Gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội đình Trà Cổ - "Cột mốc văn hoá" nơi địa đầu Tổ quốc

30/06/2024 19:08
Năm 2019, Lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ. Những sự kiện này là mốc son to lớn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đình Trà Cổ - Cột mốc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc.
Đình Trà Cổ - nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật, kiến trúc độc đáo

Dân Trà Cổ, tổ Đồ Sơn

Đình Trà Cổ tọa lạc ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái là một trong những ngôi đình có nguồn gốc và mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ, hội tụ nét đặc trưng riêng của nền văn hóa Việt, góp phần hình thành nên cộng đồng làng. Đình Trà Cổ là di tích có từ lâu đời ở vùng biên giới Đông Bắc. Trước đây, tồn tại một số nhận định khác nhau về niên đại hình thành đình Trà Cổ, các ý kiến thường cho rằng đình Trà Cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV - XVI tức là vào thời Lê sơ (1428 - 1527) hoặc thời Mạc (1527 - 1592), thời kỳ phát triển nở rộ của nghệ thuật, kiến trúc đình làng Việt. 

Theo hồ sơ xếp hạng di tích, liên hệ từ quá trình hình thành, phát triển của làng Trà Cổ với những nhận định về niên đại xây dựng đình trước đây và kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích, có thể khái quát quá trình hình thành, phát triển của đình Trà Cổ như sau: vào thời Lê sơ (thế kỷ XV), khi làng Trà Cổ mới hình thành, khởi thủy di tích là một ngôi đền hoặc ngôi miếu nhỏ, đơn sơ. Đến thế kỷ XVII, khi dân cư đông hơn, đời sống vật chất cao hơn, làng Trà Cổ mới tôn tạo, mở rộng đền, miếu thành đình như hiện tồn. 

Đình Trà Cổ lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị 

Quá trình hình thành và phát triển của đình Trà Cổ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng dân cư ven biển. Truyền thuyết kể lại rằng, vào thế kỷ XV, có 12 gia đình ngư dân ở Đồ Sơn trong một lần đi đánh cá gặp sóng to gió lớn đã dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Nghe tin có thuyền gặp nạn, nhân dân từ vùng thượng sông Ka Long đã vượt mưa to, gió lớn đem lương thực, trang phục xuống cứu trợ. 

Trải qua thời gian, trước những thách thức về điều kiện tự nhiên và nguồn sinh kế, sáu gia đình đã rời đi, sáu gia đình còn lại quyết tâm bám trụ khai đất, lập làng, định cư nơi đây. Với nghị lực và sự kiên trì, từ một nhóm cư dân đầu tiên làm nghề “lọc nước”, vạn chài Trà Cổ được hình thành, xong buổi đầu còn thưa thớt và mang tính tự phát. Đến nay, các thế hệ người Trà Cổ vẫn truyền cho con cháu câu thành ngữ “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” với ý nhắc nhở con cháu rằng tổ tiên của họ quê ở Đồ Sơn. Đây cũng chính là nguồn cội hình thành nên văn hóa của vùng đất Trà Cổ. 

Căn cứ vào hiện trạng thờ cúng và theo các đạo sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban cấp hiện đang lưu giữ tại đình, đình Trà Cổ thờ 7 vị thần Thành hoàng làng là: Bạch Điểm Tước, Ngọc Sơn, Huyền Quốc Lã Thái úy, Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh và Quảng Trạch. Bên cạnh đó, đình còn thờ sáu vị tiên hiền có công khai hoang lập làng. 

Di tích đình Trà Cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đình Trà Cổ là kiến trúc gỗ có mặt bằng hình chữ Đinh thuộc loại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc đình làng nói riêng, lịch sử kiến trúc Việt Nam nói chung. Trải qua gần bốn trăm năm tồn tại và phát triển, đình Trà Cổ đã được trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản vị trí, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống của đình được bảo tồn tương đối nguyên trạng. 

Hiện nay, đình Trà Cổ được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 1.726,6m2 theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; gồm các hạng mục: Nghi môn, tường bao, sân, Đại đình, Hậu cung, nhà thủ từ, am hóa sớ, công trình phụ. 

Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ. 

Cả ngôi đình bề thế được nâng đỡ bởi hệ cột to khỏe bằng gỗ lim đặt trên các tảng kê bằng đá; các cột liên kết với nhau bởi vì và xà. Nhìn từ ngoài vào, ấn tượng đầu tiên là bộ mái đình, nhìn hơi võng với lớp ngói đỏ nhuốm màu rêu phong, các hoa đao nhấp nhô, đường mái uốn lượn như những cánh sóng, khiến cho kiến trúc nhìn bề thế, hoành tráng hơn. Liên kết bộ khung kiến trúc đình Trà Cổ mang dáng dấp tiêu biểu, đặc trưng của kiến trúc đình làng thế kỷ XVII, tập trung thể hiện các đề tài như rồng, tiên, phượng, lân, hoa cỏ thiêng…

Mặc dù nằm xa trung tâm, lại gần sát biên giới - nơi có mật độ giao lưu, giao thoa văn hóa rất cao, nhưng nghệ thuật trang trí kiến trúc ở đình Trà Cổ vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật dân gian dân tộc thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn. Tiền đường gồm 5 gian, 2 chái bái đường, hậu cung có 3 gian.

Trải qua gần bốn trăm năm tồn tại và phát triển, đình Trà Cổ đã được trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản vị trí, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống của đình được bảo tồn tương đối nguyên trạng. Lần trùng tu, tôn tạo gần nhất là năm 2012, đình Trà Cổ được tu bổ, tôn tạo lại gồm các hạng mục: nâng cốt nền; gia công phục chế, thay thế các cấu kiện gỗ bị hư hỏng; phục chế các con rồng, hoa văn trên mái; ngâm tẩm hóa chất chống mối mọt tất cả các cấu kiện gỗ…; tu bổ, tôn tạo nhà thủ từ; xây mới nhà vệ sinh; xây một số công trình phụ trợ. 

Bộ tem về Đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái, Quảng Ninh)

Từ năm 2014, đình Trà Cổ được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là 01 trong 15 điểm du lịch của Thành phố Móng Cái. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình Trà Cổ gắn với phát triển điểm đến du lịch đã được định hình, khẳng định thương hiệu, điểm đến đình Trà Cổ trên bản đồ du lịch thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trung bình hàng năm, đình Trà Cổ thu hút trên 20.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái. 

Với những giá trị đó, Di tích đình Trà Cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, một số thông tin và hình ảnh giới thiệu về đình Trà Cổ đã được số hóa bằng mã QR được gắn tại di tích và đưa lên cổng thông tin điện tử thành phố Móng Cái để người dân và du khách dễ dàng tra cứu tìm hiểu.

Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024 diễn ta từ 5 đến 8/7/2024 tức 30/5-3/6 âm lịch

Độc đáo lễ hội đình Trà Cổ

Lễ hội đình Trà Cổ là một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa vùng biển Đông bắc của Tổ quốc, thể hiện khá rõ nếp sống của người Việt cũng như lối sống cộng đồng gắn kết, đoàn kết, tương thân tương ái. Lễ hội không chỉ là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của người Trà Cổ cũng như nhân dân cả nước trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền, bản sắc, xây dựng vùng biên giới ngày.

Lễ hội được phục dựng và duy trì tổ chức thường niên từ năm 1993. Theo tục lệ, lễ hội truyền thống đình Trà Cổ được chuẩn bị từ ngày 30 tháng 5 âm lịch, chính thức diễn ra từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 6 âm lịch hàng năm, song quá trình chuẩn bị cho hội có việc phải chuẩn bị trước cả năm. Cũng như các lễ hội truyền thống của vùng đồng bằng, duyên hải Bắc bộ. Tại lễ hội đình diễn ra nhiều hoạt động truyền thống, quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian. Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là lễ rước “Ông Voi”. Nghi lễ này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái. 

Nét đặc sắc nhất của lễ hội chính là tục thi “Ông Voi” độc đáo

Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024 diễn ta từ 5 đến 8/7/2024 tức 30/5-3/6 âm lịch; lễ hội được tổ chức theo 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm Lễ Mục dục; lễ rước mâm hoa quả và cây đèn thần vào đình; tiễn Ông Voi ra đình chầu (diễn ra vào ngày 30/5 ÂL); Lễ Thỉnh sinh; Khai mạc lễ hội; Lễ nghênh thần; Lễ tiến sinh; Lễ an vị; Chuyển ông voi về nhà; Lễ đóng cây cai đám; dâng lễ của nhân dân và du khách (diển ra vào ngày 1/6 ÂL); rước cỗ chay cỗ mặn của ông đám cũ; dâng lễ của các Khu Nam Thọ, Đông Thịnh, Tràng Lộ, Tràng Vĩ; Lễ cất cây cai đám; gọi danh sách ông đám mới (diễn ra vào ngày 2/6 ÂL). Lễ rước và tế cỗ của cai đám mới, Lễ tống thần (tống đăng)…vv (diễn ra vào ngày 3/6 ÂL). Phần hội trong lễ hội đình Trà Cổ luôn được tổ chức đan xen với phần lễ, các hoạt động hội hè, chấm thi Ông Voi, các trò chơi dân gian, các trò diễn xướng…

Nét đặc sắc nhất của lễ hội chính là tục thi “Ông Voi” độc đáo. Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo riêng có, thể hiện sâu sắc mơ ước về một cuộc sống no ấm, đủ đầy, làm ăn thuận lợi của người dân Trà Cổ, đồng thời khẳng định một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nghi lễ lâu đời nơi địa đầu Tổ Quốc nhằm tưởng nhớ đến những vị tiền nhân khai đất lập làng… Đây cũng là phần được người dân quan tâm nhất trong lễ hội đình Trà Cổ.

Trước dịp lễ hội, làng chọn ra 12 đàn ông có tư cách đạo đức tốt, gia đình phương trưởng, cha mẹ vuông tròn để làm “cai đám”. Các “cai đám” này có nhiệm vụ túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội. Quan trọng nhất, vào dịp áp tết, các “cai đám” này sẽ mua 1 con lợn giống (lợn đực) về nuôi. Kể từ lúc ấy, chú lợn đã trở thành con vật của thần, không được gọi là lợn mà gọi là “Ông Voi”. Các “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, sạch sẽ, nóng có quạt mát, ngủ được mắc màn chống muỗi.

Trước dịp lễ hội, làng chọn ra 12 đàn ông có tư cách đạo đức tốt, gia đình phương trưởng, cha mẹ vuông tròn để làm “cai đám”

Để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa lễ hội truyền thống, những năm qua TP Móng Cái luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác tổ chức lễ hội. Việc tổ chức lễ hội có sự tham gia của chính quyền địa phương ở những khâu quan trọng; đảm bảo tích hợp yếu tố văn hoá nghệ thuật đương đại nhưng vẫn rất đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để quảng bá các giá trị của di tích và lễ hội đình Trà Cổ nói riêng cũng như các nét đẹp văn hóa của thành phố Móng Cái nói chung đến du khách trong và ngoài nước. Lễ hội đình Trà Cổ đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 4590 ngày 20/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Có thể nói, cùng với những danh thắng văn hóa, lịch sử đặc sắc trên địa bàn Thành phố, đình Trà Cổ và Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ được lưu truyền qua hàng trăm năm lịch sử, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế; là di tích có giá trị đặc sắc trong không gian văn hóa vùng châu thổ Bắc bộ nói chung, vùng duyên hải Đông Bắc nói riêng; là một di sản văn hóa quý hiếm ở vùng biên viễn, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc với nét kiến trúc nghệ thuật đình làng điển hình, mang đậm cốt cách, tâm hồn Việt Nam; đồng thời là nơi ghi dấu những cống hiến lớn lao của các thế hệ cha ông trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. 

Vi Thu
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...