Khai mạc Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV

27/08/2021 10:31
Sáng 27/8, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), HĐND tỉnh khoá XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3 - kỳ họp chuyên đề năm 2021.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Quang cảnh kỳ họp.Quang cảnh kỳ họp.

* Đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận và quyết nghị thông qua các nghị quyết

8h05': Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, quyết định ban hành nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và thông qua một số chính sách đặc thù trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa quy định tại các nghị quyết của Chính phủ để hỗ trợ, động viên kịp thời các lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa trong tình huống dịch bệnh xảy ra...

Cùng với đó, để tiếp tục cụ thể hóa khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua một số chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với một số ngành, nghề thực sự cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh. Đồng thời, quyết định một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp, trong thời gian qua, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã cùng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tích cực, chủ động chuẩn bị có chất lượng các tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Chủ tọa Kỳ họp trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự Kỳ họp đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận và quyết nghị thông qua các nghị quyết.

* Chính sách cho DQTV là cần thiết và đúng thẩm quyền

9h40: Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, trình bày báo cáo thẩm tra về Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh, trình bày báo cáo thẩm tra về Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc HĐND tỉnh phê chuẩn Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chính sách cho DQTV giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Do vậy, việc HĐND tỉnh, tại Kỳ họp thứ 3 xem xét, ban hành Nghị quyết là cần thiết và đúng thẩm quyền.

Qua thẩm tra, Ban Pháp chế cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết về ban hành Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh một số nội dung về tiêu đề của dự thảo Nghị quyết; kết cấu của dự thảo Đề án; căn cứ thực hiện Đề án. Đồng thời, đề nghị bổ sung tiến độ trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo đủ 177 xã, phường, thị trấn trong năm 2021; đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá và quy định các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Đề nghị Đề án cần trích dẫn chi tiết, cụ thể các chế độ, chính sách được thực hiện đối với lực lượng DQTV theo quy định của Trung ương và của tỉnh đảm bảo thuận tiện trong việc tổ chức, triển khai Đề án. Đề nghị trong nội dung này cơ quan soạn thảo cần có đánh giá thực trạng cụ thể hơn về việc bố trí, xây dựng lực lượng DQTV ở các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự; bổ sung tiến độ thực hiện của từng năm về tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV ở các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự; đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ các quy định của Luật DQTV năm 2019, các Nghị định của Chính phủ để bổ sung phần nội dung về trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của UBND tỉnh trong nội dung của Đề án; cần rà soát để bổ sung đầy đủ tiến độ các nhiệm vụ hàng năm trong nội dung Đề án.

* Nhất trí với 3 tờ trình về chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục và chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.

+ 9h30: Bà Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh giao, gồm: Về ban hành chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021 - 2025; về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; về quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tập luyện, huấn luyện và thi đấu.

Theo đó, trong quá trình xây dựng dự thảo tờ trình, nghị quyết, cơ quan soạn thảo đã triển khai thực hiện các bước đảm bảo đúng quy trình về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ban Văn hóa-Xã hội đã tham gia ý kiến về nội dung dự thảo các Nghị quyết, đồng thời tổ chức họp thẩm tra.

Đối với dự thảo Nghị quyết về ban hành chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025, thời gian qua công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh quan tâm triển khai đạt nhiều kết quả. Trong đó HĐND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2020; chính sách thu hút, hỗ trợ học tập đối với sinh viên học các chuyên ngành tỉnh cần; chính sách hỗ trợ học nghề... Việc thực hiện các chính sách trên đã góp phần tích cực đối với việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu và cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng cho thị trường và các doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Tuy nhiên kết quả thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đối với một số ngành nghề còn chưa cao; một số ngành nghề tỉnh cần thu hút, đào tạo còn chưa có nhiều người học, số lượng lao động qua đào tạo có kỹ năng, tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ các quy định và tình hình thực tế nêu trên, việc ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021- 2025 là cần thiết và thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh.

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, việc thu các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đã được các cơ sở giáo dục công lập thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với cha mẹ học sinh nhằm phục vụ trực tiếp cho học sinh có nhu cầu trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng quy trình quản lý thu, chi dẫn đến các ý kiến phản ánh của cha mẹ học sinh.

Tại điểm b, khoản 6, điều 99 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định: HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh. Vì vậy, việc ban hành quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh sẽ tạo sự thống nhất các khoản thu và việc tổ chức thu, quản lý, sử dụng các khoản thu trong toàn tỉnh, đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thu và quản lý, sử dụng kinh phí thu từ cha mẹ học sinh góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Xuất phát từ các quy định và tình hình thực tế nêu trên, việc ban hành Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh là cần thiết và thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Đối với nội dung quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tập luyện, huấn luyện và thi đấu. Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết 141 của HĐND tỉnh đã tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao của tỉnh; thúc đẩy phong trào thể dục thể thảo tại các địa phương phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực tầm vóc con người Quảng Ninh. Ngày 26/10/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 86/2020/TT-BTC quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao. Theo đó, mức chi chế độ dinh dưỡng tại Thông tư cao hơn mức chi tại Nghị quyết 141 HĐND tỉnh. Do đó, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 141 là cần thiết. Ban cũng đồng tình nội dung dự thảo Nghị quyết quy định về số lượng, mức chi bồi dưỡng.

* Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh, cơ bản nhất trí với các nội dung thuộc lĩnh vực thẩm tra của Ban

9h20: Bà Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS), HĐND tỉnh, trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban về nhiều nội dung.

Bà Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS), HĐND tỉnh, trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban.

Cụ thể: Một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đợt 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh; phân bổ chi tiết nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021.

Theo đó, các thành viên Ban KT-NS cơ bản nhất trí với các nội dung trình của các thành viên UBND tỉnh, cho rằng đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong công tác an sinh cũng như thực hiện các dự án lớn, tạo động lực cho phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, Ban KT-NS cũng đề xuất HĐND tỉnh xem xét một số nội dung trình. Đó là xem xét lại nội dung hỗ trợ một phần tiền phòng nghỉ cho các đối tượng bắt buộc cách ly y tế tại các cơ sở lưu trú được UBND các địa phương huy động làm cơ sở cách ly tập trung trong Nghị quyết một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đối với danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đợt 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh, Ban cũng nhất trí thông qua đối với 6 dự án, công trình thu hồi đất, 1 dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, 1 dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa và 5 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, xin ý kiến chưa xem xét đối với 3 dự án không đủ điều kiện là Dự án đường hầm phân đội bộ binh cụm số 3/cụm điểm tựa số 3, Bình Liêu; dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Phượng Hoàng I tại xã Ngọc Vừng, Vân Đồn; dự án đường giao thông từ Trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng Lâm do chưa có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của địa phương.

Xin ý kiến HĐND tỉnh xem xét về một số dự án cấp bách, các dự án phát triển KT-XH nhưng còn thiếu một số thủ tục; thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Doanh trại tập trung huấn luyện lực lượng dự bị động viên và lực lượng dân quân thường trực TX Quảng Yên do dự án đang có tình trạng vi phạm về quản lý rừng nhưng chưa được cơ quan chức năng làm rõ.

* Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19

9h10: Bà Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh, trình bày Tờ trình về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bà Vũ Thị Diệu Linh, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh, trình bày Tờ trình về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong cả nước, đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh lần thứ 4 hiện nay và sự xuất hiện của biến chủng Delta đã và đang bùng phát mạnh, lây lan nhanh gây hậu quả nặng nề tại một số tỉnh, thành phố với số người nhiễm, tử vong cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tính mạng và sức khỏe nhân dân cũng như sự phát triển KT-XH. Trước tình hình đó cần thiết ban hành các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Các giải pháp đề cập các cấp, các ngành, địa phương phải xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong năm 2021. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch. UBND các cấp khẩn trương thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp phù hợp với thực tiễn diễn biến và tình hình thực tiễn của địa phương.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kịch bản chống dịch ở các quy mô khác nhau. Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát để kịp thời ngăn chặn và phát hiện sớm nhất mọi nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào trong địa bàn tỉnh từ các đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường biên giới, đường mòn, lối mở…

Thực hiện thần tốc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn, điều trị tích cực, chặn đứng nguồn lây (nếu có) để khóa chặt ca bệnh, dập tắt ổ dịch trong thời gian sớm nhất. Tiếp tục huy động xã hội hóa, triển khai chiến lược truyền thông vắc xin, quỹ vắc xin để mở rộng kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình và thời gian cụ thể.

Phát huy mọi nguồn lực, chủ động, tích cực chuẩn bị về mọi mặt đảm bảo tốt cho công tác phòng, chống dịch. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, thực hiện cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết. Đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân, triển khai ngay các chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng. Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị; phát huy hiệu quả tổ truy vết, tổ phản ứng nhanh, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng…

*Điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án công trình thu hồi đất để phát triển KT-XH

9h00: Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đợt 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo đó, thông qua Danh mục 8 công trình, dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 với tổng diện tích đất thu hồi là 72,04ha; thông qua danh mục 3 công trình, dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đợt 4 năm 2021. Trong đó: 2 công trình, dự án cần chuyển mục đích 6,18ha đất trồng lúa; 1 công trình, dự án cần chuyển mục đích 1,29ha đất rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.

Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là để thực hiện 13 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 4 năm 2021 theo quy định tại khoản 3, Điều 20, Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 1, Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, với tổng diện tích rừng đề nghị quyết định chủ trồng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 65,6ha.

Thông qua danh mục bổ sung địa điểm thực hiện dự án và điều chỉnh tên dự án đã được HĐND tỉnh thông qua tại các Nghị quyết trước đây, cụ thể: Bổ sung danh mục địa điểm thực hiện dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường Tỉnh lộ 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) tại TP Uông Bí (đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 16/7/2021) đó là phường Yên Thanh, TP Uông Bí. Điều chỉnh tên dự án Khu xen cư tại khu Tân Lập, phường Phương Đông, TP Uông Bí, đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa tại Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 thành: Khu xen cư tại khu Tân Lập, phường Phương Đông, TP Uông Bí (xây dựng hạ tầng theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà văn hóa, trường mầm non và khu xen cư tại khu Tân Lập 1, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí).

* Phân bổ nguồn vốn cho các dự án đầu tư công

+ 8h55: Ông Nguyễn Hồng Dương, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình bày tóm tắt Tờ trình về việc phân bổ chi tiết nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021.

Ông Nguyễn Hồng Dương, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình bày tóm tắt Tờ trình.

Trên cơ sở các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 đến nay chưa phân bổ chi tiết, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét phân bổ 116,202 tỷ đồng tiền tăng thu tiền sử dụng đất năm 2020 cho Dự án bồi thường GPMB để thực hiện dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1).

Phân bổ 577,155 tỷ đồng cho Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1).

UBND tỉnh cũng đề nghị HĐND tỉnh phân bổ nguồn vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán. Cụ thể, đề nghị phân bổ 21,696/157,739 tỷ đồng cho 2 dự án đã phê duyệt quyết toán còn thiếu vốn.

*Nâng chế độ dinh dưỡng cho Huấn luyện viên, vận động viên thể thao

8h50: Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, trình bày dự thảo Nghị quyết quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tập trung tập luyện, huấn luyện và thi đấu.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, trình bày dự thảo Nghị quyết quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tập trung tập luyện, huấn luyện và thi đấu.

Đây là chính sách rất cần thiết nhằm tạo năng lượng và động lực cho huấn luyện viên, vận động viên, học sinh năng khiếu thể thao phấn đấu tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao nhất, cống hiến cho đất nước, cho tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng của Nghị quyết là huấn luyện viên, vận động viên Đội tuyển năng khiếu thể thao tỉnh; huấn luyện viên, vận động viên Đội tuyển thể thao cấp huyện.

Với các đối tượng này, chế độ dinh dưỡng trong thời gian tập luyện, huấn luyện sẽ được nâng lên 150.000 đồng/người/ngày, thay vì 130.000 đồng/người/ngày như mức hưởng tại Nghị quyết 141/2018/NQ-HĐND năm 2018 như trước kia. Chế độ dinh dưỡng trong thời gian tập trung thi đấu cũng được đề xuất nâng lên 240.000 đồng/người/ngày thay vì 220.000 đồng/người/ngày như trước.

Tổng kinh phí khái toán khoảng 23 tỷ đồng/năm, tăng hơn so với Nghị quyết năm 2018 là 3 tỷ đồng/năm.

*Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục

08h40: Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trình bày Tờ trình về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày Tờ trình về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh.Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trình bày Tờ trình về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định tại Điểm b, khoản 6 Điều 99 của Luật Giáo dục năm 2019, HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh là phù hợp nhu cầu thực tiễn.

Các khoản thu dịch vụ phục vụ bao gồm: Khoản thu tổ chức bán trú tại trường; khoản thu phục vụ nước uống cho học sinh; khoản thu giáo dục mầm non ngoài giờ học quy định (đón sớm, trả muộn, trông giữ trẻ em ngày thứ Bảy; chăm sóc, giáo dục trẻ em tại trường trong hè); khoản thu tổ chức học thêm cho học sinh; hoạt động khác sau giờ học chính thức (tiểu học); khoản thu chi phí sử dụng máy điều hòa lớp học phục vụ học sinh; khoản thu trông giữ phương tiện tham gia giao thông của học sinh; hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường; ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với việc tổ chức thu, chi: Vào đầu năm học, cơ sở giáo dục trình cơ quan quản lý trực tiếp theo phân cấp phê duyệt khoản thu, mức thu làm căn cứ để công khai và tổ chức thu theo quy định; thời điểm thu, số lần thu phải phù hợp với nhu cầu chi và khả năng đóng góp của cha mẹ học sinh. Vào cuối học kỳ, cuối năm học, cơ sở giáo dục quyết toán chi từng khoản thu, thông báo công khai với cha mẹ học sinh và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp. Khuyến khích cơ sở giáo dục huy động các nguồn thu hợp pháp để miễn, giảm cho các đối tượng học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

* Góp phần loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ

- 8h35’- Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Công an tỉnh trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị ban hành Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC nhằm góp phần loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Công an tỉnh trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị ban hành Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 52 cơ sở được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực thi hành, đến thời điểm hiện tại không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC. Các cơ sở này đã tồn tại nhiều năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản; việc thực hiện Nghị quyết sẽ tạo điều kiện an toàn trong phòng cháy và chữa cháy, góp phần loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Những nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết: Mục đích là quy định biện pháp xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực (04/10/2001). Đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết là cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ các cơ sở được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực, không đáp ứng một trong các yêu cầu quy định.

Những nội dung quy định việc xử lý đối với cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước ngày 04/10/2001 như: Các cơ sở phải khắc phục các nội dung tồn tại về điều kiện PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành; những nội dung không thể thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép áp dụng các biện pháp thay thế trên cơ sở được cơ quan chuyên môn về PCCC xem xét, gồm: Giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Khoảng cách an toàn về PCCC; Lối thoát nạn; Ngăn chặn cháy lan; Các hệ thống kỹ thuật.

Đối với các cơ sở không thể khắc phục được điều kiện an toàn PCCC bắt buộc phải thay đổi tính chất sử dụng phù hợp với điều kiện an toàn PCCC của công trình hoặc xem xét dừng hoạt động…

* Để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp

8h25: Đồng chí Lê Văn Long, Ủy viên UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị ban hành Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ (DQTV) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đồng chí Lê Văn Long, Ủy viên UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, báo cáo tóm tắt tờ trình.Đồng chí Lê Văn Long, Ủy viên UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, báo cáo tóm tắt tờ trình.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng lực lượng DQTV đảm bảo số lượng, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy chất lượng chính trị là chính; tổ chức biên chế tinh gọn, chặt chẽ; được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực; khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ngày càng cao; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Nội dung của đề án gồm: Tổ chức, biên chế; tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, hội thi, hội thảo, diễn tập DQTV; hoạt động của DQTV; bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, cơ sở vật chất, huấn luyện DQTV; bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV. Kinh phí thực hiện Đề án gồm kinh phí địa phương, kinh phí doanh nghiệp và kinh phí Quốc phòng, Chính phủ.

Các giải pháp thực hiện Đề án là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền; sự chỉ huy thống nhất của Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng lực lượng DQTV. Người đứng đầu các cơ quan tổ chức được giao nhiệm vụ phải tích cực, chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương mình.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về xây dựng lực lượng DQTV. Quan tâm phát triển đảng viên mới trong lực lượng DQTV, xây dựng chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn vững mạnh. Thường xuyên kiện toàn Ban CHQS cấp xã, Ban CHQS cơ quan, tổ chức; xây dựng lực lượng DQTV đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân thường trực, dân quân cơ động, DQTV ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng. Đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng huấn luyện và hoạt động của lực lượng DQTV. Bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách cho lực lượng DQTV theo quy định. Bảo đảm cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng DQTV, trước hết là lực lượng dân quân thường trực, dân quân cơ động, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng.

Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ bảo đảm chất lượng đúng tiến độ, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, phát huy những mặt tích cực, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm theo quy định của pháp luật.

* Nhiều chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút nhân lực tại các trường ĐH, CĐ

8h20: Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, báo cáo trước HĐND tỉnh tờ trình về việc ban hành Nghị quyết Quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường CĐ Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường CĐ Y tế Quảng Ninh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, báo cáo trước HĐND tỉnh tờ trình về chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút nhân lực tại các trường ĐH, CĐ.

Theo đó, để thu hút học sinh sinh viên vào học tập tại Đại học Hạ Long, ngoài các chính sách theo Nghị quyết 187/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh năm 2019, sẽ bổ sung thêm đối tượng sinh viên được thưởng đầu vào đối với các học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và kỳ thi KHKT cấp quốc gia; bổ sung 1 ngành đào tạo được hỗ trợ là ngành Ngôn ngữ Trung và bổ sung thêm nhóm đối tượng được hỗ trợ là sinh viên có đăng ký thường trú tại Quảng Ninh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, xã khu vực 1 vùng DTTS, miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an. Đồng thời, hỗ trợ tiền lương, 100% học phí khi học lấy bằng thạc sỹ, tiền nhà ở sau khi được bổ nhiệm làm giảng viên đối với các sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung loại giỏi trở lên tại Trường ĐH Hạ Long được tuyển dụng làm trợ giảng tại trường.

Ngoài ra cũng xây dựng mức hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập; thưởng cho HSSV có thành tích học tập đạt loại giỏi; hỗ trợ tìm việc làm; chỗ ở miễn phí tại KTX hoặc tiền thuê nhà cho học sinh, sinh viên học hệ chính quy trình độ trung cấp, cao đẳng các nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh tại Trường CĐ Việt-Hàn Quảng Ninh. Cùng với đó là hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn, chi phí học tập nếu là sinh viên có đăng ký thường trú tại Quảng Ninh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tốt nghiệp các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh, thuộc xã khu vực 1 vùng DTTS, miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an. Học sinh, sinh viên là các đối tượng khác được hỗ trợ tiền đóng học phí hàng tháng bằng mức học phí phải nộp. Đối với giảng viên, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất mức hỗ trợ cụ thể để thu hút giảng viên có bằng tốt nghiệp thạc sỹ và chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 3 trở lên; hỗ trợ các giảng viên của Nhà trường được cử đi đào tạo nghề để đạt trình độ thạc sỹ và chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 3 trở lên của các nghề: Cắt gọt kim loại, hàn, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, công nghệ ô tô.

Đối với Trường Cao đẳng Y tế, hỗ trợ học sinh, sinh viên học chính quy trình độ trung cấp, cao đẳng các nghề y học cổ truyền, điều dưỡng mức hỗ trợ 600 nghìn đồng/tháng đối với các học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tốt nghiệp các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh, thuộc xã khu vực 1 vùng DTTS, miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 21 điểm trở lên hoặc có điểm học tập và điểm rèn luyện trong học kỳ đạt loại khá trở lên. Học sinh, sinh viên các ngành này sau khi tốt nghiệp về làm việc sau 12 tháng có cam kết làm việc từ đủ 36 tháng trở lên tại các xã khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/người.

Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho giai đoạn 2021-2025 và kéo dài cho các đối tượng thụ hưởng đến năm 2029 là 233,7 tỷ đồng, bình quân 28,1 tỷ đồng/năm. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách tỉnh. Trong đó, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên và thu hút nhà giáo làm việc tại Trường Đại học Hạ Long là 127,2 tỷ đồng; hỗ trợ học sinh, sinh viên và chính sách thu hút nhà giáo làm việc tại Trường CĐ Việt - Hàn Quảng Ninh là 97,35 tỷ đồng; hỗ trợ học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh 15,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ 1/9/2021.

* Hỗ trợ, động viên kịp thời công tác phòng, chống dịch Covid-19

08h10’: Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, trình bày Tờ trình về việc quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính trình bày Tờ trình về việc quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, trình bày Tờ trình về việc quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong gần 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện đầy đủ mọi giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh trong từng thời điểm; nắm chắc và dự báo đúng tình hình, chỉ đạo, triển khai và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại cơ sở, nhất là các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh với quan điểm “phòng là chính, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên, hàng ngày, cơ bản, chiến lược lâu dài, có ý nghĩa quyết định; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”…, qua đó giữ được địa bàn an toàn, đảm bảo sức khỏe nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế.

Trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực chi hỗ trợ cho những người tham gia công tác phòng, chống dịch theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Trung ương. Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch ngày một phức tạp, kéo dài và để đảm bảo hỗ trợ, động viên kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh báo cáo, trình HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, bổ sung đối tượng được hưởng bồi dưỡng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 từ ngân sách nhà nước (ngoài tiền lương, chế độ phụ cấp đối tượng được hưởng theo quy định), bao gồm người làm nhiệm vụ phân luồng (đo thân nhiệt, vào sổ khai báo y tế, sàng lọc hô hấp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập); người được cơ quan có thẩm quyền huy động làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát liên hợp Km15 (Móng Cái) và các trạm/chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh; các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu giáp ranh và trên các tuyến biển, tuyến sông được UBND 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) thành lập trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước theo địa bàn; các thành viên tổ cơ động do UBND các cấp quyết định thành lập được phân công thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; cán bộ, nhân viên y tế; học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh được UBND cấp tỉnh, huyện huy động để phòng, chống dịch.

Hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với các đối tượng phải xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, huyện nhưng chưa được quy định cụ thể về hỗ trợ chi phí để thực hiện xét nghiệm tại các Nghị quyết số 16, 18 của Chính phủ hoặc không tự nguyện bỏ chi phí xét nghiệm; hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người thực thi nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép, vận chuyển phạm nhân… phải thực hiện cách ly tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người cách ly tại khu vực phong tỏa trong thời gian phong tỏa; hỗ trợ mai táng phí (người làm nhiệm vụ trực tiếp tham gia các hoạt động mai táng và hỏa táng đối với người chết do mắc Covid-19; chi phí hỏa táng, mai táng thi hài người chết do mắc Covid-19).

Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ trên 148 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện, xã theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 326/NQ-HĐND tỉnh ngày 8/2/2021 của HĐND tỉnh về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh.

baoquangninh.com.vn
Loading...