Họp đánh giá, rút kinh nghiệm về tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó cơn bão số 3 (YAGI)

09/09/2024 08:14
Sáng 9/9, UBND Thành phố tổ chức Họp đánh giá, rút kinh nghiệm về tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó cơn bão số 3 (YAGI). Dự và chỉ đạo có đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy; đồng chí Nguyễn Văn Đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố. Đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có đồng chí Dương Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; đồng chí Nguyễn Phúc Vinh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; đồng chí Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trước diễn biến phức tạp của của cơn bão số 3 (YAGI), Thành ủy, UBND Thành phố Móng Cái đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo PCTT-TKCN Quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3; đồng thời đã ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể; quyết liệt chỉ đạo sát sao, từ sớm, từ xa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão.

Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, không để xảy ra thiệt hại về người, trong buổi chiều ngày 05 và 06/9/2024, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc xây dựng phương án phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3, trong đó tập trung vào các công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển về các khu neo đậu tránh trú bão, gia cố, chằng chống các khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển; kiểm tra các khu vực dân cư có nhà không kiên cố, không đảm bảo an toàn; kiểm tra các hồ chứa nước, đê điều, các điểm xung yếu và các công trình đang thi công trên địa bàn Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố phát biểu tại hội nghị

Công tác chỉ đạo, tuyên truyền thường xuyên liên tục, kịp thời bằng nhiều hình thức để nhân dân nắm được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của bão số 3 và các biện pháp phòng, chống, ứng phó với diễn biến của cơn bão; Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, khu và trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo....), để thông tin cho người dân trên địa bàn Thành phố biết và chủ động thực hiện công tác phòng, chống.

Công tác chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 được nâng cao. Trong đó, đã huy động 1000 người gồm lực lượng vũ trang trên địa bàn và Trung Đoàn 43 để chủ động tham gia. Hiệp đồng với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng huy động các loại vật tư và trên 400 phương tiện, máy móc, thiết bị; kêu gọi, hướng dẫn 1.841 tàu thuyền và phương tiện thủy di chuyển về neo đậu tránh trú bão tại các điểm, bến, cảng đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố. 126 hộ = 279 giàn bè nuôi trồng thủy sản trên biển đã được chính quyền địa phương thông tin về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 3, yêu cầu chằng chống, gia cố giàn bè và yêu cầu người dân trên các giàn bè di chuyển vào bờ. UBND các xã, phường đã tiến hành di dời 673 hộ nhà yếu, thiếu kiên cố = 2.191 nhân khẩu về các trụ sở UBND xã, phường; nhà văn hóa; trường học; các hộ dân có nhà kiên cố liền kề đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Ban Chỉ huy PCTT - TKCN & PTDS Thành phố và UBND các xã, phường trên địa bàn Thành phố đã xây dựng lịch phân trực và tổ chức thường trực 24/24h đảm bảo theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại địa bàn Thành phố cơ bản đảm bảo an toàn, không có thiệt hại, thương vong về người. Theo thống kê sơ bộ luỹ kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 06 nhà bị tốc mái, một số phòng học bị tốc trần, đường ống nước, mái tôn và hệ thống pa nô tuyên truyền bị hư hỏng và cây xanh bị đổ, gãy... Một số giàn bè nuôi trồng thủy sản tại phường Hải Hòa và Trà Cổ bị xô, gẫy. Ngoài ra tại một số trường học trên địa bàn cũng ảnh hưởng một số hạng mục hạ tầng phụ trợ tuy nhiên thiệt hại không lớn.

Sau bão, UBND Thành phố đã ban hành văn bản về việc tập trung khắc phục và đảm bảo các hoạt động sau bão. Ban quản lý cửa khẩu đã chủ động phối hợp với các ngành khối cửa khẩu dọn vệ sinh chỉnh trang lại hệ thống hạ tầng thông quan XNC, XNK, các chợ, điểm kinh doanh hoạt động chở lại bình thường từ sáng ngày 8/9/2024. 

UBND các xã phường, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo vận động nhân tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cơ quan, trụ sở, trường học, trạm y tế đảm bảo giao thông được thông suốt, dọn vệ sinh cắt tỉa dựng lại các cây xanh tại các đường phố, trường học, sửa sang chỉnh trang lắp đặt, kê dọn lại các hệ thống phòng học, Trạm y tế đảm bảo công tác khám chữa bệnh, dạy và học tại các cấp trường .

Về nông nghiệp chỉ đạo và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, gia cố lại hệ thống bờ đầm, hồ đảm bảo an toàn cho nuôi trồng, gia cố và vệ sinh hệ thống chuồng trại đảm bảo thông thoáng an toàn, hướng dẫn nông dân tháo nước tại các ruộng trũng và buộc lúa thành các khóm để đảm bảo sinh trưởng của lúa giảm thiệt hại. Các công trình xây dựng các nhà thầu đã chủ động dựng và gia cố lán trại, vệ sinh công trường chuẩn bị vật tư, nhân lực tiếp tục thi công theo kế hoạch. 

Trong ngày 08/9/2024, cơ bản hệ thống điện, nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc đã được khắc phục và hoạt động bình thường trở lại chỉ còn khu vực xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực do đứt và xô dây 15 cột trên biển nên thời gian khắc phục kéo dài, dự kiển hết ngày 9/9 sẽ đóng điện trở lại. 

Đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu kết luận cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, thời gian qua, Thành phố luôn xác định phòng chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị, khi có thiên tai là cả xã hội vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. 

Qua công tác công tác phòng, chống và ứng phó với cơn bão số 3, cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến xã, phường trên địa bàn Thành phố đã chủ động triển khai quyết liệt các hoạt động ứng phó hiệu quả, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền; hướng dẫn, kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền; di dời sơ tán dân đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa…. Sau bão, Thành phố đã khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục hệ thống lưới điện, nước sinh hoạt, giao thông, vệ sinh môi trường,…để ổn định đời sống.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh đến những bài học kinh nghiệm qua thực tiễn để áp dụng trong công tác ứng phó với thiên tai trong thời gian tới. Đó là công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra phải rất kỹ lưỡng, thực chất, không được hình thức. Nắm chắc, sâu sát diễn biến của bão. Chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng chống bão phù hợp tình hình diễn biến của bão và đặc thù địa phương, thường xuyên cập nhật, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “3 trước 4 tại chỗ”. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Lực lượng trực và hỗ trợ chi viện rất quan trọng. 

Từ những bài học kinh nghiệm, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị không được lơ là, chủ quan công tác phòng chống hoàn lưu sau bão. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự sau bão. Các địa phương thống kê thiệt hại sau bão và hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại với nguyên tắc phải chính xác và chống lợi dụng, lạm dụng chính sách. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố đề nghị từ những kinh nghiệm rút ra sau cơn bão số 3, đề nghị các cơ quan, đơn vị, xã phường tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, phương án hiệp đồng đối với công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với các tình huống; nhận định sớm các rủi ro, mức độ rủi ro, cấp độ rủi ro để có sự phân công trách nhiệm của BCH PCTT&TKCN. Chế độ thông tin báo cáo tình hình phải nhanh chóng kịp thời, đầy đủ trên các lĩnh vực và chuẩn bị trước các điều kiện về thông tin, ánh sáng máy móc phục vụ công tác phòng chống thiên tai, bão lũ tránh hiện tượng mất thông tin liên lạc trong khi thiên tai xảy ra. Phải rà soát tất cả các công trình, kể cả công trình nhà yếu, hộ khó khăn để tổ chức phát động hỗ trợ, ủng hộ trên tinh thần từ các nguồn tại chỗ, nguồn lực doanh nghiệp và nhân dân để khắc phục khó khăn. Trong phương án phải thực hiện lệnh giới nghiêm khi bão đến. Phòng Lao động Thương binh xã hội, LĐLĐ Thành phố và các xã, phương quan tâm chăm lo cho người lao động trong các doanh nghiệp. Tiếp tục ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn Thành phố. 

Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị theo dõi chặt chẽ hoàn lưu bão, lũ đầu nguồn, quản lý chặt chẽ các đường mòn lối mở để đặt các điểm cấm không cho người dân qua lại các khu vực sông suối, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân./.

Vi Thu
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...