Gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống phụ nữ Dao Thanh Y

17/07/2024 16:52
Người Dao Thanh Y sinh sống trên địa bàn xã Hải Sơn và Bắc Sơn, TP Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung nhiều năm qua vẫn luôn giữ gìn và lưu truyền nét bản sắc văn hóa riêng qua phong tục, tập quán như tục cưới hỏi, dân ca dân vũ, trò chơi dân gian và nếp sinh hoạt hàng ngày… trong đó bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao là một nét văn hóa độc đáo, mang đậm nét đặc trưng riêng có.
Gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao Thanh Y ở Xã Hải Sơn qua các lễ hội truyền thống

Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới và là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34 km về phía Tây Bắc. Xã Hải Sơn có 03 thôn dân số, 350 hộ với 1.569 nhân khẩu, gồm 03 dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86,8%; (đồng bào dân tộc Kinh là 47 hộ bằng 165 nhân khẩu; đồng bào dân tộc Dao là 180 hộ bằng 906 nhân khẩu; đồng bào dân tộc Sán Chỉ là 123  hộ bằng 498 nhân khẩu). 

Người Dao Thanh Y sinh sống trên địa bàn xã Hải Sơn và Bắc Sơn, TP Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung nhiều năm qua vẫn luôn giữ gìn và lưu truyền nét bản sắc văn hóa riêng qua phong tục, tập quán như tục cưới hỏi, dân ca dân vũ, trò chơi dân gian và nếp sinh hoạt hàng ngày… trong đó bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao là một nét văn hóa độc đáo, mang đậm nét đặc trưng riêng có. 

Chị Phùn Ngọc Bích giới thiệu với các đồng chí lãnh đạo và đại biểu về nét đặc sắc của xã Hải Sơn

Chị Phùn Ngọc Bích - dân tộc Dao Thanh Y chia sẻ: ‘Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y là sự kết hợp của nhiều màu sắc như xanh, đỏ, vàng, đen, trắng. Nổi bật nhất là các họa tiết hoa, lá, chim,… được thêu bằng chỉ len nhiều màu ở vạt áo, vai áo, đai thắt lưng. Mũ đội đầu, yếm ngực cũng được phụ nữ Dao Thanh Y trang trí nhiều họa tiết màu sắc sặc sỡ gắn bó với thiên nhiên và thể hiện tình yêu quê hương”.

Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, mới đây, Hội LHPN xã Hải Sơn đã ra mắt mô hình phụ nữ liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc với 30 thành viên và ban chủ nhiệm. Ban chủ nhiệm của mô hình với 4 thành viên, đại diện cho các thế hệ phụ nữ của xã Hải Sơn được phân công nhiệm vụ cụ thể, theo đó, ban chủ nhiệm sẽ tổ chức các hoạt động của mô hình, hướng dẫn các thành viên của mô hình học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về cách may, thêu, trang trí trang phục dân tộc, đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về trang phục dân tộc cho các thế hệ trẻ. 

Ra mắt câu lạc bộ mô hình phụ nữ liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc  

Bà Tằng Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Xã Hải Sơn đồng bào dân tộc Dao có tổng số 180 hộ bằng 906 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao Thanh Y. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Hải Sơn, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân từng bước khôi phục các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, trong đó việc giữ gìn bản sắc trang phục truyền thống của người phụ nữ và được nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Phụ nữ Dao Thanh Y rất chú trọng việc giữ gìn trang phục truyền thống cho thế hệ con cháu nên luôn truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, phụ nữ Dao Thanh Y thường tranh thủ thời gian lúc nông nhàn hoặc thời gian trong ngày để may, thêu trang phục, con gái Dao Thanh Y do được truyền dạy từ bà từ mẹ nên đều có thể tự may, thêu trang phục truyền thống cho mình và luôn ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua những bộ trang phục truyền thống. Mỗi người con gái Dao Thanh Y khi về nhà chồng sẽ được mẹ của mình làm tặng một bộ quần áo truyền thống. Bộ quần áo này như của hồi môn được gìn giữ như vật quý trong gia đình. Bộ trang phục gồm mũ, khăn đội đầu, áo dài, yếm, dây lưng, quần dài, quần ngắn và xà cạp. Những hoa văn trên trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y được thêu sặc sỡ với nhiều họa tiết phong phú như hình cỏ cây, hoa lá hay bất kỳ vật dụng nào mà người dân nơi đây cảm thấy gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày. Để quần áo thể hiện được sự tươi sáng và ấm áp, phụ nữ Dao Thanh Y lựa chọn màu sắc chính là màu đen và đỏ làm cho bộ quần áo rực rỡ và độc đáo. Vào các dịp Lễ, Tết phụ nữ Dao Thanh Y sẽ mặc trang phục truyền thống để thể hiện sự trân quý đối với các giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Bà Tằng Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ thêm “Việc giữ gìn bản sắc trang phục truyền thống sẽ góp phần vào việc giữ gìn các giá trị văn hóa chung của dân tộc cho các thế hệ mai sau. Mô hình phụ nữ liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc của Hội HLPN xã Hải Sơn là một mô hình có ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh cho hội viên phụ nữ, giúp họ giao lưu, học hỏi và nâng cao tinh thần đoàn kết. Thông qua mô hình, các thành viên của mô hình sẽ cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về cách may, thêu, trang trí trang phục dân tộc và cùng tham gia các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về trang phục dân tộc cho các thế hệ trẻ, thu hút và đẩy mạnh, phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch cũng như góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có của địa phương”.

Đồng chí Vũ Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn cho biết: “Hiện nay, địa phương rất chú trọng việc bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc nhất là đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, xã Hải Sơn đã ra Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các thôn bản để duy trì, khôi phục và phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc Dao Thanh Y và nhận được sự đồng tình ủng hộ của bà con nhân dân trong xã. Địa phương cũng chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS, trong đó nhiều trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, thêu trang phục dân tộc thủ công... được lưu giữ, tạo ấn tượng, sức hấp dẫn đối với du khách. Đặc biệt, xã đã xây dựng và đề ra những giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, thực hiện việc xây dựng mỗi xã, phường một mô hình phát triển du lịch về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, quy hoạch và triển khai trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, nâng tầm quy mô và chất lượng các lễ hội, trên cơ sở đó nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc….. ”.

Trải nghiệm vùng cao với trang phục truyền thống của dân tộc Dao Thanh Y

Đồng chí Vũ Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn cho biết thêm: “Bản sắc văn hóa dân tộc là nét đẹp văn hóa mang giá trị tinh thần to lớn, chính vì vậy, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc cần có sự đồng thuận, đoàn kết và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc truyền dạy, giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Hiện nay, xã đã và đang chú trọng phục dựng các lễ hội truyền thống, tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị, tài sản vô giá của đồng bảo dân tộc Dao Thanh Y qua việc triển khai việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây và có sức lan tỏa hấp dẫn và thu hút với đông đảo du khách”.

Cùng với việc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xã Hải Sơn đã quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng văn hóa, con người và nâng cao nhận thức, cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về các giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc” và việc xây dựng hệ giá trị con người Quảng Ninh với các phẩm chất “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”; hệ giá trị con người Móng Cái “Năng động, Sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện”.

Năm 2024, xã Hải Sơn nói riêng và TP Móng Cái nói chung đã đang nỗ lực thực hiện nội dung chủ đề công tác năm “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” gắn với Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; dành nhiều nguồn lực, xây dựng các đề án, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng đồng bào DTTS.

Cùng với đó quan tâm và chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống trong đó gìn giữ nét độc đáo riêng có của trang phục dân tộc Dao Thanh Y ở vùng đồng bảo dân tộc xã Hải Sơn đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình cụ thể trên cơ sở thế mạnh của mỗi địa phương gắn với phát triển du lịch là hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm thu hút du khách đến với du lịch vùng cao Móng Cái./.

Ảnh trong bài có sử dụng ảnh của CTV

Trần Tương
Trung tâm TT và VH
Loading...