TP Móng Cái

Hiệu quả từ công tác truyền thông về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở xã miền núi Hải Sơn

08/11/2017 07:38
Là xã miền núi xa nhất trên địa bàn Thành phố Móng Cái- xã Hải Sơn cách Trung tâm thành phố gần 40 km đường núi, đời sống bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ban ngành liên quan và từ chính bà con nhân dân, công tác DS KHHGĐ ở xã vùng cao này đã và đang có những chuyển biến tích cực.

Hải Sơn có 329 hộ với 1.567 nhân khẩu, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nữ từ 18 tuổi trở lên) là 395 người, chủ yếu là dân di cư và xây dựng kinh tế mới thuộc dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ cư trú rải rác tại 03 thôn (Thán Phún xã, Lục Chắn và Pò Hèn).

Những năm trước đây, đời sống của người dân ở xã Hải Sơn-TP Móng Cái còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ sinh con thứ 3 cao, lên tới hơn 10%. Trước tình hình đó, nhận thức được công tác DS-KHHGĐ là nhiệm vụ quan trọng, trong đó truyền thông để thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào là giải pháp tiên quyết mà Hải Sơn cùng với ngành dân số đặt ra. Do vậy, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Đảng ủy, UBND xã Hải Sơn đã ban hành các nghị quyết, chỉ đạo các hội, đoàn thể, đơn vị, cán bộ dân số tích cực xuống từng hộ tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng của người dân, lồng ghép, tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, hội nghị đoàn thể; viết tin, bài phát trên loa phát thanh của xã, thôn.

Chị em phụ nữ Hải Sơn đọc tài liệu tuyên truyền về dân số 

Công tác truyền thông ở vùng cao này ngày càng có sự đổi mới, đa dạng về phương pháp và hình thức, phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của địa phương, đơn cử như: do đặc thù bà con dân tộc miền núi thường đi làm nương rẫy, ở trên rừng vào ban ngày nên việc tổ chức các buổi họp, sinh hoạt CLB tuyên truyền về dân số-KHHGĐ thường tổ chức vào buổi tối, cùng với đó là nội dung lồng ghép với các hoạt động mô hình của các ban ngành khác, cách thức truyền đạt ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu… chính vì vậy nên các nội dung về vận động giảm sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai, hiểu biết về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới, thực hiện 5 không 3 sạch... đã được các chị em phụ nữ ngày càng hiểu, nhận thức đúng và từ đó chủ động các biện pháp để thay đổi hành vi. Cũng qua những buổi tuyên truyền, truyền thông về Dân số KHHGĐ, chị em phụ nữ vùng cao Hải Sơn đã chủ động hơn trong việc thực hiện KHHGĐ, biết chú ý chăm sóc tới SKSS của chính mình và người thân.

Các buổi truyền thông đều được tổ chức vào buổi tối để thuận lợi cho bà con tham gia 

Quan trọng hơn, từ việc “khai sáng tư duy”, các chị em phụ nữ đã chuyển biến tốt về hành động, bàn với các ông chồng không sinh thêm con nữa bởi việc sinh nhiều con mà không có điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng thì rất vất vả, con sẽ ốm, mẹ sẽ không khỏe và sẽ tiếp tục nghèo…, vì vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 và chọn lựa giới tính thai nhi ở Hải Sơn gần đây đã giảm đáng kể. Bà Sẻn Thị Hỷ- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Sơn cho biết thêm: nhờ thực hiện tốt các biện pháp truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi mà tới  nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Hải Sơn đã giảm đáng kể, năm 2016, tỷ lệ này là 9,8% thì đến nay chỉ còn 3,1%- một kết quả quá vượt bậc đền đáp sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và là thành công của ngành dân số.

Những đứa trẻ vùng cao sẽ bớt vất vả hơn khi sống trong gia đình ít con, no ấm 

Bằng cách thay đổi hành vi từ việc truyền thông đúng cách để thay đổi nhận thức, Hải Sơn đã tiến một bước mới trong thực hiện chính sách dân số- KHHGĐ, từ đó góp phần thiết thực đưa xã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên no ấm, và quan trọng nhất là Hải Sơn đã từng bước xây dựng được những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, là nền tảng vững vàng cho một cộng đồng phát triển văn minh, bền vững.

Thu Hằng
Trung tâm TT&VH
Loading...