"Giữ lửa" hành trình cải cách

28/04/2023 09:38
Năm 2022, Quảng Ninh lập kỷ lục khi 6 năm liên tục giữ vững vị trí quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Số liệu cụ thể các chỉ số thành phần của PCI cho thấy kết quả của hành trình cải cách với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự thống nhất, kiên trì các định hướng phát triển qua các nhiệm kỳ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp PCI và chứng nhận "Tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước năm 2022". Ảnh: Đỗ Phương

Bứt phá ở những chỉ số trọng yếu

Chỉ số PCI tổng hợp hiện tại được tính toán từ kết quả 142 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần phản ánh các khía cạnh về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Trong kết quả của Quảng Ninh, một số chỉ số thành phần trọng yếu, tác động lớn đến năng lực cạnh tranh và sự hài lòng, tin tưởng của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp như "Tiếp cận đất đai" và "Tính minh bạch" là 2 trong những chỉ số thành phần tỉnh đạt được sự bứt phá ngoạn mục.

Năm 2022, chỉ số "Tiếp cận đất đai" của Quảng Ninh đạt 7,57 điểm, tăng 0,18 điểm và tăng 8 bậc, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Trong 14 chỉ tiêu của chỉ số "Tiếp cận đất đai", Quảng Ninh có 7 chỉ tiêu tăng điểm và tăng hạng, đáng chú ý là chỉ tiêu “Số ngày chờ đợi để được cấp GCNQSDĐ” giảm 15 ngày so với năm 2021, đứng thứ 4 toàn quốc; chỉ tiêu “Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch” chỉ còn 10,81%, giảm 15,28% so với năm 2021; chỉ tiêu “Tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC về đất đai" còn 33,33%, giảm 25% so với năm 2021...

Những con số trên đã phần nào cho thấy sự nỗ lực và những kết quả tích cực của tỉnh trong cải thiện, nâng cao chất lượng của một trong những chỉ số quan trọng bậc nhất về cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) có quy mô đầu tư hơn 610 tỷ đồng, tổng diện tích 30ha, trong đó, diện tích mặt đất là 5,9ha, mặt nước là 23,3ha. Mặc dù có khối lượng công việc lớn, nhưng chỉ trong gần 24 tháng triển khai, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Triển khai dự án, chủ đầu tư đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành liên quan, nhất là trong triển khai thủ tục giao đất, giao mặt nước.

Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, chủ đầu tư dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên, cho biết: Trong thực tế, việc giao đất, giao mặt nước là những TTHC tương đối phức tạp, mất khá nhiều thời gian. Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành, dự án đã nhanh chóng hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần hoàn thiện hạ tầng du lịch nói riêng, hạ tầng cơ sở nói chung, tạo lực hút đầu tư về địa bàn, thúc đẩy KT-XH khu vực phía Đông của tỉnh phát triển.

Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) - một trong những điển hình của việc tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thủ tục giao đất, giao mặt nước.

Cùng với đó, các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương đều giải quyết hiệu quả những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình GPMB các dự án đầu tư. Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, chia sẻ: Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, đơn vị luôn xác định thực hiện tốt việc công khai, minh bạch những nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất dai dễ dàng hơn; tạo quỹ đất sạch đấu giá, giao các chủ đầu tư thực hiện dự án và các dự án có thể triển khai thực hiện kịp tiến độ. 

Cùng với chỉ số "Tiếp cận đất đai", chỉ số "Tính minh bạch" cũng là một dấu ấn của Quảng Ninh về sự nỗ lực bứt phá. Năm 2022, chỉ số này đạt 6,64 điểm, tăng 0,33 điểm và tăng 8 bậc, xếp thứ 7 toàn quốc.

Trong 17 chỉ tiêu của chỉ số này, tỉnh có 8 chỉ tiêu tăng điểm và tăng hạng, điển hình là: Chỉ tiêu "Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng thông tin trên website của tỉnh về các quy định về TTHC là hữu ích" đạt 70,53%, tăng 31,29% so với năm 2021; tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng "Thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh" chỉ còn 32,24%, giảm 9,04% so với năm 2021, đứng thứ 2 toàn quốc; tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý rằng "Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp doanh nghiệp giảm được số thuế phải nộp" chỉ còn 19,78%, giảm 9,19% so với năm 2021, đứng đầu toàn quốc; chất lượng website của tỉnh đạt 62,12 điểm, tăng 13,79 điểm so với năm 2021, đứng thứ 3 toàn quốc…

Thực tế hoạt động điều hành KT-XH của tỉnh và các sở, ngành, địa phương luôn đề cao tính công khai, minh bạch, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp. Hiện nay, các quy hoạch chung của tỉnh và địa phương được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các cổng thành phần. Tài liệu pháp lý liên quan cũng được công khai bằng nhiều hình thức, phương thức như: Cổng thông tin điện tử, website của các cơ quan, đơn vị, báo chí, phương tiện truyền thông, mạng xã hội… Các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quốc gia của tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị cũng luôn đề cao, thực hiện tốt việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tinh thần, thái độ ứng xử trong việc giải quyết TTHC; thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại, cung cấp tài liệu, hướng dẫn việc tiếp cận thông tin…

Quảng Ninh nhận được đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư kịp thời nắm bắt những chính sách mới, chấp hành tốt các quy định của tỉnh và các bộ, ngành liên quan, có điều kiện thuận lợi để tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Định hướng quy hoạch phát triển đô thị trung tâm TP Hạ Long tầm nhìn năm 2040 được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.

Khai thác dư địa, cải cách thực chất

Với quyết tâm chính trị cao, Quảng Ninh đã gặt hái những “trái ngọt” trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Giai đoạn 2013-2022, Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và 6 năm liên tục giữ vị trí đứng đầu Chỉ số PCI. Đặc biệt, năm 2022, GRDP của tỉnh đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số; quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD/năm - cao nhất so với các tỉnh phía Bắc. Quý I/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh đạt gần 500 triệu USD, đạt trên 41% kế hoạch năm.

Tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành để đưa ra những đánh giá, phân tích về tiềm năng, cơ hội và lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn luôn nhìn nhận để gỡ bỏ những điểm nghẽn, khai thác những dư địa cải cách với phương châm xuyên suốt “Cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, “lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư làm thước đo hiệu quả công việc” trên tinh thần “5 thật, 6 dám”.

Sau mỗi kỳ công bố kết quả PCI, tỉnh đều tổ chức các hội nghị phân tích chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Ngoài những thành tích tốt được đưa ra phân tích để thấy được cách làm hay, giải pháp tốt nhằm tiếp tục phát huy, tỉnh luôn thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, các chỉ số giảm điểm và giảm hạng, chỉ rõ đâu là điểm nghẽn, phân tích nguyên nhân cụ thể, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị để đưa ra giải pháp khắc phục với tinh thần “Vị trí số 1 không chỉ có ý nghĩa là con số xếp hạng, mà còn là động lực để Quảng Ninh tiếp tục khai thác dư địa, cải cách thực chất, khẳng định uy tín để lấy được niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp”.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Quảng Ninh còn “truyền lửa” cải cách đến các cấp sở, ngành, địa phương trong tỉnh khi là một trong những địa phương tiên phong và đang thực hiện hết sức nghiêm túc, thực tế việc đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Được thực hiện liên tục từ năm 2015, bộ chỉ số này là thước đo quan trọng để mỗi sở, ngành, địa phương nhìn nhận chất lượng điều hành, qua đó tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn.

Ngày 28/4, tỉnh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu Chỉ số PCI và công bố kết quả khảo sát DDCI của tỉnh năm 2022 với sự có mặt của người đứng đầu các cấp, các sở, ngành, địa phương và nhiều chuyên gia tham dự, phân tích, cho ý kiến tham vấn. Hội nghị sẽ gợi mở những giải pháp để Quảng Ninh tiếp tục tiến những bước vững chắc trên con đường cải cách không ngừng, qua đó giữ vững vị thế của địa phương đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc, trở thành điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công.

baoquangninh.vn
Loading...