Lễ hội Đình Vạn Ninh

31/01/2023 14:42
Ngày 31/1 (tức ngày 10 tháng Giêng âm lịch), xã Vạn Ninh đã long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Đình Vạn Ninh năm 2023. Đồng chí Nguyễn Văn Đô - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Móng Cái; đồng chí Nguyễn Phúc Vinh - Phó Chủ tịch UBND TP; đồng chí Phạm Thị Oanh - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái cùng các đại biểu đã tới dự.
Đình Vạn Ninh tại thôn Trung xã Vạn Ninh
Phần lễ tại Lễ hội đình Vạn Ninh

Đình Vạn Ninh tọa lạc ở thôn Trung, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV để thờ Lý Thường Kiệt, người được tôn là Thành hoàng làng. Ngoài ra, đây còn là nơi thờ tự của 7 vị thần là Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Giác Hải, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, vua Trần Nhân Tông, tướng quân Phạm Ngũ Lão, tướng quân Yết Kiêu và vua Lê Thái Tổ. Các vị thần này đều có sắc phong, sắc của vua Tự Đức cho Lý Thường Kiệt, Không Lộ thiền sư, Giác Hải thiền sư và Trần Hưng Đạo hiện được giữ tại đình, số còn lại được lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Hiện, đình còn có hai ban thờ ở hai hồi của nhà tiền tế, ban phía đông thờ cụ tổ của hai họ Bùi, họ Nguyễn - hai họ đứng ra xây đình đầu tiên; ban phía tây thờ cụ tổ của các dòng họ sau này tham gia xây dựng đình.

Theo lịch sử, trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, Tướng quân Lý Thường Kiệt đã lấy đất Vạn Ninh làm nơi tập kết thuỷ quân. Người Vạn Ninh tự hào và để tưởng nhớ công lao ông, sau này, nhân dân xã Vạn Ninh đã xây dựng đình và tôn thờ Lý Thường Kiệt làm thành hoàng làng và phối thờ cùng các vị thành hoàng khác ở trong đình.

Đình Vạn Ninh có diện tích gần 200m2, có bố cục hình chữ Đinh (J), gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, chung quanh diềm mái trang trí dải cánh sen đã cách điệu. Hệ thống vì kèo của đình được thiết kế theo kiểu giá chiêng chồng rường, được chạm trổ, ghép mộng chắc chắn. Đình có 32 cây cột gỗ được kê trên đá tảng, trong đó có 12 cây cột cái có đường kính 45cm, 20 cây cột quân có đường kính 35cm. Công trình hiện nay được phục dựng khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008. Đình Vạn Ninh đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh năm 2011.

Đồng chí Trần Văn Canh - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội phát biểu khai mạc 
Đồng chí Nguyễn Văn Đô - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Móng Cái; đồng chí Nguyễn Phúc Vinh - Phó Chủ tịch UBND TP; đồng chí Phạm Thị Oanh - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân

Đồng chí Trần Ngọc Trung - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết: “ Lễ hội đình Vạn Ninh năm 2023 được tổ chức trong 2 ngày 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, đã 3 năm nay do dịch bệnh Covid - 19 nên Lễ hội không tổ chức được phần hội mà chỉ thực hiện phần lễ. Năm nay, dịch đã được kiểm soát nên Lễ hội đình được tổ chức cả phần lễ và phần hội với Lễ rước thần, lễ tế… và các hoạt động với nhiều trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, kéo co, đá bóng để nhân dân và du khách tham gia. Đây cũng là lễ hội đầu tiên trong năm trên địa bàn TP Móng Cái với cầu mong “ Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, thông qua lễ hội nhằm tri ân công đức của các vị tiền nhân đã có công với đất nước với xã Vạn Ninh đồng thời, cũng là động lực để Đảng bộ - chính quyền và nhân dân xã Vạn Ninh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023. Lễ hội đình Vạn Ninh cũng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và nét đẹp văn hóa lịch sử tốt đẹp, nâng cao hơn nữa lòng tự hào về quê hương đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng trên địa bàn”

Từ xưa tới nay, đình luôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh cộng đồng làng xã của xã Vạn Ninh nói riêng, của nhân dân TP MÓng Cái nói chung. Đã thành thông lệ hàng năm, xã Vạn Ninh tổ chức lễ hội đình vào 2 ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch với nhiều nội dung phong phú gồm cả phần lễ và phần hội, trong đó nghi lễ rước thần từ khu vực Đồng Hà (còn gọi là gồ Nghênh thần) về đình theo nghi lễ truyền thống mang nhiều nét văn hoá đặc trưng của cư dân Vạn Ninh. Bên cạnh phần nghi lễ, phần hội cũng có nhiều trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, kéo co, đá bóng v.v.. thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham quan. 

Dâng hương tại Lễ hội đình Vạn Ninh

Chị Vũ Thị Hằng - du khách đến Lễ hội đình Vạn Ninh chia sẻ: “Là một người con của quê hương Móng Cái, đoàn chúng tôi đến tham dự Lễ hội đình Vạn Ninh năm 2023 và cảm thấy rất biết ơn và tự hào với những giá trị lịch sử của ông cha ta để lại. Tôi mong muốn được tham gia lễ hội đình để giữ những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống của vùng đất Vạn Ninh anh hùng cho các thế hệ trẻ, đây cũng là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa cho đời sau”

Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và cầu cho năm mới Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Đồng thời giáo dục ý thức người dân bảo tồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt, tại Lễ hội đình Vạn Ninh sẽ có trình diễn và biểu diễn hát nhà tơ - đây được xem là một trong những cái gốc của nghệ thuật hát nhà tơ, hát cửa đình ở Quảng Ninh, nơi đây nhiều nghệ nhân Vạn Ninh hiện vẫn đang lưu giữ loại hình hát nghi lễ đặc sắc này. 

Bà Bùi Thị Cần - thôn Trung xã Vạn Ninh cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Vạn Ninh nên chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi được tham dự Lễ hội đình Vạn Ninh, ngoài phần lễ để tri ân và tưởng nhớ các vị thành hoàng làng có công dựng làng, chúng tôi còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ để góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các vị tiền nhân thuở trước. Đây là nét đẹp văn hóa của quê hương mà chúng tôi muốn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ sau này” 

Phần hội với nhiều trò chơi dân gian độc đáo

Đình Vạn Ninh và Lễ hội đình Vạn Ninh cùng với các di tích lịch sử văn hóa của TP Móng Cái như Đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, đình Tràng Vỹ, đền Thánh Mẫu, chùa Nam Thọ, chùa Xuân Lan, đình làng Bầu... là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử và phát huy bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, noi ghi dấu ấn giữ nước và khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc./.

Trần Tương - Trần Bình
Trung tâm TT và VH
Loading...