'Kéo' thương nhân tới tận cơ sở sản xuất

06/11/2017 14:57
Thay vì tổ chức đàm phán tại các buổi hội thảo, tọa đàm...; Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã kết hợp với chính quyền các cấp tổ chức cho các thương nhân trong và ngoài nước đến cơ sở sản xuất bàn chuyện giao thương hàng Việt. Phương thức xúc tiến thương mại này giúp các thương nhân tiếp cận nhanh những vấn đề cần bàn thảo và đạt hiệu quả cao.

 

Doanh nghiệp An Giang giới thiệu nông sản với đoàn doanh nghiệp TP. Đông Hưng (Trung Quốc) 

Nhiều cơ hội cho nông ản An Giang

Từ ngày 29/10 - 1/11/2017, Vụ Thị trường trong nước, chính quyền TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và TP. Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã phối hợp tổ chức cho hơn 20 DN Đông Hưng và Móng Cái trực tiếp xúc tiến thương mại ngay tại đồng ruộng hai tỉnh An Giang, Bình Thuận. Sau chuyến đi thực tế, các DN đều đánh giá đạt được kết quả "nhiều hơn mong đợi". 

Ông Nguyễn Thanh Sang - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông sản GAP xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) - cho biết: HTX có 1.100 ha trồng xoài, trong đó 70ha đạt chuẩn VietGAP, nhưng sản phẩm chỉ bán được cho thương lái trong nước. "Trong chuyến làm việc với đoàn DN của TP. Móng Cái và Đông Hưng, HTX đã có những thỏa thuận bước đầu về kế hoạch sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo đơn đặt hàng của các thương nhân để xuất khẩu xoài sang thị Trung Quốc" - ông Sang cho biết. 

Ông Lâm Tiên Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty Hữu hạn đầu tư Hưng Nguyên (TP. Đông Hưng) - đánh giá: Về quy mô, diện tích, sản lượng và mẫu mã xoài của HTX mà công ty trực tiếp khảo sát đều rất tốt, giá rẻ. Tuy nhiên, HTX cần duy trì sản lượng và mẫu mã ổn định. 

"Rộng cửa" cho xuất khẩu thanh long 

Tỉnh Bình Thuận là "thủ phủ" của trái thanh long với diện tích trên 27.000 ha, sản lượng khoảng 600.000 tấn/ năm; trong đó có 9.500ha thanh long được chứng nhận VietGAP, 262ha chứng nhận GlobalGAP, gần 100 DN trồng và kinh doanh thanh long. Ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận - thông tin, thanh long Bình Thuận hiện tiêu thụ chủ yếu ở dạng trái tươi, trong đó xuất khẩu 85%, chủ yếu theo hình thức buôn bán biên mậu. Các kênh tiêu thụ thanh long trong nước đã hình thành nhưng kết nối chưa chặt chẽ. Thị trường xuất khẩu chính ngạch chưa nhiều, sản lượng thanh long xuất khẩu theo hình thức biên mậu vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, ẩn chứa nhiều rủi ro trong giao nhận, thanh toán và quản lý an toàn thực phẩm. Vì vậy, lợi nhuận thu được chưa cao. 

Lãnh đạo TP Móng Cái và lãnh đạo TP Móng Cái tham quan mô hình trồng Thanh long tại tỉnh Bình Thuận 

Tại vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam của Công ty Rau quả Bình Thuận, thương nhân TP. Đông Hưng và Móng Cái đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, cách tổ chức sản xuất của DN Việt. Sau chuyến đi thực tế, ông Võ Tính - đại diện Công ty Rau quả Bình Thuận - chia sẻ, các thương nhân Đông Hưng đã có những giao kết về sản lượng, chất lượng sản phẩm và phương thức giao hàng trong niên vụ tới. 

Dẫn đầu đoàn DN TP. Đông Hưng qua Việt Nam tìm cơ hội hợp tác lần này, ông Lý Kiện - Phó Thị trưởng TP. Đông Hưng - cho biết: "Đông Hưng hiện đã phát huy đầy đủ tiềm năng, trong đó có mô hình kinh tế biên mậu đã được xây dựng rất quy mô. TP. Đông Hưng mong muốn được hợp tác với chính quyền, các DN trong việc tiêu thụ hàng Việt và cam kết hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất để DN hai nước hợp tác trong tương lai" - ông Lý Kiện khẳng định.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Bộ Công Thương luôn ủng hộ và đồng hành cùng các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ nông - thủy sản. Bộ sẽ thực hiện thường xuyên các hoạt động kết nối cung - cầu, gắn kết thị trường giữa các vùng, miền; đưa thương nhân trong và ngoài nước trực tiếp đến với các nhà máy, vùng nguyên liệu sản xuất.

Thế Vĩnh - Thùy Dương

Loading...