“Hướng dẫn thực thi cam kết về thương mại dịch vụ logistics” tại Quảng Ninh

22/08/2024 10:34
Ngày 22/8, tại TP Móng Cái, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Hội nghị “Hướng dẫn thực thi cam kết về thương mại dịch vụ logistics”.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Trung Nghĩa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương; Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương; Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội trên địa bàn thành phố Móng Cái. 

Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu khai mạc 
Đại biểu các cơ quan QLNN, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và Doanh nghiệp tham dự 

Sau khi FTA được ký kết, khối lượng hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới tăng lên rất nhiều, đặc biệt là những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn như dệt may, da giày, thủy sản… Để thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và các nước với chi phí hợp lý và thời gian ngắn, vai trò của các doanh nghiệp logistics rất quan trọng. Đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng, vận hành và phát triển các trung tâm logistics tại Việt Nam, qua đó học hỏi kinh nghiệm và gia tăng cơ hội kinh doanh.

Bên cạnh những cơ hội mở ra thì doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vốn có ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm.

Để tận dụng cơ hội cũng như ứng phó với những thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Hội nghị “Hướng dẫn thực thi cam kết về thương mại dịch vụ logistics”

Thông qua Hội nghị, sẽ giúp các cơ quan QLNN, Doanh nghiệp nắm bắt được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua, định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, và những cam kết của ngành dịch vụ logistics trong các FTA. Trong đó, nhấn mạnh về: biến động logistics và giải pháp thích ứng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA; giải pháp kết nối doanh nghiệp dịch vụ, XNK trong quá trình tham gia các FTA trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Cam kết liên quan đến dịch vụ Logistics trong ASEAN nội khối, ASEAN – Trung Quốc: Phát triển hạ tầng Logistics để thúc đẩy đầy tư và Thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc, đánh giá về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua và khuyến nghị, định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế cho tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.

Các diễn giả trao đổi tại hội nghị 

Được biết, trong 5 năm từ 2018 – 2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022. 

Tại Quảng Ninh, việc phát triển công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịchvụ logisctic đã đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định 9 năm liên tục tăng trưởng liên tiếp hai con số, năm 2023 tăng trưởng GRDP đạt 11,03% gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước (ước đạt 5,05%), đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc; thu nhập bình quân đầu người đạt 9.500 USD, gấp đôi bình quân của cả nước và đứng đầu khu vực phía Bắc. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, tỉnh đã giữ vững thứ hạng đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong 7 năm liên tiếp (2017 - 2023). Hoạt động kinh tế biên mậu tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá giai đoạn 2018-2023 gần 15 tỷ USD; tăng trưởng bình quân đạt 10,7%. Lượng doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tương đối nhiều và đa dạng về hình thức. Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa; Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do, hàng hóa qua tỉnh Quảng Ninh đi đến hơn 30 thị trường, trong đó một số mặt hàng chủ lực như: than, hàng dệt may, linh kiện điện tử …

Hội nghị cũng là một trong những giải pháp thiết thực của Quảng Ninh trong triển khai hiệu quả Hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi cam kết liên quan đến thương mại dịch vụ Logistics, mang lại cơ hội phát triển đối với doanh nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung.

Thu Hằng - Trần Huân
Trung tâm TTVH
Loading...