Lực đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu

28/12/2022 09:56
Để phát triển kinh tế bền vững, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú trọng việc đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư công đối với nhiều dự án, công trình ở các khu kinh tế cửa khẩu, từ đó góp phần tạo ra “lực đẩy” rất lớn để phát triển kinh tế ở khu vực này.
Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu thương mại, dịch vụ tại phường Hải Hòa (TP Móng Cái) giai đoạn 1. Ảnh: Trung Thành

Thời điểm trước năm 2010, kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, đường cao tốc chưa được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tỉnh đã huy động nguồn lực lớn, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng.

Đơn cử, từ ngày 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác, kết nối với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn tạo thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây, đã đóng góp quan trọng vào phát triển liên vùng và giao thương giữa các nước ASEAN, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện đầu tư đồng bộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh, như: Nâng cấp Quốc lộ 18C (giai đoạn 2) kết nối từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến TP Móng Cái; xây dựng cầu thay thế ngầm tràn tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh; xây dựng cầu phao tại lối mở biên giới km3+4; cầu Bắc Luân II; khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh; đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu thương mại, dịch vụ tại phường Hải Hòa (TP Móng Cái) giai đoạn 1...

Phối cảnh cảng Vạn Ninh.
Phối cảnh cảng Vạn Ninh.

Những công trình đó đã và đang mở ra không gian và dư địa phát triển mới mang tính đột phá, tạo nên hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái và Khu Kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn. Nhờ đó, kết nối được đồng bộ về hạ tầng giao thông, tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thúc đẩy hợp tác quốc tế và liên kết vùng, liên vùng, nội vùng. Đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực hợp tác Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tứ giác, hành lang phát triển Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Thanh Hóa.

Song song với đó, thời gian qua, Quảng Ninh cũng luôn tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm tối đa, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, với những mô hình đổi mới sáng tạo đi đầu cả nước về cải cách hành chính như hệ thống Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả”. Kết quả được thể hiện rõ nét khi 5 năm liên tiếp (2017-2021), Quảng Ninh giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đã khẳng định chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tháng 2/2022 tỉnh khởi công dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (QL18C) từ KKT Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, giai đoạn 2.

Năm 2022, mặc dù vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, tác động của dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.783 triệu USD, tăng 8,58% cùng kỳ, đạt 103% kịch bản tăng trưởng; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.035 triệu USD, tăng 9,6% cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ vận tải kho bãi tăng 15,55%, cao hơn 12,9 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,2% trong GRDP, đóng góp 1,08 điểm trong tốc độ tăng GRDP.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa khu vực kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực. Tỉnh và các ngành chức năng đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tham gia định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, tỉnh cũng cam kết sẽ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khi có phản ánh. Thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Quyết tâm giữ vững thứ hạng cao trong tốp đầu về nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), tốp đầu trong cải cách hành chính, xây dựng Quảng Ninh từng bước trở thành “điểm đến hấp dẫn” thu hút doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế cửa khẩu của tỉnh.


 

baoquangninh.com.vn
Loading...