Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản: Hợp tác, hiệu quả, các bên cùng có lợi

01/11/2017 14:48
Sáng 1/11, tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), UBND tỉnh Bình Thuận và UBND TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp tổ chức hội nghị “Kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông, thủy sản năm 2017”. Hội nghị nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận và tỉnh Quảng Ninh mở rộng thị trường, kết nối giao thương và phát triển bền vững.

 

Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông, thủy sản năm 2017 tại tỉnh Bình Thuận

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu về tiềm năng đầu tư, mậu dịch của các địa phương Bình Thuận, TP Móng Cái, Quảng Ninh (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc). Theo đó, mỗi địa phương đều có một sản phẩm chủ lực và thế mạnh riêng, có nhiều tiềm năng liên kết để tạo thành chuỗi cung ứng, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết: Bình Thuận là vùng đất phù hợp để phát triển nông nghiệp, có nhiều loại cây trồng có lợi thế như cao su (diện tích toàn tỉnh gần 43 ngàn ha, sản lượng mủ thu hoạch khoảng 52 ngàn tấn); điều (diện tích 17.025 ha ha, sản lượng 10 ngàn tấn/ năm…); đặc biệt Bình Thuận còn có 1 loại trái cây khá nổi tiếng, đó là trái thanh long với diện tích sản xuất và sản lượng lớn nhất so cả nước. Tính đến cuối năm 2016, Bình Thuận có trên 27.000 ha Thanh Long, trong đó diện tích cho sản phẩm gần 25.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 600.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 9.500 ha Thanh long được chứng nhận VietGAP, 262 ha chứng nhận GlobalGAP và gần 100 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, kinh doanh thanh long đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế sản phẩm. Trong 5 tháng đầu năm 2017, lượng Thanh long của cả nước xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên 500.000 tấn, trong đó lượng Thanh long xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) – Bằng Tường (Trung Quốc) khoảng 200.000 tấn (bằng 33% so cả năm 2016); qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) – Thiên Bảo (Trung Quốc) là 260.000 tấn (bằng 69% so cả năm 2016), và qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) – Hà Khẩu (Trung Quốc) là 41.000 tấn (tăng gần 27 lần so với lượng xuất cả năm 2016). Việc mở rộng những cửa khẩu để xuất hàng sang Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi để Thanh long Bình Thuận tiêu thụ sâu vào thị trường Trung Quốc.

Theo đồng chí Đỗ Minh Kính, thông qua hội nghị này, các bên có thêm nhiều thông tin hữu ích về thị trường, đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc và tìm kiếm cơ hội đầu tư, góp phần đưa nông sản Bình Thuận đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Móng Cái phát biểu tại hội nghị

Đối với TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái khẳng định: Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái có vị trí địa lý nằm ở cực Đông Bắc của Tổ quốc, có địa chính trị chiến lược là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với khu vực ASEAN và Đông Bắc Á; có nhiều tiềm năng về phát triển sản xuất, du lịch, thương mại và dịch vụ vận tải; là điểm hội tụ, cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các tỉnh, thành phố miền duyên hải phía Nam Trung Quốc, cũng như trong tiến trình hợp tác khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Ngoài ra, cửa khẩu quốc tế Móng Cái có lợi thế đặc biệt trong việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng với chi phí thấp so với các cửa khẩu trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Lợi thế này đặc biệt phát huy đối với các mặt hàng nông sản, hải sản, hoa quả...

Với thông điệp "Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái- Cửa ngõ mở ra thế giới", chính quyền địa phương luôn cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến DN, hỗ trợ, kết nối, xúc tiến, chia sẻ thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh tỉnh qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc).

Sở Công Thương Bình Thuận và UBND thành phố Móng Cái ký kết bản thỏa thuận Hợp tác kết nối, xúc tiến hoạt động kinh doanh các sản phẩm nông sản, hoa quả và thủy sản

Hiệp hội DN tỉnh Bình Thuận và TP Móng Cái ký kết bản thỏa thuận Hợp tác kết nối, xúc tiến hoạt động kinh doanh các sản phẩm nông sản, hoa quả và thủy sản

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tỉnh Bình Thuận, TP Móng Cái và TP Đông Hưng cũng đánh giá cao tiềm năng, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, hoa quả của các địa phương Bình Thuận, TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc). Đồng thời cũng tham gia nhiều vấn đề liên quan đến chi phí vận chuyển và xuất khẩu giữa cặp cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng với các cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) – Bằng Tường (Trung Quốc), Kim Thành (Lào Cai) – Hà Khẩu (Trung Quốc), Thanh Thủy (Hà Giang) – Thiên Bảo (Trung Quốc); nhấn mạnh lợi thế của cặp cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng với việc đưa vào sử dụng Cầu phao tạm km3, 4 Thành Đạt cùng bến biên mậu Đông Hưng xe ô tô có thể vận chuyển hàng đi qua… Từ đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn các ngành chức năng của 3 địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp có thể tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn vào thị trường này.

Các đại biểu tham quan vườn Thanh long của tỉnh Bình Thuận

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối, xúc tiến hoạt động kinh doanh các sản phẩm nông sản, hoa quả và thủy sản qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) giữa UBND Thành phố Móng Cái và Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, Hiệp hội doanh nghiệp TP Móng Cái và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận.

Tính đến cuối năm 2016, Bình Thuận có trên 27.000 ha Thanh Long, trong đó diện tích cho sản phẩm gần 25.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 600.000 tấn/năm.

Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương nhấn mạnh: Bộ Công Thương luôn ủng hộ và đồng hành cùng các địa phương trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng trong công tác phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản. Thỏa thuận ký kết giữa các bên là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tinh thần “hợp tác, hiệu quả, các bên cùng có lợi”.

Vi Thu
Trung tâm TT&VH Móng Cái
Loading...