Khắc phục tồn tại trong giải quyết thủ tục hành chính

16/05/2022 10:03
Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tỉnh thực hiện một cách quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Một trong những cách làm mang lại đột phá trong công tác CCHC, tỉnh đã áp dụng hiệu quả mô hình “5 tại chỗ” tại Trung tâm hành chính công (HCC) các cấp, đó là tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu tại chỗ và trả kết quả. Từ đó, đã góp phần rút ngắn từ 40% - 60% thời gian giải quyết hồ sơ TTHC so với quy định, giảm chi phí đi lại cho người dân doanh nghiệp. Cách này giảm tiếp xúc trực tiếp, ngăn chặn sự nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực, tạo sự minh bạch, tăng động lực phát triển. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC đảm bảo đúng quy trình, quy định. Các Trung tâm HCC, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) hiện đại cấp xã đều thực hiện niêm yết công khai các TTHC, các loại phí, bảng giá thu phí bằng nhiều hình thức…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại một số Trung tâm HCC và Bộ phận TN&TKQ hiện đại cấp xã vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Điều này, đã được làm rõ hơn thông qua công tác giám sát thường xuyên, đột xuất, không báo trước tại Trung tâm HCC các cấp, Bộ phận TN&TKQ hiện đại cấp xã của Đoàn giám sát Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện trong tháng 3 vừa qua, tại các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Đầm Hà và Hải Hà.

Bất cập đầu tiên là việc bố trí cán bộ phụ trách, làm việc tại Trung tâm HCC và Bộ phận TN&TKQ hiện đại cấp xã ở những địa phương này chưa đảm bảo theo yêu cầu Chỉ thị số 09/CT-UBND (ngày 11/12/2018) của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Tại thời điểm giám sát, 4 địa phương còn có lĩnh vực bố trí công chức là chuyên viên để trực, giải quyết TTHC. Trong khi, theo Chỉ thị số 09/CT-UBND, cán bộ làm việc tại Trung tâm HCC phải có kinh nghiệm công tác, có khả năng giao tiếp tốt; có chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương trở lên, có đủ thẩm quyền trực giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực khác nhau của cơ quan, đơn vị ngay tại Trung tâm.

Việc phân công Chủ tịch UBND xã chỉ đạo, phụ trách bộ phận TN&TKQ hiện đại cấp xã chưa được triển khai theo đúng quy định khi xã Dực Yên (huyện Đầm Hà), xã Hồng Thái Đông (TX Đông Triều), thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà) còn phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách.

Điều đáng nói là trong khi tỉnh đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phát huy hiệu quả mô hình chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một số cán bộ, công chức làm việc ở Bộ phận TN&TKQ hiện đại cấp xã chưa hiểu sâu sắc về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hướng dẫn người dân thực hiện; năng lực sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ còn hạn chế trong kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin giải quyết TTHC và chưa nắm chắc quy trình để giải quyết TTHC cho người dân. Điều này, khiến cho việc cung cấp, giải quyết TTHC qua dịch vụ công mức độ 3, 4 của các địa phương còn thấp, không đảm bảo theo yêu cầu của UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số toàn diện.

Điển hình như tại huyện Đầm Hà, tỷ lệ giải quyết tại TTHC huyện là 35,8%, Bộ phận TN&TKQ thị trấn Đầm Hà mới đạt 11% và ở xã Dực Yên mới đạt 16,3%. Còn tại Trung tâm HCC TX Đông Triều cũng mới đạt 44,5%. Riêng TP Uông Bí và huyện Hải Hà, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên tới trên 90%, nhưng theo Đoàn giám sát, tỷ lệ này chưa phản ánh thực chất khi vẫn còn tình trạng cán bộ làm hộ người dân hoặc sau khi đã giải quyết trực tiếp cho người dân xong, cán bộ lại đưa thủ tục lên giải quyết trên môi trường mạng để đảm bảo chỉ tiêu đã giao; việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân qua phiếu mẫu tại Bộ phận TN&TKQ hiện đại một số phường vẫn còn nặng về tính hình thức...

Tình trạng trễ hẹn, quá hạn trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp cũng là một bất cập lớn của những địa phương trong thời gian qua. Đến thời điểm giám sát cho thấy vẫn còn gần 450 hồ sơ quá hạn ở từng giai đoạn liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, Trung tâm HCC TX Đông Triều có lượng hồ sơ quá hạn lớn nhất, lên tới 330 hồ sơ; Trung tâm HCC huyện Đầm Hà là 106 hồ sơ. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, gây phiền hà cho người dân và làm giảm mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Trước những bất cập nói trên, Đoàn Giám sát cũng đã có kiến nghị, đề xuất yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của Trung tâm HCC cũng như Bộ phận TN&TKQ hiện đại cấp xã. Các địa phương phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; có giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ tích cực và thực chất hơn nữa cho người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Riêng với giải quyết các hồ sơ quá hạn, để mang đến sự hài lòng nhất cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt tăng và duy trì các chỉ số phát triển ở lĩnh vực CCHC cho tỉnh, ngoài sự nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức thì các địa phương cần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, giám sát, đốc thúc cán bộ, rà soát những hồ sơ khó để có hướng giải quyết, tránh để hồ sơ tồn đọng, chậm hạn cho người dân và doanh nghiệp.

baoquangninh.com.vn
Loading...