Với chủ đề lễ hội: “Sắc tím biên cương, kết nối di sản” thể hiện niềm tự hào về dải đất biên cương hùng vĩ và thiêng liêng nơi vùng đất địa đầu của Tổ Quốc. Lễ hội sẽ được tổ chức tại một số điểm du lịch trên địa bàn xã Hải Sơn (Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Hải Sơn, Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn; Cột mốc 1347(2); xóm Họ Đặng, thôn Pò Hèn; xóm 26 Hộ, thôn Thán Phún Xã, đồi sim Mã Thàu Sơn, thôn Lục Chắn...) với chuỗi các hoạt động: Lễ dâng hương Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn; Lễ khai mạc và giới thiệu sản phẩm, sản vật, ẩm thực đặc sắc các địa phương thuộc Thành phố; Tổ chức giao lưu sản vật cụm các địa phương miền núi (Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa, Hà Lâu (Tiên Yên), Húc Động, Đồng Văn (Bình Liêu) hoạt động tại các gian hàng; Tổ chức thể thao và các trò chơi dân gian trong đó có giải bóng đá nam, nữ; giải đánh quay nam, nữ; giải chạy “Tìm về địa chỉ đỏ khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn”; các trò chơi dân gian: Bịt mắt vồ bưởi, đẩy gậy, ném còn, cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt, đập niêu, leo thân chuối, đi cà kheo, đẩy xe rùa, lày cỏ (sái mả), thi trang điểm cô dâu dân tộc Dao và Sán Chỉ; giã bánh dày… giao lưu dân vũ; du khách tham gia trải nghiệm đan lát, thêu thùa, gói bánh, giã bánh dày…Tổ chức thăm không gian văn hóa các dân tộc Tổ chức hoạt động trải nghiệm, tham quan du lịch cộng đồng Hải Sơn và các hoạt động trải nghiệm, tham quan tại Hải Sơn (Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn; Cột mốc 1347(2); xóm Họ Đặng, thôn Pò Hèn; Đồi sim Mã Thàu Sơn tại thôn Lục Chắn, khu 26 Hộ, thôn Thán Phún Xã…). Tại lễ hội diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Tự hào một dải biên cương ” dự kiến với sự góp mặt của ca sỹ A Páo và Quốc Chiều với các tiết mục nghệ thuật ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, trình diễn lễ cấp sắc dân tộc Dao, lễ cấp âm đân tộc Sán Chỉ, lễ đón dâu của dân tộc Dao và Sán Chỉ, bản sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi biên giới; bài múa Tắc sình của đồng bào dân tộc Sán Chỉ...
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao thì giải chạy tìm về địa chỉ đỏ là một điểm nhất trong lễ hội năm nay với cung đường chạy dài 4km từ Nhà văn hóa thôn Lục Chắn tới Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, Hoạt động Móng Cái Half Marathon 2025 là sự kiện không thể bỏ lỡ của những tâm hồn yêu chạy bộ, yêu thiên nhiên và văn hóa Việt! Trong khuôn khổ Móng Cái Half Marathon 2025, các vận động viên sẽ có cơ hội độc đáo để chiêm ngưỡng những đồi sim nở tím ngăn ngắt và tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc:, các trò chơi dân gian, ẩm thực vùng cao (gà đồi, cá suối, lợn bản, xôi ngũ sắc, ngan đen...) và cơ hội trái nghiệm không gian văn hoá các dân tộc, gian hàng trưng bày sản vật địa phương cùng nhiều bất ngờ thú vị đang đợi chờ bạn đến khám phá nét văn hóa độc đáo nơi vùng cao biên giới Hải Sơn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí đảm bảo sự phong phú, vui tươi, lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, phù hợp với phong tục, tập quán, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thông qua các hoạt động tại lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh, giới thiệu tái hiện và quảng bá các hình ảnh, tiềm năng lợi thế và khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thành phố Móng Cái nói chung và các xã miền núi biên giới nói riêng; thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; tạo không khí vui tươi, phấn khởi và cổ vũ cán bộ, nhân dân các dân tộc tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Lễ hội Hoa Sim biên giới năm 2025 gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng nhằm tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển khu du lịch Quốc gia Trà cổ, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức lễ hội gấp rút hoàn thiện và chuẩn bị chu đáo. Lễ hội Hoa Sim biên giới năm 2025 tại xã Hải Sơn hân hoan chào đón du khách và Nhân dân tới khám phá và trải nghiệm!
(Bài viết có sử dụng ảnh tư liệu của phòng viên Thu Hằng và Hải Ninh)