Lễ hội Đình Trà Cổ- di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

15/07/2020 22:38
Đến hẹn lại lên, người dân Trà Cổ Móng Cái và những người con Trà Cổ đang sinh sống khắp mọi miền những ngày này lại rộn ràng, náo nức chờ ngày đoàn tụ tại Lễ hội đình làng 1/6 âm lịch- lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đình Trà Cổ, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được hình thành từ thời Hậu Lê. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn sừng sững, hiên ngang như một cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa Việt nơi biên ải.

Lễ rước tại lễ hội truyền thống Đình Trà Cổ 

Theo sử sách, đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Theo truyền thuyết, vào năm 1461, người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (thuộc Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (thuộc Trà Cổ, Móng Cái nay). Trong một lần bão tố, mười hai gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi vất vả, sáu gia đình đã quay về quê cũ, sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng vùng quê mới. Ban đầu chỉ là sáu nếp nhà đơn sơ, dần đã trở thành xóm làng trù phú. Như nhiều làng quê khác, đình Trà Cổ ngày ấy được bà con góp công, góp của xây dựng. Sau đó, nhân dân địa phương đã về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình (Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch). Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.

Từ đó đến nay đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó lần trùng tu gần nhất là năm 2012. Ngôi đình hiện nay được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1000 m2, quay hướng Nam, kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 05 gian 02 trái bái đường và 03 gian hậu cung, kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng ra khơi. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo, sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá… Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 03 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy…

Tục thi "Ông Voi" được lưu truyền

Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian. Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là hội thi “Ông Voi”. Nghi lễ chính này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái. Theo tục lệ, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp làng để chọn ra 12 người, gọi là “cai đám”, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. “Cai đám” phải là người, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình con cái thuận hoà, không vướng việc tang. Những người được làng chọn cũng rất vinh dự, vì theo quan niệm của người xưa, gia đình nào làm tốt công việc cai đám sẽ được lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra…Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “Ông Voi”, được coi là linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi, được thăm khám đầy đủ và chăm sóc, nâng niu, trân trọng.

Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, 12 cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che mưa nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ, cân nặng từng “ông”. “Ông” nào thân dài, vòng cổ to, đẹp và nặng nhất sẽ giành giải nhất; đồng thời được giữ lại để mổ tế thần. Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này.

Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội (1/6). Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”. Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo riêng có, thể hiện sâu sắc ước nguyện về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân Trà Cổ; đồng thời khẳng định một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng và tính truyền đời của một nghi lễ nơi địa đầu Tổ Quốc.

Lễ hội Đình Trà Cổ cùng với di tích Đình Trà Cổ và nhiều nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển Móng Cái trong hạt nhân của Khu Du lịch Quốc gia Trà Cổ đã trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo, riêng có, khiến mỗi người con đất Việt đều ao ước một lần được đặt chân tới đây. Vinh dự hơn, ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định chứng nhận Lễ hội truyền thống Đình Trà Cổ là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Móng Cái, càng khẳng định sâu sắc giá trị cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa nơi biên ải.

Tháng 6 lại về, trong tiếng lòng của mỗi người dân đất địa đầu, của mỗi cư dân Trà Cổ, tiếng trống hội đình đang thôi thúc, giục giã, đưa bước chân người người trở về để cùng đoàn tụ, tìm lại những giá trị cội nguồn…

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...