Lễ rước kiệu ngênh thần. Ảnh tư liệu: Trần Bình - Trung tâm TT & VH.
Đình Trà Cổ tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê; đình Trà Cổ đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ từ thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy…
Lễ hội đình Trà Cổ năm 2019 được tổ chức theo 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các lễ mục dục, lễ rước cây đèn thần, thi Ông Voi và thực hiện các nghi lễ: lễ thỉnh sinh, lễ rước kiệu ngênh thần. ….Phần hội gồm các chương trình văn nghệ, viết thư pháp, tổ chức một số trò chơi như thi kéo co, đi cà kheo và bóng chuyền hơi. Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là hội thi “Ông Voi”; Nghi lễ này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái.
Theo tục lệ, trước khi vào lễ hội, làng Trà Cổ lại họp làng để chọn ra 12 người, gọi là “cai đám”, để chuẩn bị cho lễ hội năm sau. Đáng chú ý, cho dù hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi người chỉ được vinh dự làm cai đám một lần trong đời. Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này được gọi là “Ông Voi”, được coi là linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi và được quý trọng.
Chiều 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, 12 cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che mưa nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ, cân nặng từng “ông”. “Ông” nào thân dài, vòng cổ to, đẹp và nặng nhất sẽ giành giải nhất; đồng thời được giữ lại để mổ tế thần. Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội (1- 6 âm lịch). Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội và được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”. Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo riêng có, thể hiện sâu sắc ước nguyện về cuộc sống ấm no của người dân Trà Cổ; đồng thời khẳng định nét đẹp văn hóa của cư dân Việt.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Lễ hội đình Trà Cổ và đình Trà Cổ vẫn hiên ngang nơi địa đầu Tổ Quốc như một cột mốc khẳng định chủ quyền nơi biên ải./.