Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ Quốc, Móng Cái là thành phố biên giới, cửa khẩu quốc tế có vị trí đặc biệt, chiến lược, quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của Vùng Bắc Bộ. Cùng với sự phát triển về kinh tế, thành phố Móng Cái còn được biết đến là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời.
Vùng đất Móng Cái cũng là nơi phát tích của nhiều di chỉ khảo cổ hậu kỳ đá mới, có vị trí đặc biệt trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy được kết tinh và hiện hữu trong các di sản văn hóa mà ông cha ta từ ngàn đời nay đã sáng tạo, đã bồi đắp, gìn giữ và trao truyền cho con cháu bằng trí lực, mồ hôi và cả máu xương, được cộng đồng dân cư tự nguyện cam kết gìn giữ, bảo vệ.
Theo thống kê của phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, trên địa bàn thành phố có 60 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, văn hóa phi vật thể của Móng Cái có trên 40 di sản thuộc nhiều loại hình đã được kiểm kê, phân loại.
Công tác lập hồ sơ khoa học, ghi danh di sản văn hóa phi vật thể được thành phố chủ động với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện. Đến nay, thành phố Móng Cái có các di sản văn hóa phi vật thể đã được vinh danh, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ; Lễ hội truyền thống đình Vạn Ninh; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; Hát Sóong Cọ của người Sán Chỉ. Hiện, UBND thành phố Móng Cái đang phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh triển khai lập hồ sơ đề nghị đưa 3 di sản: Hát đối giao duyên vùng biển Quảng Ninh; Lễ cầu mùa của người Sán Chỉ; Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Giai đoạn 2015 - 2025, thành phố đã triển khai công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng đối với 1 di tích Quốc gia đặc biệt (đình Trà Cổ), 2 di tích cấp Quốc gia (đền Xã Tắc, Khu di tích lịch sử Pò Hèn); 8 di tích cấp tỉnh (gồm đền Thác Mã; địa điểm lưu niệm Bác Hồ phường Trà Cổ; địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của thành phố Móng Cái; đình Bình Ngọc; đình Quất Đông; đền Thánh Mẫu; đình Dân Tiến; địa điểm ghi dấu sự kiện bác Hồ thăm trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân và sang thăm nhân dân Đông Hưng Trung Quốc năm 1960); kiểm kê, đưa vào danh mục 14 di tích lịch sử.
Đến nay, thành phố Móng Cái có 7 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là điểm du lịch gồm: Nhà thờ Trà Cổ, chùa Xuân Lan; Địa điểm thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của thành phố Móng Cái; Khu di tích lịch sử Pò Hèn, chùa Nam Thọ, đình Trà Cổ, đền Xã Tắc. Hàng năm, các di tích đón trung bình từ 6000-8000 du khách.
Việc lập, phê duyệt, thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua, công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí vốn ngân sách, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được triển khai đảm bảo theo quy định. Các dự án được triển khai theo đúng nội dung đã được các cấp có thẩm quyền phê duyêt. Giai đoạn 2015-2025, có 06 di tích được lập dự án tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng.
Thành phố hiện có trên 90% các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của thành phố được quan tâm huy động các nguồn lực thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang thường xuyên. Các di tích được tu bổ, tôn tạo đã phát huy giá trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tâm linh của nhân dân, trở thành sản phẩm du lịch văn hoá thu hút ngày càng đông khách đến tham quan, chiêm bái.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thành phố cũng chú trọng trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn, giáo dục truyền thống tại các di tích cho các học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức được trên 300 buổi ngoại khóa, trải nghiệm; gần 140 cuộc thi tim hiểu về lịch sử, văn hóa, địa danh của Thành phố, của Tỉnh với tổng số gần 30.000 lượt, học sinh và hơn 5.100 lượt giáo viên tham gia.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, TP Móng Cái luôn chú trọng đặc biệt đến công tác tôn vinh các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, các nghệ nhân có đóng góp cho thực hành, truyền dạy và phát huy các di sản văn hóa của thành phố. Từ năm 2015 đến nay, thành phố Móng Cái đã phối hợp với Sở văn hóa và thể thao Quảng Ninh tiến hành kiểm kê đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tiếng nói chữ viết, tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống…
Hoạt động truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm gắn với việc tổ chức và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Câu lạc bộ văn nghệ dân gian trên địa bàn. Trên địa bàn có 9 câu lạc bộ văn nghệ dân gian với trên 200 thành viên hoạt động hiệu quả. Các câu lạc bộ đã và đang thực hiện tốt vai trò bảo tồn các loại hình trình diễn dân gian truyền thống và phát huy các di sản gắn với phục vụ các chương trình, hội thi, hội diễn, các hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội tại địa phương. Cùng với việc tổ chức hoạt động, một số CLB đã và đang làm tốt việc sưu tầm các bài hát, điệu múa phục vụ việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tiêu biểu như: CLB hát nhà tơ – Hát múa cửa đình thôn 1, xã Quảng Nghĩa, CLB Hát nhà tơ – Hát múa cửa đình thôn Nam, xã Vạn Ninh với việc truyền dạy cho trên 40 em học sinh bậc tiểu học/CLB tham gia thực hành và trình diễn loại hình dân gian này.
Thành phố Móng Cái cũng chủ động tiến hành rà soát chính sách đối với nghệ nhân, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời đề nghị tôn vinh đối với những nghệ nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp, đóng góp tiêu biểu cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 15 nghệ nhân dân gian, trong đó có 10 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Với ý nghĩa là mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng trên địa bàn thành phố Móng Cái được coi là “Cột mốc văn hóa” trường tồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đây không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử, ghi dấu những cống hiến lớn lao của các thế hệ cha ông trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các di tích còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ngày hôm nay về lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.