Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, đặc biệt là của Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Móng Cái về tăng cường công tác đối ngoại, giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc, ngày 26/8/2014 cán bộ, nhân dân thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và cán bộ, nhân dân thôn Thán Sản, Trấn Na Lương, khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức thành công lễ ký kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Tại lễ ký kết, 2 bên đã thống nhất các nội dung đó là cùng nhau tuyên truyền, vận động nhân dân hai thôn bảo vệ, không làm hư hỏng cột mốc; thường xuyên trao đổi tình hình, cùng nhau phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan; không tham gia và không tiếp tay cho tội phạm mua, bán các chất ma túy, buôn bán người và hàng cấm; tiếp tục tăng cường và phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp; tăng cường giao lưu nhân dân biên giới, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa.
Thông qua những hoạt động được duy trì hiệu quả trong hơn 10 năm và tình kết nghĩa bền chặt giữa thôn - bản đã góp phần tích cực tăng cường mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; thắt chặt hơn nữa mối đoàn kết hữu nghị dân tộc, thân tộc lâu đời giữa nhân dân hai bên biên giới để cùng nhau giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển. Hoạt động ngoại giao nhân dân nhân văn giữa hai bên ngày càng hiệu quả, giúp gắn kết quan hệ tình cảm gắn bó tự nhiên, lâu đời giữa cư dân biên giới thông qua thăm hỏi lẫn nhau, giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế vùng biên. Nhận thức và ý thức chấp hành của nhân dân khu vực biên giới từ đó đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, việc kết nghĩa cụm cư dân biên giới cũng đã giúp công tác tuyên truyền giáo dục cho cư dân hai bên biên giới, nhất là lớp trẻ, hiểu được truyền thống văn hoá, mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời giữa hai địa phương. Qua đó xây dựng ý thức trách nhiệm trong bảo vệ biên giới, xây dựng tuyến biên giới bình yên, tăng cường tình đoàn kết láng giềng, hữu nghị cùng phát triển.
Thời gian qua, tình hữu nghị giữa Nhân dân hai nước Việt - Trung ngày càng được vun đắp và mới đây nhất là cuộc gặp gỡ đầu Xuân 2025 giữa Bí thư tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc và 4 tỉnh Việt Nam trong đó có tỉnh Quảng Ninh và các địa phương 2 bên biên giới việc thiết lập cơ chế hợp tác toàn diện đã đánh dấu sự hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực giữa Thành phố Đông Hưng và TP Móng Cái theo phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai,” và tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”; cùng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện và ngoại giao, giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc.
Tình hữu nghị 2 địa phương được minh chứng cụ thể rõ nét đơn cử, năm 2024, đại diện cán bộ, nhân dân thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, (Việt Nam) đã long trọng đón tiếp đại diện cán bộ, nhân dân thôn Thán Sản, trấn Na Lương, khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sang tổng kết 10 năm thực hiện kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đoàn đại biểu trấn Na Lương và Đoàn Đại biểu thôn Thán Sản (Trung Quốc) do đồng chí Liêu Viễn Ba - Bí thư, Trưởng thôn cùng đại biểu nhân dân hai thôn Pò Hèn (Việt Nam) và Thán Sản (Trung Quốc) cùng dự.
Hai nước Việt - Trung núi, sông liền một dải, nhân dân hai nước có tình cảm sâu đậm, đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương. Phát huy truyền thống quý báu đó, trong những năm qua, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và Khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nói chung, xã Hải Sơn (Việt Nam) và trấn Na Lương (Trung Quốc) nói riêng, không ngừng được củng cố và phát triển.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện 6 nội dung ký kết nghĩa, hai thôn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đó là hai thôn thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giao lưu văn hóa, văn nghệ chúc mừng nhau trong các dịp kỷ niệm Quốc khánh, Tết cổ truyền, Lễ hội truyền thống của mỗi nước; cùng nhau giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái dọc sông biên giới; đồng thời cùng phối hợp với Đồn Biên Phòng Pò Hèn (Việt Nam) và Đại đội Công an Biên phòng (Trung Quốc) tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật cho nhân dân 02 bên biên giới đạt kết quả tốt đẹp; Nhân dân hai thôn thường xuyên cung cấp thông tin và trao đổi với các cơ quan chức năng của hai địa phương về tình hình có liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự khu vực biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, cùng nhau giao lưu phát triển kinh tế, trao đổi thương mại, hàng hóa, trao đổi những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp; giúp nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Tích cực phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại…hai thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động và giáo dục cho nhân dân hai bên xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước, hai địa phương, hai thôn và truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn lâu đời giữa hai bên biên giới.
Kết quả nổi bật đó là nhận thức và ý thức chấp hành của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Hai bên đã tổ chức được 82 cuộc điện chúc mừng, thăm hỏi, động viên nhau trong các dịp lễ, tết, lúc ốm đau, hiếu, hỷ và hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xây dựng hai thôn giàu đẹp; hai bên đã cùng nhau giữ gìn vệ sinh chung, dọn vệ sinh, không vứt rác xuống bờ sông biên giới, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống lụt bão; cứu hộ, cứu nạn; phòng chống dịch bệnh xảy ra đối với người, vật nuôi, cây trồng một cách có hiệu quả thiết thực, đặc biệt là 2 bên tặng nhau khẩu trang và kít test Covid - 19, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; giúp nhau tìm lại gia súc bị thất lạc, hoặc do bị trộm cắp… Tổ chức 14 cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ, các hoạt động giao hữu thể dục thể thao, các trò chơi dân tộc... vào các dịp lễ hội truyền thống như: Lễ hội ngày 03/3 âm lịch, ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, ngày rằm trung thu 15/8, ngày quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2/9, ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 1/10, Tết cổ truyền... từ các hoạt động đó đã góp phần củng cố, vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, thân tộc, dòng họ vốn lâu đời giữa hai bên; giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. Đặc biệt, hai thôn đã phối hợp với Đồn Biên Phòng Pò Hèn (Việt Nam) và Đại đội Quản lý biên giới (Trung Quốc) tổ chức thành công 04 buổi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân 02 bên biên giới, với các nội dung cụ thể thiết thực về 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, được lãnh đạo cấp trên hai nước Việt Nam - Trung Quốc đánh giá cao.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhân dân hai bên biên giới đã nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ không làm hư hỏng mốc Quốc giới, không làm thay đổi đường biên giới, dòng chảy sông biên giới; không tham gia và tiếp tay cho tội phạm mua, bán các chất ma túy; mua bán người và buôn bán hàng hóa mà hai nước Việt Nam - Trung Quốc; không có vụ việc vi phạm về chủ quyền lãnh thổ, không xâm canh, xâm cư, đảm bảo tốt an ninh trật tự trên biên giới. Nhân dân hai bên biên giới đã thường xuyên báo cáo, trao đổi kịp thời với Đồn Biên phòng Pò Hèn (Việt Nam) và Đại đội Quản lý biên giới (Trung Quốc) về tình hình có liên quan trực tiếp đến an ninh trật tự, an toàn và lợi ích của nhân dân hai thôn, để cùng nhau phối hợp giải quyết nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả. Những kết quả đạt được càng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ gắn bó, keo sơn của nhân dân hai bên biên giới nói chung, mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời giữa nhân dân hai thôn nói riêng, góp phần xây dựng biên giới “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của cư dân hai bên biên giới.
Trong thời gian kết nghĩa và tại kỷ niệm 10 năm ký kết nghĩa, hai thôn - trấn cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa nhân dân 2 thôn Pò Hèn (Việt Nam) và thôn Thán Sản (Trung Quốc). Trước đó, sau nghi thức đón đoàn đại biểu thôn Thán Sản, trấn Na Lương (Trung Quốc) tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Đoàn đại biểu thôn Thán Sản, trấn Na Lương (Trung Quốc) đã tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái; thăm đồi sim Mã Thầu Sơn, làng bích họa xóm họ Đặng, vườn trà hoa vàng và tham dự chợ phiên Pò Hèn.
Đồng chí Vũ Văn Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn cho biết: “Hải Sơn có đường biên giới phía Bắc giáp thôn Thán Sản, trấn Na Lương, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Đây là địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh và thành phố, trong đó có công tác đối ngoại Nhân dân. Mô hình kết nghĩa giữa thôn Pò Hèn, Hải Sơn (Việt Nam) - thôn Thán Sản, trấn Na Nương (Trung Quốc) là mô hình tiêu biểu trong công tác ngoại giao Nhân dân khu vực biên giới Việt - Trung. Để thực hiện tốt công tác đối ngoại và giữ vững tình cảm đoàn kết, hữu nghị, truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương. Đảng ủy - chính quyền và nhân dân xã xác đính giữ vững địa bàn biên giới an toàn, ổn định; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá cộng đồng địa phương; đảm bảo môi trường sinh thái dọc sông biên giới; Đồng thời, duy trì tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giao lưu văn hóa, văn nghệ chúc mừng nhau trong các dịp Ngày Quốc khánh, Tết cổ truyền, Lễ hội truyền thống của mỗi nước; tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật cho nhân dân 02 bên biên giới; Tổ chức các cuộc hội đàm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong sản xuất nông - lâm nghiệp, giao lưu phát triển kinh tế, trao đổi thương mại, hàng hóa...Bên cạnh đó, cung cấp thông tin và trao đổi với các cơ quan chức năng của hai địa phương về tình hình có liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự khu vực biên giới, đảm bảo nguyên tắc, quy trình quy định”.
Những kết quả đạt được là thành tựu của hệ thống chính trị, trong đó có sự quan tâm chỉ đạo sát sao về công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân của Đảng ủy - chính quyền xã Hải Sơn và TP Móng Cái, Tỉnh Quảng Nịnh. Hiệu quả từ mô hình kết nghĩa đem lại càng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ gắn bó, keo sơn của nhân dân hai bên biên giới nói chung, mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời giữa nhân dân hai thôn nói riêng, tạo cơ hội mới, nền tảng vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của cư dân hai bên biên giới.
“Thời gian tới, xã tiếp tục cụ thể hoá, thực hiện có hiệu quả tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận ký kết của hai nước, của tỉnh Quảng Ninh với các Tỉnh phía bạn; Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung đã ký kết nghĩa, duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, không vứt rác xuống bờ sông biên giới, nhằm tạo môi trường xanh, sạch, đẹp; Hàng năm, thống nhất thời gian định kỳ gặp mặt giao lưu nhân dân vào ngày 26/8 hàng năm (Ngày ký kết kết nghĩa), lãnh đạo 2 thôn thăm hỏi, chúc mừng dịp tết Nguyên đán, dịp Quốc khánh của hai nước (Việt Nam - Trung Quốc). Ngoài ra khi đột xuất hai bên trao đổi trực tiếp qua điện thoại, thư trao đổi, tại thực địa hoặc gặp mặt hội đàm. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, cùng nhau tuyên truyền, vận động và giáo dục nhân dân hai bên xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống tốt đẹp, gắn bó keo sơn, thủy chung của các dân tộc, dòng họ vốn lâu đời giữa hai địa phương. Đồng thời, đề xuất các cấp có thẩm quyền nghiên cứu đề xuất tạo cơ chế đặc thù cho xuất nhập cảnh đối với cư dân biên giới của 2 xã qua Lối mở Pò Hèn (Việt Nam) - Thán Sản (Trung Quốc)” đồng chí Vũ Văn Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn cho biết thêm.
Thông qua các hoạt động thắm tình đoàn kết hữu nghị nhằm tiếp tục xây dựng mối quan hệ giữa hai địa phương theo phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đã được hai Đảng, hai Nhà nước xác định; đồng thời, thắt chặt hơn nữa mối đoàn kết hữu nghị dân tộc, thân tộc lâu đời giữa nhân dân hai thôn của hai địa phương để cùng nhau giữ vững chủ quyền lãnh thổ, phát triển kinh tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; xây đắp tình hữu nghị Việt - Trung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.