Hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

30/09/2024 16:24
Địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là địa bàn chiến lược, trọng yếu về chính trị, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; Móng Cái xác định: đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư phát triển bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, là yếu tố có tính nền tảng để đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiện thực hóa khát vọng “Xây dựng thành phố Móng Cái phát triển nhanh, bền vững; là khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện”, trở thành đô thị loại I trước năm 2030. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng TP Móng Cái tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần quan trọng đưa Móng Cái hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu CT- KT- XH, đảm bảo QPAN.

Móng Cái là thành phố biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại; có cửa khẩu quốc tế và trên 78 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thành phố có diện tích tự nhiên 516,55 km2, với 17 đơn vị hành chính (8 phường, 9 xã, trong đó có 8 xã, phường biên giới, hải đảo), 100 thôn, khu phố; tổng dân số khoảng 12 vạn người, có 14 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có 1.617 hộ, 5.706 nhân khẩu, chiếm 5,3% dân số toàn Thành phố; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu tại 03 xã: Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa, số còn lại sinh sống xen kẽ cùng cộng đồng dân cư ở các xã, phường trên địa bàn Thành phố. 

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Thành phố Móng Cái đến các xã, phường đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng và công tác dân tộc, trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về "Công tác dân tộc"; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc"; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/02/2022 về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng gắn với phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ đảng viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TP Móng Cái làm tốt công tác tạo nguồn, xem xét kết nạp vào Đảng những quần chúng là người DTTS

Theo đó, Thành ủy Móng Cái đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở các xã vùng đồng bào DTTS trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chỉ đạo kiện toàn, thực hiện sắp xếp đồng bộ tổ chức đảng với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có năng lực công tác tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc; đẩy mạnh công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên; thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ thôn với nhiệm kỳ bầu trưởng thôn; tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị và bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn theo mô hình “Dân tin - Đảng cử”; phối hợp với Đảng ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy 100% xã, phường biên giới; cử cán bộ chiến sĩ biên phòng tham gia sinh hoạt tại 100% thôn, bản địa bàn biên giới. 

Đến nay hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS ngày càng hoàn thiện và phát triển vững mạnh, trong đó 3/3 xã và 12/12 thôn vùng đồng bào DTTS của Thành phố đều có tổ chức Đảng; 100% bí thư chi bộ thôn đồng thời là trưởng thôn. Đội ngũ cán bộ người DTTS có bước trưởng thành về mọi mặt; tinh thần, trách nhiệm, lề lối làm việc, kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống được nâng lên; tỷ lệ người DTTS tham gia công tác trong hệ thống chính trị và được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng cao; chính sách đối với cán bộ được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo động lực để cán bộ người DTTS yên tâm công tác, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS có chất lượng. Công tác phát triển đảng viên mới đạt nhiều kết quả tích cực, số lượng đảng viên mới là người DTTS được kết nạp tăng dần qua từng năm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay toàn Đảng bộ thành phố đã kết nạp được 932 đảng viên, trong đó có 75 đảng viên người DTTS, nâng tổng số đảng viên người DTTS lên 215 đảng viên (chiếm 4,6% tổng số đảng viên thành phố, tăng 32,7% so với đầu nhiệm kỳ). 

Thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS ở Hải Sơn 

Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Thành ủy và các cấp ủy cơ sở đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS; đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; nâng cao đời sống nhân dân; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc, tốt đẹp của các dân tộc tạo động lực, tiền đề phát triển bền vững; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên trì thực hiện phương châm 5 an “an ninh, an toàn, an sinh, an cư, an dân”; tăng cường xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS.

Tại các xã vùng đồng bào DTTS, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Khối Dân vận xã đã phối hợp với UBND xã phát động phong trào thi đua gia đình văn hóa, thôn văn hóa, Già làng, Trưởng bản, Người uy tín tiêu biểu; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới…; Duy trì, đổi mới hình thức tổ chức, nâng cao hiệu quả “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” (18/11) gắn với “tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các Dân tộc”; khuyến khích, vận động người dân giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình thông qua các hoạt động CLB, mô hình (phụ nữ liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc; CLB hát Giao duyên, hát Sóong cọ, đánh con quay, đẩy gậy...); thực hiện các nghi lễ, Lệ làng (Cấp sắc, Lễ Cầu mùa …); phát triển thương hiệu ẩm thực, khôi phục các phong tục tập quán tốt đẹp (Phiên chợ ...),  hình thành các mô hình mới “Làng bích họa”, “vườn mẫu”, “hộ mẫu”, “dịch vụ trải nghiệm”... thông qua đó nhận thức của người dân về bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa ngày càng được coi trọng, tạo môi trường gắn kết trong cộng đồng dân cư đồng thời kết nối mở rộng, giao lưu đối ngoại với Nhân dân các địa phương khác góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. 

Đến nay, tình hình KTXH, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hiện nay không còn hộ đồng bào DTTS nghèo. 03/03 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới; 02/03 xã đạt xã NTM nâng cao (gồm Quảng Nghĩa, Bắc Sơn); 01/03 xã đạt xã NTM kiểu mẫu (xã Bắc Sơn). 

Tính đến ngày 2/9/2024, Đảng bộ Thành phố có 36 chi, đảng bộ cơ sở (25 đảng bộ, 11 chi bộ), 263 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 4.658 đảng viên. Trong đó, có 215 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 4,6%); vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 03 Đảng bộ cơ sở (Đảng bộ xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa) với 26 chi bộ trực thuộc, 346 đảng viên.

TP Móng Cái quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng đồng bào dân tộc có năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo

Theo đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái: để tăng cường công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào DTTS, trong thời gian tới Thành ủy Móng Cái sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, đó là: 

 Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy tổ chức đảng vùng đồng bào DTTS, trong đó xác định phát triển đảng viên người đồng bào DTTS là trung tâm; nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, chi bộ vùng đồng bào DTTS là hạt nhân, gốc rễ; xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bào DTTS là then chốt, cụ thể: Thành ủy sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/02/2022 về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng gắn với phát triển nhanh, chất lượng đội ngũ đảng viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 09/11/2022 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, tiếp tục xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho các chi, đảng bộ cơ sở vùng đồng bào DTTS, chỉ đạo rà soát, làm tốt công tác tạo nguồn, xem xét kết nạp vào Đảng những quần chúng là người DTTS; coi kết quả phát triển đảng viên là một trong những tiêu chí đánh giá các tổ chức cơ sở đảng, người đứng đầu cấp ủy. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc sửa đổi, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế làm việc theo chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm vai trò hạt nhân và lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; nâng cao năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy, mở rộng tầm nhìn, phát huy vai trò của tập thể, trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng; phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu. Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ vùng đồng bào DTTS theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết nội bộ; bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình, khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt đảng; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng đồng bào dân tộc có năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa giữa các thế hệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS, tăng dần tỷ lệ người DTTS tham gia công tác trong hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong chấp hành Điều lệ Đảng, quy chế làm việc; thực hiện trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; giải quyết dứt điểm việc giao đất, giao rừng, đảm bảo ổn định để phát triển; đổi mới và tổ chức lại phương thức sản xuất tập trung, tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ưu tiên phát triển một số sản phẩm chủ lực, thế mạnh gắn với kiên trì thực hiện chiến lược “ba con, hai cây, một điểm đến”; phát triển dịch vụ đặc sắc vùng đồng bào, nhất là các hoạt động phiên chợ biên giới, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm biên giới trong đó xây dựng 2 xã Hải Sơn, Bắc Sơn là trọng điểm du lịch cộng đồng của Tỉnh Quảng Ninh; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng y tế; chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo nghề; tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, nước sạch, văn hóa thể thao, khu xử lý rác thải, nước thải tập trung; duy trì thành phố không còn hộ nghèo; quyết tâm đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đồng bào DTTS đạt trên 100 triệu/năm, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp.

Đồng bào DTTS ở Móng Cái giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp

Tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ QPAN, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc. Tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật trong bảo vệ đường biên, cột mốc, đặc biệt là tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân hai bên biên giới các nội dung cụ thể thiết thực về 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; vận động nhân dân thường xuyên cung cấp thông tin và trao đổi với các cơ quan chức năng của hai bên về tình hình có liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự khu vực biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, không xâm canh, xâm cư, đảm bảo tốt an ninh trật tự trên biên giới, cùng nhau giao lưu phát triển kinh tế, trao đổi thương mại, hàng hóa, trao đổi những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp; giúp nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác phát triển.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...