặt chẽ, toàn diện đội ngũ đảng viên. Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện đảng viên với quản lý, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Việc cụ thể hoá tiêu chuẩn đảng viên cần gắn chặt với tiêu chuẩn cán bộ; phối hợp chặt chẽ trên tất cả các khâu, các bước của công tác đảng viên với công tác cán bộ từ xây dựng kế hoạch, nội dung và biện pháp đến việc tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế. Ba là, phát huy tính tích cực chủ động của đội ngũ đảng viên trong tự học, tự rèn luyện. Các cấp ủy, chi bộ phải thường xuyên quán triệt, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, bồi dưỡng động cơ phấn đấu, đồng thời phải quan tâm giúp đỡ, động viên đảng viên tự rèn luyện, tạo điều kiện để mỗi người xây dựng kế hoạch tự phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cần thực hiện đúng quan điểm của Đảng: "Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”[11].