Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh
Những chiến sĩ công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) Đồn Pò Hèn còn sống sau cuộc chiến đã kể về Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên Cửa hàng HTX mua bán Pò Hèn ngày đó bằng sự xúc động đến nghẹn ngào.
Sáng sớm 17/2/1979, quân xâm lược tràn sang, với khẩu CKC và 2 quả lựu đạn, người con gái hiền hậu, thùy mị của đất Bình Ngọc đã yểm trợ cho mọi người ở cửa hàng rút về phía sau.
Ngay sau đó, chị Chiêm không về tuyến sau mà chạy ngược lên chốt cùng chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Pò Hèn. Thấy chị xuất hiện khi chiến sự đang diễn ra ác liệt (chị Chiêm và anh Bùi Văn Lượng, chiến sĩ của đồn chuẩn bị làm lễ cưới), mọi người đều khuyên chị lui về tuyến sau, nhưng chị kiên quyết xin Đồn phó Đỗ Sĩ Họa được ở lại chốt. Vừa băng bó, sơ cứu thương binh, chuyển thương, chị Chiêm vừa tiếp đạn cho các chiến sĩ và trực tiếp tham gia chiến đấu.
Bia khắc tên Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng 27 công nhân Lâm trường Hải Ninh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 17/2/1979 tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Quân giặc tràn lên, vấp phải sự chiến đấu quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Pò Hèn và lực lượng dân quân. Đồn phó Đỗ Sĩ Họa hy sinh, chị Chiêm đã dùng khẩu súng ngắn K54 của anh để chiến đấu và ngã xuống khi trúng một loạt đạn của quân thù.
Tối 19/2/1979, mọi người đưa thi hài chị Chiêm và các liệt sĩ hy sinh tại Pò Hèn xuống khu Mả Phềnh an táng. Phần mộ chị đặt ngay bên gốc cây chanh đang nở hoa.
Trong cuộc chiến không cân sức đó, 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn Pò Hèn đã anh dũng hy sinh, trong đó có anh Bùi Văn Lượng, người yêu của chị Hoàng Thị Hồng Chiêm. Cùng hy sinh với chị Chiêm, còn có 27 anh chị em công nhân Lâm trường Hải Ninh, họ đều ở tuổi 19, đôi mươi...
Tên của chị đã thành bài ca...
40 năm trước đã có những ca khúc làm lay động lòng người viết về chị Hoàng Thị Hồng Chiêm để ca ngợi gương chiến đấu hy sinh anh dũng của chị, cỗ vũ quân và dân ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có thể kể tên như: Bài ca trên đỉnh Pò Hèn của nhạc sĩ Thế Song do NSND Lê Dung thể hiện; Bông hoa Hồng Chiêm của nhạc sĩ Dân Huyền với tiếng hát của NSƯT Kiều Hưng hay Người con gái trên đỉnh Pò Hèn của nhạc sĩ Trần Minh do ca sĩ Tuyết Nhung trình bày... Các tác phẩm ấy đều đã được lưu lại trong tuyển tập Bài ca đi cùng năm tháng...
“...Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ, mà hương thơm thắm mãi chẳng hề phai. Có những cuộc đời bình dị mà trong sáng, gợi cho chúng ta một lẽ sống đẹp tuyệt vời...” - đó là những ca từ trong ca khúc Có một đóa Hồng Chiêm của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về gương hy sinh của chị Chiêm đăng trên báo Tuổi trẻ số 28 ra ngày 13/7/1979.
Trong năm 1979, Trung ương Đoàn đã truy tặng chị Hoàng Thị Hồng Chiêm Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc, ghi tên chị vào trang sử truyền thống của Đoàn. Những năm tháng ấy, tên của chị được ngợi ca như một biểu tượng của tuổi trẻ giữ nước, hy sinh để bảo vệ biên cương.
Ở ngôi trường THCS Bình Ngọc (TP Móng Cái) - nơi trước đây chị Chiêm từng học đã dựng tượng của chị. Bức tượng đó dung dị, hiền lành đúng như con người chị, nhưng vẫn cứ vẫn toát lên khí chất “anh hùng - bất khuất” của phụ nữ Việt Nam - Ông Hoàng Như Lý, nguyên chuẩn úy trinh sát của Đồn Pò Hèn, một trong số rất ít những người lính Pò Hèn còn sống sau trận chiến, hiện ở phường Hải Hòa (TP Móng Cái) tâm sự.