Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Móng Cái:

Hội nghị phổ biến, tuyên truyền pháp luật, năm 2024

13/08/2024 16:21
Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Móng Cái về phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, năm 2024 và kế hoạch triển khai thi hành Luật đất đai. Ngày 13/8, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Móng Cái đã tổ chức hội nghị phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật năm 2024. Đồng chí Trần Thị Hiền - Phó Phòng Tư pháp TP cùng lãnh đạo 2 phường Ka Long và Hải Yên đã tới dự.
Quang cảnh hội nghị và đại biểu tới dự
Đồng chí Trần Thị Hiền - Phó Trưởng phòng Tư pháp TP khai mạc hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu là Thường trực HĐND - UBND, trưởng các ban ngành đoàn thể, cán bộ công chức, trưởng thôn khu và nhân dân trên địa bàn 2 phường Ka Long và Hải Yên đã nghe các báo cáo viên pháp luật thành phố thông qua nội dung phổ biến tuyên truyền những quy định của pháp luật gồm pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình; hộ tịch có yếu tố nước ngoài; Luật đất đai; Luật căn cước; Quy định về an toàn thực phẩm.

Đồng chí Ngô Văn Đường - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP phổ biến về Luật Đất đai 2024

Hội nghị đã nghe đồng chí Ngô Văn Đường - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP phổ biến về Luật Đất đai được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/01/2024 trong đó phạm vi điều chỉnh Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng áp dụng là Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; Người sử dụng đất và các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai.

Luật Đất đai năm 2024, gồm: 16 chương, và 260 điều tăng 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013; bổ sung 01 chương về Phát triển Quỹ đất; tách riêng chương về Thu hồi đất, trưng dụng đất và chương về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó tập trung nhiều vào một số chương như chương 5: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chương 7: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; chương 9: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chương 10: Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...Luật cũng bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 01/01/2026. Theo đó, Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất. Đồng thời, tại Điều 159 Luật này quy định, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ công bố Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026; hàng năm UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01/01 năm sau.

Bên cạnh đó, cũng quy định đất không có giấy tờ trước ngày 01/7/2014 được cấp sổ đỏ; Khoản 3 Điều 138 Luật Đất đai 2024 quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ 15/10/1993 - trước 01/7/2014 không có giấy tờ về quyền sử dụng đất sẽ được cấp sổ đỏ nếu đáp ứng các điều kiện sau: Không vi phạm pháp luật về đất đai; Không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền; Nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp…Đồng thời, đất cấp sai thẩm quyền sau 2014 sẽ được cấp sổ đỏ, cụ thể đất được giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân từ ngày 01/7/2014 - trước ngày 01/01/2025 đáp ứng các điều sau theo quy định tại khoản 4 Điều 140 Luật Đất đai 2024 thì được cấp sổ đỏ. Người sử dụng đất có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất. Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thêm một số trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất như: Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi. Bên cạnh đó, sử  dụng đất làm mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất...Luật Đất đai 2024 cũng bổ sung thêm hình thức bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi; nhà ở. Ưu tiên người dân được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở được lựa chọn bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, chỉ được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư.

Ngoài các khoản hỗ trợ như quy định hiện hành, Luật Đất đai 2024 bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác: Hỗ trợ di dời vật nuôi; Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời đối với tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn.Luật Đất đai năm 2024 cũng cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Luật cũng quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Theo Khoản 1 Điều 177 Luật Đất đai 2024 cho phép hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất thay vì 10 lần như Luật Đất đai 2013…

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương - Phòng Tư pháp TP phổ biến những nội dung quy định theo Luật Hôn nhân gia đình

Hội nghị cũng nghe đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương - Phòng Tư pháp TP phổ biến những nội dung quy định theo Luật Hôn nhân gia đình, ngày 19/06/2014, Quốc hội ban hành Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được quy định với 133 Điều được nằm gọn trong 9 chương gồm: Những quy định chung; Kết hôn; Quan hệ giữa vợ và chồng; Chấm dứt hôn nhân, Quan hệ giữa cha mẹ và con; Quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình; Cấp dưỡng; Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành đồng thời trực tiếp trao đổi các nội dung vướng mắc về Luật Hôn nhân và gia đình; hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Công an TP Móng Cái phổ biến về Luật Căn cước

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Công an TP Móng Cái phổ biến về Luật Căn cước gồm 7 chương 46 điều, và phổ biến kiến thức về 10 điểm mới Luật căn cước công dân theo đề án 06 ứng dụng VNeID có hiệu lực từ 1/7/2024. Cụ thể, chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước (Điều 3). Giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp (Điều 46): Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng; Chứng minh nhân dân 9 số hết hiệu lực từ 01/01/2025 (Điều 46): Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024; Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Điều 18): Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú; Mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19): Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 06 tuổi (Điều 23): Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi; Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (Điều 3 và Điều 30): Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên, Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 (VNeID), căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân; Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23): Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22): Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước. Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Đồng chí Cung Thị Huệ - cán bộ Phòng Y tế phổ biến các nội dung của Luật an toàn thực phẩm

Đồng thời, các đại biểu cũng đã nghe đồng chí Cung Thị Huệ - cán bộ Phòng Y tế phổ biến các nội dung của Luật an toàn thực phẩm. Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Quốc hội ban hành Luật an toàn thực phẩm gồm XI chương 72 điều theo đó phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Được biết, Hội đồng phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Thành phố sẽ tổ chức hội nghị cho 17/17 xã phường chia theo 8 cụm. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đổi mới cách làm trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và phổ biến cho nhiều đối tượng, giúp nhân dân nắm được chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.

Trần Tương
Trung tâm TT và VH
Loading...