Lễ hội đình Bình Ngọc: Gìn giữ cho muôn đời sau

03/07/2021 23:36
Đình Bình Ngọc đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 2469/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 xếp hạng di tích cấp Tỉnh đối với Di tích Lịch sử Đình Bình Ngọc.

Thực hiện lế lễ tại lễ hội đình Bình Ngọc

Đình Bình Ngọc được gọi theo tên đơn vị hành chính của xã Bình Ngọc xưa kia thuộc xã Trà Cổ. Năm 1910, đời vua Duy Tân thời Nguyễn, xã Trà Cổ được chia tách thành hai đơn vị hành chính là xã Trà Cổ và xã Bình Ngọc, từ đó nhân dân Bình Ngọc rước chân hương của các vị thành hoàng ở Đình Trà Cổ về xây dựng Đình để phụng sự thành hoàng và Đình được đặt tên theo tên gọi của xã là Đình Bình Ngọc.

Đình Bình Ngọc là công trình kiến trúc văn hóa được nhân dân xây dựng để phụng thờ thành hoàng làng và là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của dân cư. Đình thờ các vị thành hoàng làng gồm: hai vị nhân thần là Không Lộ và Giác Hải; các vị thiên thần gồm Bạch điểm tước, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch và Ngọc Sơn. Ngôi Đình tồn tại khoảng 70 năm đến năm 1968 và năm 1972 do chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi Đình đã bị tàn phá. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Đình đã bị hư hỏng nhưng các di vật cổ có giá trị về văn hóa nghệ thuật vẫn được nhân dân gìn giữ trân trọng. Năm 2016 UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 “V/v phê duyệt dự án khôi phục di tích Đình Bình Ngọc, phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh”. Năm 2017, phường Bình Ngọc đã tiến hành khởi công xây dựng phục hồi lại Đình làng, trải qua 2 năm thi công, năm 2019 ngôi Đình chính đã được xây dựng xong, Đình Bình Ngọc ngày nay được xây dựng đúng tại vị trí Đình cũ trước đây thuộc khu 3, phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái - Tỉnh Quảng Ninh.

Đình Bình Ngọc được xây dựng vào thời Nguyễn, kiến trúc kiễu chữ đinh (J) gồm 5 gian hai chái bái đường và 3 gian hậu cung. Cấu kiện nội thất của bái đường gồm 12 cây cột cái to chắc, sơn son thếp vàng và 20 cây cột quân. Các cột đều bằng gỗ lim kê trên đá tảng. Mái lợp ngói mũi hài thời Nguyễn. Trên bờ cóc đắp lưỡng long chầu nhật, bốn gốc mái đắp đầu đao con guột uốn cong hình rồng tạo cho mái đình nét uyển chuyển mềm mại. Trải qua bao đổi thay, thăng trầm của thời gian và lịch sử, đình Bình Ngọc ngày nay đã được phục dựng lại khang trang và bề thế như hiện nay.

Hàng năm, làng Bình Ngọc tổ chức lễ hội làng vào ngày 30/5 âm lịch và 1/6 (âm lịch) gồm các phần lễ và phần hội. Lệ của làng là mỗi năm chọn mười hai ông cai đám với các tiêu chuẩn khoẻ mạnh, có độ tuổi từ 32 đến 35, trong thời gian được chọn làm cai đám phải giữ mình trong sạch tinh khiết, không vi phạm pháp luật. Ngay từ đầu năm, mười hai ông cai đám bắt đầu nuôi một con lợn để chuẩn bị thi. Từ khi nuôi, mọi nguời không được gọi là lợn phải gọi là “Ông voi”, phải dọn chuồng thật sạch sẽ, luôn nâng niu chăm sóc “Ông voi” chu đáo. Hàng xóm và dân làng cũng luôn lui tới giúp gia đình các cai đám trông nom các ông voi, do đó tình làng nghĩa xóm càng thêm khăng khít và kinh nghiệm chăn nuôi cũng được truyền đạt cho nhau. Ngày 30 tháng 5 âm lịch, Ông voi được tắm nước lá thơm, trang điểm cho ông voi bằng phẩm và vải điều rồi các ông đám trang phục chỉnh tề, mặc áo dài đội khăn xếp khiêng cũi Ông voi (cũi cũng phải sơn màu đẹp) ra đình và để các Ông voi ở lại đó suốt đêm.

Chấm thi ông Voi tại lễ hội đình

Gia đình ông Cai đám và Ông Voi 

Ngày 1 tháng 6 các vị chức sắc trong làng sẽ chấm thi các Ông voi, xem Ông nào to nhất, khoẻ nhất, đẹp mã nhất thì đạt giải. Chấm thi xong, sẽ đem lợn về mổ làm cỗ mời quan viên nhân dân trong làng. 10 giờ sáng ngày 1 tháng 6 các quan viên lớn nhỏ trong làng phải có mặt để chuẩn bị tiến hành lễ. Các ông cai đám khăn áo chỉnh tề, chuẩn bị lễ và rượu đề làm lễ. Lễ vật đựơc rước ra miếu ông Cầu và trở về đình cúng tế. Trong lễ hội đình Bình Ngọc thường diễn ra các lễ như Lễ mộc dục; Rước mâm hoa quả và cây đèn thần; Rước Ông voi ra Đình chầu thần; Lễ Thỉnh sinh; Rước kiệu nghênh Thần; Lễ an vị; Đóng cây cai đám, Gọi sổ bìa xanh. Rước và tế cỗ của cai đám đương nhiệm; Lễ cất cây cai đám, gọi danh sách các cai đám mới. Rước và tế cỗ của ông đám mới và Lễ tống đăng. Ngoài việc tế lễ trong đình, ở sân đình phần hội có tổ chức nhiều trò chơi như Hát ả đào, đánh cờ người, tổ tôm điếm, đi cà kheo…

Lễ rước kiệu nghênh thần

Lễ rước mâm hoa quả và trao thưởng cho 12 ông cai đám

Đình Bình Ngọc là công trình kiến trúc văn hóa được nhân dân xây dựng để thờ thành hoàng làng và các vị tiền nhân có công khai phá và giữ nước; đình còn là trung tâm sinh hoạt chính trị, xã hội văn hóa của cộng đồng dân cư. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đổi thay của thời gian, đình Bình Ngọc ngày nay vẫn còn lưu giữ được các di vật cổ có giá trị về văn hóa nghệ thuật và vẫn được nhân dân trân trọng giữ gìn. Ngôi Đình hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam, đậm chất văn hóa của người Việt, ngôi đình như một cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa của Việt Nam nơi biên ải. Đặc biệt, lễ hội truyền thống đình Bình Ngọc không chỉ là dịp tôn vinh các vị anh hùng dân tộc có công với đất nước mà còn là nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống lịch sử, bồi đắp tình yêu nước và gìn giữ những giá trị vô giá về tinh thần cho muôn đời các thế hệ mai sau.

Đến hẹn lại lên, đã thành thông lệ truyền thống vào ngày 30/5 và 1/6, 2/6 âm lịch sắp tới, du khách thập phương và nhân dân gần xa hãy đến với lễ hội đình Bình Ngọc để được trở về với những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa mãi còn trường tồn với thời gian nơi địa đầu Tổ Quốc./.

(Ảnh trong bài sử dụng ảnh tư liệu và ảnh do UBND phường Bình Ngọc cung cấp).

Trần Tương
Trung tâm TT và VH
Loading...