Thực hiện Trợ giúp pháp lý tại cơ sở, ngày 22/10/2024, Trung tâm Trợ giúp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Phòng Tư pháp thành phố Móng Cái tổ chức Hội nghị Trợ giúp pháp lý tại xã Bắc Sơn theo nội dung Công văn số 351/TGPL-HCTH ngày 08/10/2024 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh
Đến dự hội nghị có các thành phần thuộc diện trợ giúp pháp lý, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người có khó khăn về nhận thức pháp luật, khó khăn về tài chính..
Tại hội nghị Trợ giúp pháp lý đồng chí Phạm Thanh Sơn – Chuyên viên Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh đã phổ biến, giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan; Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định chính sách Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người có công với cách mạng..Tại hội nghị đồng chí cũng nêu rõ quyền của người được trợ giúp pháp lý như: (1) Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; (2) Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; (3) Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; (4) Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; (5) Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý; (6) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; (7) Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông qua buổi hội nghị trợ giúp lý, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Bắc Sơn đã biết và nắm rõ quyền và nghĩa vụ, phạm vi của người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, cũng như chấp hành tốt các quy định quản lí Nhà nước ở địa phương, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương./.