Lễ hội đình Trà Cổ: Bản sắc văn hóa vùng biên ải

25/06/2014 23:42
Đình Trà Cổ, thuộc phường Trà Cổ (Móng Cái), từ lâu vẫn được coi như cột mốc văn hoá nơi biên ải. Nằm ở ven biển, giáp biên giới với Trung Quốc, chịu sự tác động của giao thoa văn hoá, nhưng về kiến trúc, đình Trà Cổ vẫn mang đậm các giá trị thuần Việt; Lễ hội đình Trà Cổ vẫn giữ được những nét sinh hoạt văn hoá dân gian vùng Đồng bằng sông Hồng...

Cột mốc văn hoá Việt

Theo các tư liệu lịch sử là thần tích, sắc phong thì đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461). Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu  nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng thời Lê, đó là các trang trí rồng, phượng trên cốn, cột, đầu bẩy. Đặc biệt, đình Trà Cổ là ngôi đình duy nhất của Quảng Ninh còn giữ được hệ thống ván sàn - kiểu kiến trúc đình phổ biến thời Lê. Ván đình cao cách mặt nền 0,4m, bưng kín bằng những bức chạm trổ.

Đình Trà Cổ gồm tiền đường có 5 gian, 2 chái; hậu cung có 3 gian. Bên trong đình có 48 cột cái và cột quân bằng gỗ lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi tám chữ: “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài). Đề tài trang trí trên các cấu kiện gỗ của đình rất phong phú và đa dạng với các hình rồng chầu mặt trời, rồng hoá mây, cá chép hoá rồng, hình hoa lá, mây xoắn... Tất cả được những người thợ xưa thể hiện rất công phu, tài nghệ, mang đậm nét văn hoá cổ truyền của người Việt Nam.

Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn. Tương truyền, vào đầu thế kỷ 16, có 12 hộ dân chài từ Đồ Sơn đi đánh cá bị giông tố mà dạt đến đất này. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được khó khăn nơi đây nên đã quay về, còn 6 gia đình ở lại lập nghiệp. Chuyện thú vị, những người quay trở về Đồ Sơn bảo rằng: “Ở đây ăn bổng lộc gì. Lộc sung thì chát, lộc si thì già” còn 6 hộ ở lại Trà Cổ đã động viên nhau: “Ở đây vui thú non tiên. Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. 6 hộ ở lại chính là những tiên công lập nên làng Trà Cổ và đang được thờ trong đình.

Độc đáo tục thi “Ông Voi”

Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức hàng năm vào ngày 30-5 và 1-6 âm lịch. Theo các cụ già trong làng kể lại, trước kia lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động và nghi thức. Trước khi mở hội, vào ngày 25-5 âm lịch, làng lại cắt cử các bô lão, trai tráng đại diện đi trên một đoàn thuyền rước bài vị tiên công từ Trà Cổ về quê tổ Đồ Sơn, sau đó quay về Trà Cổ. Nghi lễ này tượng trưng cho con đường ra lập nghiệp ở Trà Cổ của tiền nhân xưa. Ngày nay, nghi lễ trên đã lược bỏ do việc tổ chức đi lại vừa tốn kém, vừa vất vả, sóng gió nguy hiểm. Tuy nhiên, tục thi “Ông Voi” - nghi lễ chính của lễ hội, thì vẫn duy trì năm này qua năm khác.

Theo lệ xưa được duy trì đến nay, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp chọn ra 12 người, gọi là cai đám, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Cai đám phải là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma. Những người được làng chọn cũng rất vinh dự và tự hào, vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc cai đám thì sẽ được lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra…Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời mà thôi. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là “Ông Voi”, được coi như linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ có mắc màn để tránh ruồi muỗi. Khi “hắt hơi xổ mũi” thì có bác sĩ thú y thăm khám.

Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”. “Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “Ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thị khao họ hàng. Riêng “Ông Voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau. Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng ban tổ chức lo các việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội mới thôi. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”.

Sáng 1-6 âm lịch - chính hội, làng tổ chức đám rước thần. 12 cai đám mới được bầu cho lễ hội năm sau đảm nhiệm phần khiêng kiệu và cầm lọng đi hai bên. Đi đầu đám rước sẽ là phường bát âm, đội kèn đồng của xứ đạo Tràng Vĩ. Đám rước đi từ đình ra miếu Đôi, làm lễ cáo yết thành hoàng rồi quay trở lại đình. Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển như tôm, cua v.v.. thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên năm qua đã phù hộ cho mạnh khoẻ, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. Các nghi lễ tế thần được tiếp diễn trong các ngày hội còn lại. Trong những ngày hội thường có một số trò chơi được tổ chức như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo...

Lễ hội đình Trà Cổ năm nay với quy mô lớn hơn và do TP Móng Cái đứng ra tổ chức. Theo lãnh đạo TP Móng Cái, trong quy hoạch về định hướng phát triển của ngành Du lịch Quảng Ninh cũng như định hướng phát triển KT-XH TP Móng Cái những năm tới, Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch với tiềm năng là du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Bãi biển Trà Cổ được mệnh danh là bãi biển trữ tình nhất Việt Nam cùng đình Trà Cổ, bia lưu niệm Bác Hồ, mũi Sa Vĩ v.v.. sẽ tạo nên sự gắn kết, hoà quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp văn hoá tâm linh, làm cho Trà Cổ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.../.

Đài Truyền thanh – Truyền hình Thanh phố Móng Cái

Trung tâm TT và VH
Loading...