Lễ hội hoa sim biên giới thành công rực rỡ

16/05/2022 07:37
Có lẽ chưa bao giờ, vùng đất Hải Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh lại đón chào nhiều người tới thăm đến thế! Gần mười nghìn lượt người tham dự lễ hội hoa sim biên giới là con số thống kê được qua hai ngày cuối tuần 14,15/5 vừa qua. Thành công rực rỡ từ lễ hội đã ghi dấu sự trở lại ấn tượng của ngành du lịch, đồng thời mở ra cơ hội mới, tầm nhìn mới cho du lịch cộng đồng ở Móng Cái.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn Vũ Tuấn Anh: Sau 2 ngày diễn ra (14 và 15/5), lễ hội Hoa sim Biên giới 2022 tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái đã thu hút gần 10.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây là con số “chưa từng có” đối với một vùng đất cao nhất, xa nhất ở TP Móng Cái.

Du khách vô cùng hào hứng với những trải nghiệm thú vị ở lễ hội

Cô gái Sán Chỉ ném còn

Cô gái Dao giới thiệu sản phầm Trà hoa vàng do chính tay đồng bào vun trồng, chế biến

Hải Sơn xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34 km về phía Tây Bắc, Dân số 349 hộ, với 1.533 nhân khẩu, gồm 03 thành phần dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86,8%. Vùng đất Hải Sơn với cảnh quan tuyệt sắc và những con người đồng bào mộc mạc cùng truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và lòng hiếu khách chân thành là yếu tố rất cần để tổ chức loại hình du lịch cộng đồng. Nơi đây có Khu di tích lịch sử Pò Hèn, có Làng bích họa rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc, có thác 72 gian - hồ Tràng Vinh, Núi Panai, Mã Thầu Sơn, có Đồi Sim và nhiều nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống vùng đồng bào đặc sắc, nghệ thuật ẩm thực đặc biệt, trò chơi dân gian độc đáo… thích hợp cho du khách ưa khám phá, thích trải nghiệm miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ. Lễ hội bao gồm các nội dung: Dâng hương Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn; triển lãm tranh, ảnh đẹp về Móng Cái; trình diễn trang phục và liên hoan ẩm thực các dân tộc địa phương; họp phiên chợ Pò Hèn, tổ chức các trò chơi dân gian... Chủ đề chính của lễ hội là "check in" tại khu vực đồi sim tự nhiên đang vào mùa nở rộ của vùng đất biên giới.

Du khách thích thú chụp ảnh với hoa sim. Ảnh fb Điệp Nguyễn

Em bé vô cùng đáng yêu bên rừng sim và nếp nhà mộc mạc của người đồng bào

Trong hai ngày diễn ra, điều kiện thời tiết đẹp, giao thông rất thuận lợi nên du khách “ùn ùn” lên với Hải Sơn để thăm quan, chụp ảnh, giao lưu và khám phá, trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng. Cảnh đẹp, người vui, khâu tổ chức hấp dẫn, mới lại… là những điều du khách vô cùng thích thú. Du khách Trần Thị Liên hào hứng chia sẻ: lần đầu tiên tôi đến với Hải Sơn và rất ấn tượng với thiên nhiên, con người nơi đây. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều du khách được đến đây.

Cùng với sự chuẩn bị rất chu đáo, có sự tham gia không chỉ của Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức CT-XH, lực lượng Bộ đội biên phòng mà còn có sự chung tay của các nhà trường, ngành giáo dục, các xã, phường, 62/349 hộ dân bản địa cũng tham gia phục vụ lễ hội, từ các các gian hàng chợ phiên Pò Hèn đến khâu phục vụ du khách ăn uống, sinh hoạt, hướng dẫn trải nghiệm tại các điểm đến… Bên cạnh đó, Lễ hội hoa sim biên giới thành công rực rỡ còn có sự tham gia nhiệt tình của công tác truyền thông, các cơ quan báo chí TW, Tỉnh, địa phương và truyền thông từ chính những người dân Móng Cái, lan tỏa hình ảnh rực rỡ của du lịch miền biên viễn trên khắp các trang mạng xã hội… tạo hiệu ứng rất tốt cho việc giới thiệu điểm đến cuối tuần và xa hơn là thiết lập các tuor trong ngày, ngắn ngày đối với du lịch vùng cao ở Móng Cái. Hai ngày 14, 15/5, có thể nói, mọi con đường đều đổ dồn về lễ hội hoa sim, mọi trang fb, zalo đều rực rỡ sắc màu miền biên giới và Móng Cái, sau đại dịch, đã bắt đầu sôi động, hào hứng với cuộc sống mới tươi đẹp hơn, là minh chứng rõ nhất cho chủ trương thích ứng an toàn, mở cửa linh hoạt, phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới.

Đây là năm đầu tiên TP Móng Cái tổ chức Lễ hội « Hoa sim biên giới» gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hải Sơn, qua đó không chỉ góp phần quảng bá vùng đất thiêng nơi chiến sỹ, đồng bào là cột mốc sống của lòng dân, cột mốc sống văn hóa Việt nơi biên cương Tổ Quốc mà còn là cách đưa đồng bào nơi đây tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hình ảnh những cô gái dân tộc Dao, Sán Chỉ tham gia giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nông sản do chính tay đồng bào vun trồng, hình ảnh những người mẹ Dao Thanh Y hướng dẫn con thêu thùa, may vá… đã khiến du khách thêm thích thú trước bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của người đồng bào, từ đó thêm yêu Tổ quốc, con người Việt Nam, thắt chặt hơn tình keo sơn giữa các dân tộc…Những mâm cơm vô cùng đặc biệt với đầy đủ món ăn từ bản làng, núi rừng, sông suối mà giá cả lại rất hợp lý, thậm chí theo du khách phản ánh là “rẻ”, “ngon”, “chất lượng”… là những hình ảnh vô cùng đẹp về văn hóa bản địa, văn hóa làm du lịch của người đồng bào Hải Sơn.

Nghệ thuật ẩm thực và cung cách phục vụ mộc mạc của người đồng bào là "nét duyên", riêng có của du lịch Hải Sơn cần được phát huy

Bên cạnh sự phấn khởi vô cùng và kỳ vọng vào việc phát triển kinh tế cho đồng bào dựa vào du lịch cộng đồng, Ông Vũ Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh cho biết: địa phương cũng rút được một số kinh nghiệm sau lễ hội như: công tác phục vụ tại quán ăn còn chưa nhanh chóng do lần đầu được phục vụ lượng khách quá đông; các mặt hàng bày bán Phiên chợ vùng cao Pò Hèn chưa thực sự đa dạng; nhiều du khách đến với Lễ Hội mong muốn có chỗ nghỉ lại qua đêm nhưng xã chưa đáp ứng được ngay…

Băn khoăn ấy có lẽ chính là tâm huyết của cấp ủy, chính quyền, đồng bào địa phương trong kỳ vọng phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời, kinh nghiệm, bài học qua Lễ hội được nhìn nhận rõ ràng sẽ là cách để ngành du lịch Móng Cái, thành phố Móng Cái có sự điều chỉnh, quan tâm hơn, chu đáo hơn, đầu tư mạnh mẽ hơn cho những lễ hội hoa sim biên giới tiếp theo cũng như trong cách thức quảng bá, giới thiệu, tổ chức thực hiện các hoạt động du lịch để năm 2022, Móng Cái phấn đấu đón 600.000 lượt khách, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đón 10 triệu khách du lịch của Quảng Ninh.

Thu Hằng
Trung tâm TTVH
Loading...