Bình Ngọc, mảnh đất nắng gió, mặn mòi hương biển nên từ lâu củ khoai lang bình dị đã trở thành hương vị gắn bó với đời sống người dân nơi đây. Có lẽ nhờ cái nắng gió, cái mặn mòi hương biển nên khoai lang trồng ở vùng đất này mang hương vị khác hẳn với khoai lang vùng miền khác: dẻo, bùi, ngọt đến chiều lòng người.
Giống khoai lang ở Bình Ngọc là loại khoai lang vỏ tím đỏ, ruột vàng nghệ, có hình dạng giống củ sâm, được trồng trên đất pha cát. Khoai có hương vị đặc biệt có thể do một phần ở cách trồng. Đất làm sạch cỏ, tơi xốp, kéo thành luống, đánh rạch. Trước khi trồng người dân rải một ít lá mắm, muối hoặc lớp đất màu trên bề mặt cùng với phân trâu phơi khô, đốt và đánh tơi lót cho cây. Dây giống không quá non cũng không quá già, là đoạn dây bánh tẻ, cắt khúc chừng 20 cm, đặt cách đều nhau trên luống và phủ đất ngập hai phần ba dây khoai.
Khoai là cây thời vụ, thường thì vụ chính ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, vào khoảng tháng chín, tháng mười, đôi khi trồng muộn vào đầu tháng mười một. Thời gian sinh trưởng của khoai từ bảy lăm đến tám mươi ngày. Khi dây khoai cằn lại, nhiều lá ngả vàng là đến mùa thu hoạch. Người dân cắt dây sát gốc, vạc đất hai bên luống, củ lộ ra nần nẫn, líu ríu như đàn chuột, nhựa trắng đục, keo đặc đầu cuống. Còn gì tuyệt vời hơn những trưa hè được xì xụp bát cháo khoai. Cái hương vị ngòn ngọt, bùi bùi lan toả nơi đầu lưỡi. Một chút thơm thơm, dìu dịu đan xen tinh tế làm người ta cứ muốn mãi đắm chìm. Ngày xưa, gạo không nhiều, khoai ăn thay cơm. Ngày nay số gia đình trồng khoai ít hơn trước, khoai cũng trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.
Khoai lang Bình Ngọc có thể luộc, hấp, nướng, nấu chè, làm bánh, nấu cháo,...nhưng ngon nhất là khoai nướng. Khoai được bới về, để một thời gian nơi khô thoáng, không bị mọc mầm. Khi khoai hết độ căng mọng, nhìn như héo lại đó là lúc khoai ăn ngon nhất. Bỏ lớp vỏ mỏng, cắn một miếng, nhâm nhi với nước chè vàng sánh mới thấy hết được cái vị bùi bùi của mưa nắng, vị ngọt mát của đường phèn, vị dẻo của mạch nha non, mới thấy hết được cái thảo thơm của đất trời, cái cần cù của bàn tay người lao động. Những ai đã ăn khoai Bình Ngọc đều cảm thấy là lạ, quen quen.
Quen cái nắng, cái gió, cái hương vị đất trời, cái tảo tần của người lao động. Lạ cái vị mặn mòi, cái thảo thơm của vùng đất biên cương. Khoai về xuôi, ra thành phố. Khoai là món quà mà người dân quê tôi muốn gửi đến muôn khách gần xa. Khoai Bình Ngọc mộc mạc, dân dã, là món quà quê giản dị thân thương, thảo thơm ngọt bùi như chính tình người nơi địa đầu Tổ quốc!