Lễ hội Đình Bình Ngọc, nét đặc sắc văn hóa vùng biển Đông Bắc

19/07/2020 14:35
TP Móng Cái nằm ở cực Đông Bắc Tổ Quốc, nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, lễ hội truyền thống gắn với phong tục tập quán của cư dân miền biển nơi đầu sóng ngọn gió nhưng vẫn mang đậm sắc thái của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với Lễ hội Đình Trà Cổ, Lễ hội Đình Bình Ngọc được người dân lưu truyền, trở thành một nét văn hóa đặc sắc nơi địa đầu Tổ Quốc.

Đình Bình Ngọc hình thành cùng với quá trình Bình Ngọc tách ra khỏi Trà Cổ để thành lập xã Bình Ngọc vào đầu thế kỷ XX. Vào khoảng năm 1910, Đình Bình Ngọc được xây dựng. Từ thuở đó, người Bình Ngọc đã có những sinh hoạt văn hóa đặc sắc và đậm nét văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Bộ, trong đó, hoạt động tiêu biểu là Lễ hội Đình hàng năm.

Ngôi đình là nơi chứng kiến thăng trầm của lịch sử qua các thời kỳ, gắn liền với cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân, minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên viễn, cũng như công cuộc gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta. Sự tồn tại của những di tích có giá trị như những “cột mốc văn hóa” trường tồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.

Trải qua những biến động của tự nhiên và xã hội, ngôi đình cũ không còn. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Đình Bình Ngọc hiện nay đã được phục dựng và Lễ hội Đình Bình Ngọc được bảo tồn, phát huy.

Lễ hội Đình Bình Ngọc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 30/5 đến ngày 2/6 âm lịch

Hàng năm, Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 30/5 đến ngày 2/6 âm lịch với nhiều nghi lễ truyền thống được truyền lại, tiêu biểu như trong chính hội, làng tổ chức đám rước thần. Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển như tôm, cua v.v.. thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên năm qua đã phù hộ cho mạnh khoẻ, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Trong những ngày hội sẽ tổ chức Thi Ông Voi, các chương trình văn hóa văn nghệ trò chơi dân gian, thể hiện sâu sắc tinh thần quần tụ làng xã. Tất cả tạo nên nét đặc sắc riêng có của cư dân miền biên viễn, thể hiện sự tôn kính các Thành hoàng Làng, tri ân Tiên, tổ, thể hiện lòng biết ơn của con người với các vị phúc thần, thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia xây dựng, bảo vệ quê hương nơi địa đầu Tổ quốc và gửi gắm khát vọng sống, lao động, sản xuất mang lại ấm no, hạnh phúc đủ đầy của cư dân miền biển Bình Ngọc.

Thông qua các hoạt động tại Đình Bình Ngọc và Lễ hội Đình Bình Ngọc đã góp phần nâng cao lòng tự hào về truyền thống dân tộc của nhân dân, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó xây dựng tình đoàn kết trong nhân dân, quyết tâm đóng góp công sức xây dựng quê hương giầu đẹp, Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân và cả cộng đồng trong việc bảo tồn giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Di tích đình Bình Ngọc, Lễ hội Đình Bình Ngọc cùng với các di tích, lễ hội khác ở Móng Cái… là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá ,gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta. Sự tồn tại của những di tích ấy có giá trị như những “cột mốc văn hóa nơi biên ải”.

Giá trị văn hóa của Lễ hội đình Bình Ngọc có sức sống trường tồn đồng hành cùng người dân Bình Ngọc qua các thế hệ không những đến hôm nay mà còn được lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau.

          Đến hẹn lại lên, ngày 1/6 âm lịch hàng năm, người dân miền biển nơi địa đầu Đông Bắc lại nô nức trẩy hội. Sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất và con người Bình Ngọc cùng với những giá trị văn hóa không thể phủ nhận là minh chứng rõ ràng nhất về sự trường tồn và lớn mạnh của đất nước./.

 

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...