Cũng như bao ngôi đền khác của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ, đền Thánh Mẫu được xây dựng để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, là nơi để nhân dân đến dâng hương và là nơi để giữ gìn và nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một truyền thống văn hóa dân gian có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, người Việt Nam thờ Mẫu cũng chính là thờ mẹ. Theo quan niệm của dân gian thì Mẫu còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và sự trù phú, Mẫu còn là người mẹ tâm linh luôn phù hộ độ trì cho con người gặp nhiều may mắn, giúp con người có sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống... Trải qua quá trình hình thành, phát triển và sự bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, dân tộc ta đã hình thành nên tục thờ Nữ thần, Mẫu thần và Thánh Mẫu. Sau này xã hội chuyển sang chế độ phụ hệ thì vai trò của người phụ nữ vẫn được đề cao, nhân dân coi thờ Mẫu như là biểu tượng của cội nguồn dân tộc.
Theo lời kể đã được lưu truyền trong nhân dân địa phương từ nhiều đời nay vào giữa đêm ngày 22 tháng 3 (âm lịch) cách đây khoảng 400 năm, đúng vào lúc mưa giông sấm chớp, bỗng thấy có vầng sáng từ phía Đông tiến gần vào đất liền, đến chỗ giếng nước ngọt của cả làng thì dừng lại, trời bỗng ngớt mưa, sấm chớp cũng dừng. Các hộ thuyền chài neo đậu tại bến thuyền và dân làng thấy điềm lạ bèn cùng nhau ra đó xem xét sự tình thì thấy có bức tượng người con gái trôi dạt vào gần giếng.
Cho rằng đây là sự lạ, với tâm niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, mọi người bèn bàn nhau lập ngôi đền nhỏ ngay cạnh giếng làng rồi mang bức tượng người con gái ấy đem vào thờ cúng.
Từ ngày lập đền, hương khói phụng thờ, bà con thấy cuộc sống lênh đênh trên biển trước đây được bình yên, tránh được những thiên tai của đất trời, tôm cá đầy thuyền, xuôi ngược bình an. Không những thế, Bà còn phù hộ xóm làng ngày càng phồn thịnh, người dân mua may bán đắt... cuộc sống của nhân dân ngày càng khấm khá. Vì vậy, nhân dân suy tôn bà là Thánh Mẫu và lập đền thờ Bà. Hình ảnh bà Thánh Mẫu trong tâm trí người dân Trà Cổ là người phụ nữ phúc hậu, xinh đẹp, hiền lành, đức độ, tài năng, phù hộ độ trì cho những người đi biển được bình an, may mắn., ban ân thí phúc cho miền đất biên cương của Tổ quốc.
Ơn trời ban phúc che chở cương giới trên biển dài lâu
Đức bà Thiên Hậu thấm đẫm khắp đất Trà Cổ.
Trải qua biết bao thế hệ, đền Thánh Mẫu là ngôi đền rất linh ứng, đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người dân Trà Cổ. Những chuyến ra khơi đánh cá, những đêm vó đèn ngoài biển, những giờ phút động trời mọi người đặt lòng tin vào Mẫu, cầu mong Mẫu phù hộ độ trì cho giông tố sẽ tan đi, biển lại bình yên, những con thuyền lại đầy ắp tôm cá, cuộc sống lại ấm no, tiếng cười, tiếng nói rộn vang. Vì vậy, đền Thánh Mẫu nơi đây được nhân dân trong vùng hết lòng tôn kính, tin tưởng, tháng ngày hương khói phụng thờ.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi thì ban đầu khởi dựng đền Thánh Mẫu chỉ là ngôi đền nhỏ, diện tích khoảng 10m2, nằm cạnh gốc cây nhãn cổ thụ, gần với giếng nước của làng, nơi dân làng thấy tượng trôi vào. Đền được xây bằng vách đất, nền đầm, mái lợp gianh. Tuy nhiên, do ở khu vực thấp nên mỗi khi nước triều dâng cao hay mỗi khi trời nổi bão thì toàn bộ đền đều ngập trong nước.
Do vậy, đến khoảng năm 1930 - 1932, dưới sự huy động của ông Bá Châu (là Bá hộ của làng) dân làng đã xin phép di chuyển đền đến dông đất cao hơn, cách đền cũ 50 mét về phía Tây, đây cũng chính là vị trí đền hiện nay. Lúc này, đền Thánh Mẫu được xây dựng kiên cố bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, đầu hồi bít đốc, với diện tích khoảng 20m2, kiến trúc hình chữ Khẩu (口), quay hướng Tây Bắc, gồm: Bái đường, Hành lang và hậu cung, tại hậu cung đặt một khám thờ bằng kính, trong là tượng Thánh Mẫu. Tại vị trí cũ của đền, dân làng xây một ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Thánh Mẫu tiền ngự.
Đến năm 1936, do nhân dân đến lễ tại đền ngày một đông, đền dần trở nên chật hẹp. Cụ Bá Châu tiếp tục đứng ra huy động nhân dân tôn tạo lại đền giữ nguyên gian Hậu cung, xây nới rộng gian Bái đường về phía trước, đây cũng chính là hiện trạng của gian Bái đường đền Thánh Mẫu hiện nay.
Năm 2006, tiến hành tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục của đền: giữ lại gian hậu cung trước đây, xây dựng mới gian Hậu cung nối tiếp song song với Hậu cung cũ được xây dựng năm 1932, hậu cung cũ trước đây nay trở thành nơi hành lễ và lợp lại toàn bộ phần ngói của gian Bái đường.
Đền Thánh Mẫu đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, đền gồm những hạng mục chính: Nghi môn, đền, nhà khách, miếu Thánh Mẫu tiền ngự, miếu Thần linh, miếu bà chúa Năm phương, lầu Thánh Mẫu, Giếng nước và một số hạng mục phụ trợ khác.
Khuôn viên xung quanh đền trồng nhiều cây cổ thụ, đặc biệt có những cây có đường kính hai người ôm như: cây gạo, cây chay, cây si… bốn mùa xanh mát, rợp bóng quanh năm, tạo nên điểm nhấn khác biệt giữa đền Thánh Mẫu với các di tích khác. Đền Thánh Mẫu ở vị thế “Vọng thủy” phía trước đền là mênh mông biển trời rộng lớn. Với địa thế độc đáo, đền Thánh Mẫu được xem là điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch văn hóa tâm linh của phường Trà Cổ nói riêng và Thành phố Móng Cái nói chung.
Đền Thánh Mẫu không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của cả nhân dân địa phương mà còn là địa điểm tín ngưỡng của rất nhiều người dân ở những địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Đền còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị 02 đại tự và 03 đôi câu đối có niên đại thời Nguyễn (thế kỉ XIX). Đây là những hiện vật có giá trị minh chứng sự tồn tại của đền Thánh Mẫu trong lịch sử, đồng thời chứng tỏ giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đền linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian cũng với sự giữ gìn tiếp nối của nhân dân nơi đây lễ hội đền Thánh Mẫu đã trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng cao của nhân dân địa phương. Hàng năm, vào dịp lễ hội, người dân địa phương mỗi người mỗi việc tham gia vào các khâu chuẩn bị tổ chức cho lễ hội. Nhiều người dân đi làm ăn xa, không trở về nhà vào dịp Tết nguyên đán đều nhân dịp này trở về quê hương để lắng đọng những tình cảm và thêm yêu quê hương yêu Tổ Quốc.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu; Hàng năm tại đền Thánh Mẫu, vào dịp Thánh Mẫu giáng sinh vào vùng đất Trà Cổ (ngày 22 tháng 3 âm lịch) nhân dân tổ chức lễ hội từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 3 (âm lịch). Lễ hội đền Thánh Mẫu được tổ chức gồm hai phần phần lễ và phần hội. Phần lễ mang yếu tố truyền thống lưu truyền từ xưa và phù hợp với thuần phong mỹ tục và mang tính chất riêng biệt vùng miền. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của nhân dân phường Trà Cổ, Thành phố Móng Cái hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời nhắc nhở cháu con thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn khắc ghi ơn đức của các bậc tiền nhân. Lễ hội đền Thánh Mẫu đã góp phần lưu truyền tinh hoa văn hóa giàu bản sắc địa phương, mang đậm tính chất vùng miền, giúp con cháu nhớ về cội nguồn, nhớ về lịch sử dân tộc.
Đền Thánh Mẫu là hình ảnh của mảnh đất và con người Trà Cổ nói riêng, Móng Cái nói chung, là nơi tôn thờ, gửi gắm ân tình, lòng tri ân sâu sắc của những thế hệ con cháu người dân Trà Cổ với tổ tiên, với những người có công với làng, với nước từ ngàn xưa tới nay, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tăng cường ý thức cộng đồng, tạo thành sức mạnh để chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng mọi kẻ thù trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển quê hương, đất nước.
Đền Thánh Mẫu cùng với một hệ thống di tích trên địa bàn phường Trà Cổ của thành phố Móng Cái như đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, đình Đông Thịnh, Đình Tràng Vỹ… là biểu trưng cho văn hóa Việt Nam là “Cột mốc văn hóa” trường tồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc. Với cảnh quan rộng rãi, không gian thoáng đãng đền Thánh Mẫu không chỉ là một điểm văn hóa tâm linh mà còn là một địa điểm hấp dẫn du khách khi tới du lịch tại thành phố Móng Cái. Với tầm quan trọng và giá trị lịch sử văn hoá đó, ngày 18/1/2023, Đền Thánh mẫu đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 166/QĐ-UBND, đây là sự ghi nhận dấu tích lịch sử và niềm tự hào của Trà Cổ nói riêng và Thành phố Móng Cái nói chung luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới tham dự và chiêm bái.
Mời bạn đến với Lễ hội đền Thánh Mẫu năm 2023 để cùng thành tâm chiêm bái và lắng đọng về tình yêu đối với quê hương đất nước nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ Quốc./.