Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 31

25/11/2022 15:58
Ngày 25/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục chương trình làm việc để nghe và cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2020 của Bộ Chính trị; chương trình kiểm tra, giám sát (KTGS) của Tỉnh ủy năm 2023 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghe và cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2020 của Bộ Chính trị về về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản thống nhất với các mục tiêu đến năm 2025, 2030 được đề cập trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và nội dung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị. Nhấn mạnh đến một số nội dung quan trọng cần quan tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV để làm rõ về các quan điểm chỉ đạo, từ đó định hình được hệ thống giải pháp, phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện. Trong đó, phải nhấn mạnh rõ quan điểm là xác định đô thị hóa và phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; là cả quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Xác định đô thị hóa ở Quảng Ninh phải có bản sắc riêng, là đô thị biển dạng dải, đô thị xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mô hình đô thị Quảng Ninh phát triển theo mô hình tổ chức không gian lãnh thổ 1 tâm, 2 tuyến, đa chiều, các mũi đột phá và 3 vùng động lực. Xử lý các thách thức liên quan đến quy mô dân số nhỏ, chênh lệch vùng miền.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, quan trọng nhất hiện nay là nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị; nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí của đô thị hiện nay; tăng quy mô và chất lượng dân số; xây dựng chính quyền đô thị.

Về nhiệm vụ giải pháp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập điều chỉnh thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, của từng địa phương gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý. Tiếp tục rà soát, tính toán cân đối nguồn lực, huy động mọi nguồn lực để cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu; trong đó điển hình là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa; giải quyết tình trạng ngập úng, ách tắc giao thông và bất cập về xử lý rác thải, nước thải đô thị.

Tất cả các địa phương rà soát quỹ đất phục vụ cho mục tiêu phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, không gian xanh, không gian công cộng; rà soát quỹ đất để chuẩn bị quy hoạch quỹ đất tái định cư cho người dân ở đô thị từ nay đến năm 2030. Đối với quỹ đất mới hình thành để phát triển đô thị gắn với các trục hành lang đô thị thì phải bám sát mục tiêu tạo ra trục không gian cảnh quan, kiến trúc đặc thù mới của đô thị Quảng Ninh và mô hình phát triển đô thị biển dạng dải giàu bản sắc để định hình các khu đô thị mới.

Quan tâm đảm bảo an sinh nhà ở, tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cao hơn so với mặt bằng chung cả nước giai đoạn 2025-2030. Đặc biệt là nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, người có thu nhập thấp, người bị thu hồi đất thuộc diện bố trí tái định cư theo Nghị quyết 18 và dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ở tất cả đô thị trên địa bàn tỉnh.

Phát triển đô thị thông minh theo phương châm chi phí thấp, người dân là trung tâm, nguồn lực xã hội là chủ đạo. Xây dựng đô thị ít phát thải; tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt; phát triển giao thông đô thị công cộng thân thiện môi trường, hạn chế tối đa phát triển phương tiện cá nhân.

Gắn kết chặt chẽ quá trình mục tiêu đô thị hóa với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và giảm chênh lệch vùng miền.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến vào chương trình KTGS của Tỉnh ủy năm 2023. Theo đó, bám sát Kết luận số 34 ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác KTGS của Đảng đến năm 2030 và đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, việc thực hiện chương trình KTGS của Tỉnh ủy năm 2023 tiếp tục thực hiện theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các cuộc KTGS chuyên đề, giám sát thường xuyên, tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương, của tỉnh về các lĩnh vực: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công, công tác cán bộ…

Tăng cường công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh từ xa, từ sớm, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn; triển khai thực hiện công tác KTGS, kỷ luật của Đảng theo hướng đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Trung ương; chú trọng công tác KTGS của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cơ sở và chi bộ.

quangninh.gov.vn
Loading...